ClockThứ Năm, 02/09/2021 07:26

Nuôi chí lớn trong nhà tù

TTH - Suốt 5 năm từ nhà lao Thừa Phủ (Huế), Non Nước (Đà Nẵng) ra nhà tù Phú Quốc, tù nhân chính trị gần tròn tuổi 20 Trương Văn Dỏ lúc ấy dù nếm trải vô số đòn tra tấn chết đi sống lại, nhưng vẫn cùng tổ chức, đồng đội kiên trung đấu tranh cho đến ngày đất nước thống nhất.

Ông Trương Văn Dỏ kể lại những trận đòn tra tấn sau các cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, phản đối làm công sự

Tham gia những trận đánh lớn

Trước hiên nhà cấp 4 đơn sơ, vườn tược đủ loại cây ăn trái ở TDP Giáp Thượng, phường Hương Văn, TX. Hương Trà, ông Trương Văn Dỏ kể cho chúng tôi nghe những ký ức từ khi ông “chập chững” tham gia làm cách mạng, thoát ly lên rừng.

Tháng 11/1967, ông Trương Văn Dỏ tham gia lực lượng du kích xã và được giao nhiệm vụ nắm tình hình địch. Trận đánh lớn đầu tiên và cũng là trận đánh lịch sử mà ông Dỏ được tham gia là cuộc tổng tiến công kéo dài 25 ngày đêm vào thành Huế xuân 1968. Sau trận đánh này, ông được điều về hoạt động tại địa phương, lúc đó là xã Hương Thạnh (xã Hương Văn và Hương Xuân ngày nay). Những địa chỉ, trận đánh như ở đồn Mõm Xanh, Cửa Rừng - khe Ồ Ồ (nay được dựng bia chiến tích của TX. Hương Trà)... của quân ta đã làm kẻ địch bao phen khiếp vía. Nhất là căn cứ của địch ở đồn Mõm Xanh sau những lần thất bại và qua công tác binh vận, địch phải rút quân khỏi vị trí chiếm đóng.

Tháng 11/1968, trong khi tham gia chiến đấu, ông Dỏ cùng đồng đội là ông Trương Văn Lụa, Đại đội phó bộ đội địa phương (người cùng quê) bị địch vây bắt và đưa lên máy bay chở vào đồn Mang Cá.

Gần 10 ngày ở đồn Mang Cá và nửa tháng ở lao Thừa Phủ, ông bị chúng thẩm vấn, tra tấn bằng dây điện đến liệt cả hai chân hòng bắt ông chỉ điểm trên bản đồ vị trí tác chiến của quân ta, nhưng ông Dỏ một mực không khai. Không moi được thông tin từ ông Dỏ, địch đưa ông vào nhà lao Non Nước (Đà Nẵng). Nửa tháng ở đây, ngày nào ông cũng bị tra tấn, đánh đập đến nhừ tử. Nhưng niềm tin cách mạng sục sôi khi ở đây ông cùng nhiều tù nhân khác tổ chức đấu tranh với địch. Bị xếp vào phần tử cứng đầu, chúng đưa ông lên máy bay chở ra Trại giam tù binh Phú Quốc đúng vào ngày 5/12/1968.

Nếm trải “địa ngục trần gian”

Trong ký ức, đến nay, ông Dỏ chưa quên ngày đầu ông bị đày ra đảo Phú Quốc.

Từ máy bay xuống, ông và những người cùng chuyến bị bắt nằm rạp xuống đất và nhận “màn chào hỏi” bằng những bước chân dẫm đạp lên mình cùng những đòn đánh phủ đầu tới tấp bằng báng súng, dùi cui, giày đinh. Sau “thủ tục nhập trại”, ông Dỏ và các tù nhân tiếp tục nhận những trận “mưa” đòn roi đau đớn không kém.

Dù địch dùng mọi hình thức tra tấn dã man, nhưng anh em vẫn xây dựng được tổ chức Đảng và đoàn thể để lãnh đạo đấu tranh kiên trì, bền bỉ, bảo vệ sinh mạng và phẩm chất chính trị của người chiến sĩ cách mạng.

Ngoài tham gia công tác xã hội, ông Trương Văn Dỏ còn trồng cây ăn quả để cải thiện kinh tế gia đình

Sau một thời gian ngắn, ông được đưa vào Đội xung kích để cùng các anh em tham gia đấu tranh, phát biểu đòi quyền dân sinh, đấu tranh nhất quyết không làm công sự như đào hầm quân sự, rào thép gai, vì nếu làm vậy chính là chống lại đồng đội mình.

Lần chịu tra tấn khốc liệt nhất, kéo dài nhất là vào hôm thứ ba ông bị phát hiện lén vùi cá phèn dưới cơm mang cho đồng đội bị nhốt ở ngoài biệt lao (do tổ chức đào hầm vượt ngục bất thành), để giúp họ có đủ sức sống sót, vì bọn chúng chỉ cho ăn cơm muối trắng.

