ClockThứ Hai, 22/08/2016 05:46
NGHỀ LÀM MẮM:

Nút thắt là phục hồi sức mua

TTH - Theo nhiều hộ sản xuất mắm, lý do khiến tình hình sản xuất, chế biến mắm rơi vào tình trạng ế ẩm là do sức tiêu thụ sụt giảm đáng kể.

Các cơ sở chế biến sản xuất mắm khó tìm thị trường tiêu thụ

Thị trường thu hẹp

Đến cơ sở sản xuất mắm của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (thôn An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), hơn 100 lu mắm vẫn nằm “bất động” chưa có ai hỏi thăm. Sau sự cố môi trường biển, tình hình kinh doanh mắm của bà Mai gặp nhiều khó khăn. “Từ trước đến nay, chưa lúc mô mắm lại ế như vậy. Trước đây, mỗi tháng tui phải nhập đến 10 tấn cá nục để dự trữ làm mắm. Chỉ cần ngồi ở nhà là có nhiều bạn hàng đến hỏi mua. Nhưng bây giờ, khách hàng thưa dần, giảm đến 50%”, bà Mai thở dài.

Ở các làng biển, làm mắm là nghề truyền thống, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư hệ thống chế biến mắm quy mô, tạo nên thương hiệu riêng với doanh thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm, giải quyết một bộ phận lao động tại địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động sản xuất của họ ngưng trệ, số lượng sản phẩm bán ra giảm mạnh, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nên kéo theo nhiều lao động bị mất việc làm.

Nguồn nguyên liệu để chế biến mắm không còn dồi dào như trước. “Mặc dù tụi tui nhập cá rò từ Phan Thiết, Đà Nẵng nhưng người tiêu dùng vẫn e  ngại khi mua mắm, bởi tâm lý họ sợ cá tại vùng biển chúng ta bị nhiễm độc”, bà Trương Thị Lệ, chủ cơ sở sản xuất mắm Bà Lệ (thôn An Hải, thị trấn Thuận An) bày tỏ.

Đối với các cơ sở sản xuất mắm có uy tín, thương hiệu, được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến cũng lâm vào tình trạng vắng người mua. “Mỗi năm cơ sở tui sản xuất khoảng 30 tấn mắm ruốc, 40 tấn mắm cá và khoảng 15.000 lít nước mắm. Năm nay, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, các bạn hàng lưỡng lự khi chọn mua. Sản phẩm bán ra chưa đầy 70% so với thời điểm này năm ngoái”, bà Trần Thị Kim Ngọc, chủ cơ sở sản xuất, chế biến mắm Bà Gái (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) nói.

Phục hồi niềm tin người tiêu dùng

Ông Hồ Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, toàn tỉnh có 52 cơ sở sản xuất, chế biến mắm lớn và vừa. Hơn 300 cơ sở sản xuất, chế biến mắm nhỏ lẻ tại các địa phương, mỗi năm sản xuất khoảng 4 triệu lít mắm các loại. Hiện nay, tuy ảnh hưởng của sự cố môi trường, nhưng sản lượng mắm không giảm. Cái khó của các hộ làm mắm nằm ở yếu tố thị trường tiêu thụ”

Thị trường bị thu hẹp, người tiêu dùng không mặn mà với các sản phẩm mắm địa phương, khiến các làng nghề chế biến mắm rơi vào tình trạng “ngắc ngoải”. Tuy nhiên, tìm hiểu của chúng tôi, tại một số địa phương sản lượng mắm không giảm, thậm chí tăng. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng nước mắm được các hộ sản xuất tăng 600-700 lít so với cùng kỳ năm ngoái. “Hiện nay, bà con làm mắm thường sử dụng cá của các tàu đánh bắt xa bờ để chế biến, nhưng cá ít hơn so với các năm trước nên nguồn nguyên liệu hạn hẹp. Sự e ngại của người tiêu dùng là trở ngại của các hộ dân làm nghề mắm nói riêng và chế biến thủy sản nói chung”, ông Tùy nói.

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, “nút thắt” lớn nhất của bà con chế biến thủy sản hiện nay là lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Mắm là một sản phẩm từ biển, các hộ dân chế biến thủy sản gặp khó thời điểm này là do sức tiêu thụ của thị trường giảm xuống. Ông Hùng chia sẻ: “Tại Thừa Thiên Huế, chỉ phổ biến mắm làm từ cá nục. Năm nay, các loại cá khác, như rò, cơm hay ruốc mất mùa, nên đa số đều nhập từ các tỉnh phía Nam. Hiện tại, quan trọng là phải công bố kết quả phân tích môi trường nước biển, đánh giá vùng biển nào an toàn, vùng biển nào không an toàn, cá đã đảm bảo an toàn hay chưa, từ đó gỡ “nút thắt” tiêu thụ sản phẩm, phục hồi lại niềm tin của người tiêu dùng. Tất cả được các cơ quan chức năng đã và đang làm”. “Chúng tôi đang họp bàn, góp ý để các cơ sở sản xuất, chế biến mắm các loại (sản phẩm từ biển) sẽ được hỗ trợ, bồi thường thiệt hại. Người lao động ở các cơ sở đó cũng được hỗ trợ. Đó là biện pháp trược mắt để bà con theo nghề chế biến thủy sản vượt qua khó khăn”, ông Hùng nói thêm.

LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Quy trình sản xuất thang máng cáp giá rẻ tại Nhà Máy P69

Nhà Máy Cơ Khí P69 là đơn vị hoạt động lâu năm trong lĩnh vực cung cấp và sản xuất thang máng cáp tại Việt Nam. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành nghề, công ty luôn đem đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng với giá thành phù hợp.

Quy trình sản xuất thang máng cáp giá rẻ tại Nhà Máy P69
Return to top