ClockThứ Ba, 17/03/2015 16:59

Nuôi trồng thủy sản gặp khó

TTH - Nguồn nước bị ô nhiễm do cửa Tư Dung bị bồi lấp không chỉ làm thiệt hại hàng tỷ đồng của các trang trại, ngư dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn mà còn làm hàng trăm ngư dân mất nguồn thu chính từ đầm phá.

Thủy sản chết hàng loạt

Đầm Hải Phú trải dài trên 60 ha qua địa bàn 2 xã Lộc Bình và Vinh Hiền, từ lâu là nguồn sinh kế của hàng trăm ngư dân. Hơn 2 năm nay, cửa Tư Dung bị bồi lắng, nguồn nước trong đầm Hải Phú bị ô nhiễm, ngọt hóa làm cho nhiều diện tích nuôi trồng các loại thủy sản như ngọc trai, cá, vẹm xanh…chết hàng loạt.
Cửa Tư Dung bồi lấp gây thiệt hại lớn
Anh Lê Viết Khánh, ở thôn Hải Bình buồn bã: “Trước đây, gia đình tôi nuôi 20 lồng cá cùng ốc hương, vẹm xanh… thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng. Hai năm nay, cửa Tư Dung bị bồi lấp, đầm Hải Phú biến thành “ao”, nước ngọt hóa, gia đình tôi không nuôi các loại thủy hải sản được. Ông Lê Viết Sơn, người cùng thôn cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại, cửa Tư Dung bồi lấp, nước không lưu thông được, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, các ao hồ nuôi trồng thủy sản ở đầm Hải Phú không nuôi được. Cuộc sống gia đình của nhiều hộ dân lâm vào khó khăn. Mong Nhà nước quan tâm nạo vét cửa Tư Dung để tạo thuận lợi cho ngư dân đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản.”.
Nguồn nước ô nhiễm còn làm nhiều trang trại nuôi trai lấy ngọc ở xã Lộc Bình cũng rơi vào cảnh khốn đốn, trai đang trong thời kỳ sinh trưởng bị chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trang trại nuôi trai lấy ngọc của Công ty TNHH Đầu tư và sản xuất Ngọc Việt giờ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, lồng trai vứt ngổn ngang. Những năm trước, Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất Ngọc Việt đầu tư nuôi trai lấy ngọc đã tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương lúc nông nhàn.
Nguồn nước bị ô nhiễm do cửa Tư Dung bị bồi lấp không chỉ làm thiệt hại hàng tỷ đồng của các trang trại, ngư dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn mà còn làm hàng trăm ngư dân mất nguồn thu chính từ đầm phá. Không có việc làm nhiều hộ phải chuyển sang phụ hồ hay đi các địa phương khác làm ăn. Anh Nguyễn Ánh, ở thôn Hải Bình cho biết: “Bao đời nay gia đình tôi theo nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên đầm phá, mang lại nguồn thu nhập khá cao. Hai năm nay, cửa Tư Dung bồi lấp, gia đình tôi không nuôi cá được, đời sống gia đình khó khăn. Để có tiền cho các con ăn học, vợ chồng tôi phải đi phụ thợ nề hoặc ai thuê chi làm nấy”.
 
Khơi thông chậm
Liên lạc qua điện thoại, lãnh đạo Công ty CP Khai thác sản xuất khoáng sản 55 cho biết: “Do bồi lấp lâu năm nên cửa Tư Hiền lượng cát bồi lấp nhiều, công ty thực hiện nạo vét, chống thông luồng chậm so với kế hoạch đề ra. Công ty cố gắng sẽ khơi thông cửa Tư Dung trong quý 2 năm 2015, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con ngư nuôi trồng và khai thác thủy hải sản”.
Năm 2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Khai thác sản xuất khoáng sản 55 về thực hiện dự án đầu tư nạo vét thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn cửa biển Tư Hiền - Tư Dung (Theo người dân ở địa phương cửa Tư Dung và Cửa Tư Hiền là hai cửa khác nhau. Cửa Tư Hiền hiện nay tàu thuyền ra vào được, còn cửa Tư Dung đang bị bồi lấp nên người dân không nuôi trồng thủy sản được) và Thuận An để xuất khẩu. Mục đích, phục vụ nhu cầu lưu thông vận tải hàng hải, đánh bắt thủy hải sản, cải tạo môi trường để phát triển nuôi trồng thủy sản trong khu vực đầm phá; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào khu vực tránh trú bão, phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Thời gian thực hiện 3 năm, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư (26/4/2013).
Tuy nhiên, đến nay công ty này chỉ mới nạo vét một phần cửa biển Tư Hiền, còn cửa Tư Dung bồi lấp trầm trọng vẫn chưa động tĩnh. Ông Lương Thế Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho hay: “Hiện nay, cửa biển bồi lấp ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế của hàng trăm hộ dân không những của xã Lộc Bình mà cả xã Vinh Hiền. Chính quyền địa phương mong muốn đơn vị có liên quan sớm khơi thông cửa Tư Dung”.
Bài, ảnh: Thanh Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Return to top