Thế là ông bị đưa ra nhốt vào thùng co-net dài chưa tới 2m, rộng 1,5m gần nửa tháng. “Ngày nắng nóng, đêm lạnh, mình phải vận động cho ấm người”.

Những tưởng được trở vào nhà giam sau khi toàn thân bại liệt, nhưng bọn chúng lôi ông sang nhốt chuồng cọp. Những ai vào chuồng cọp đều phải chịu hình phạt nằm trên giàn thép gai phơi nắng suốt ngày. Ban đêm nằm “chùm hum” giữa nền đất, vừa chịu hơi đất sau một ngày nắng hầm hập ở đảo, vừa chịu cơn rét lạnh thấu xương khi về khuya. Suốt hơn tuần lễ ở chuồng cọp, ông đau đớn đến độ không nhúc nhích, chẳng khác “người chết chưa chôn”. Lúc chúng thả ông về trại, ông bị kiết lỵ kéo dài hơn một tháng trời. “Anh em thương tình lúc đi khám trạm xá kiếm ít thuốc về cho tôi bồi bổ, họ hái cây cam thảo đất nấu nước cho uống. Sáu tháng liền bị bại liệt, anh Nguyễn Xuân Ánh, quê ở Quảng Thái, Quảng Điền là người thường cõng giúp tôi đi lại. Anh em đồng đội đã hồi sinh tôi lần nữa. Những ân tình này tôi luôn ghi tạc không quên”, ông Dỏ rơm rớm xúc động.

Đấu tranh đến thời khắc tự do

Quãng thời gian trong tù, ông Dỏ học được nhiều điều từ đồng chí, đồng đội, từ những hành xử man rợ, vô nhân tính của bọn cai ngục, giúp ông thêm vững vàng tinh thần cách mạng, quyết không khuất phục, đấu tranh đến cùng.

Năm 1970, ông Dỏ tham gia Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, được bầu làm Phó Bí thư Đoàn của trại B2 và được tổ chức giao nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Để đòi cải thiện đời sống, cấp đủ thức ăn, có áo quần mặc, được đi trạm xá khám, cấp thuốc khi đau ốm..., nhiều cuộc đấu tranh được tổ chức trong tù như tuyệt thực, chống đối, truy sát cai ngục... Nhiều đồng chí tự mổ bụng để đấu tranh đòi công lý.

Ông Dỏ còn nhớ lần tham gia tuyệt thực lâu nhất là trong suốt 7 ngày. Sau những lần tổ chức đấu tranh quyết liệt của tù binh, địch đành phải nhượng bộ, đáp ứng yêu cầu của ta.

Tháng 3/1973, trước khi được trao trả về đất liền, ông Dỏ nằm trong nhóm 5 người được tổ chức phân công cất giấu các bộ phận của lá cờ Mặt trận giải phóng. Nhiệm vụ của ông là giấu ngôi sao, ông đem vấn nhỏ nhét sâu vào mũi. Hai người khác giấu dải xanh và dải đỏ. Hai người còn lại giấu kim và chỉ. Những ai không có cờ, lúc xuống máy bay xé áo, tìm thứ để viết khẩu hiệu “Hoan nghênh giải phóng mặt trận miền Nam”, “Đả đảo đế quốc Mỹ”...

Ra tù, ông tiếp tục chiến đấu, tham gia nhiệm vụ mở đường dây thông tin liên lạc từ Quảng Trị vào đến Hải Vân. Không dính bom đạn nổ, thì đường ống xăng phát cháy, bao phen ông suýt chết.

Hòa bình lập lại, ông Dỏ về công tác tại Huyện đội Hương Trà. Năm 1976, ông chuyển công tác sang ngành kiểm lâm. Ở kiểm lâm Phú Lộc 14 năm, 2 năm ở Huế và sau khi chia tỉnh năm 1991, ông ra Hương Trà, giữ chức vụ Hạt phó Hạt Kiểm lâm, Bí thư Chi bộ Hạt Kiểm lâm Hương Trà cho đến năm 2008 thì nghỉ hưu. 

Tham gia vào ban liên lạc Hội Tù yêu nước của tỉnh trước năm 1990, từ năm 2010 đến nay, ông Trương Văn Dỏ giữ chức Chủ tịch Hội Tù yêu nước TX. Hương Trà - nơi quy tụ hơn 600 cựu tù yêu nước (hiện còn 120 hội viên) ở TX. Hương Trà. Trong suốt quá trình công tác đến nay, ông Dỏ vẫn giữ vững khí tiết anh hùng cách mạng, xứng đáng với những đồng chí, đồng đội hy sinh xương máu, những người đã về với tiên tổ. Ông luôn giáo dục con cháu sống lạc quan, giản dị, làm nhiều việc tốt, có ích cho gia đình, xã hội.

Do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ông Trương Văn Dỏ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Nhì, Ba, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top