ClockChủ Nhật, 19/05/2019 05:30

Ở làng luyện sắt một thời

TTH - Nhắc đến Phù Bài nhiều người nghĩ đến ngôi làng nổi tiếng với nghề luyện sắt một thời. Ở đó không chỉ còn lưu dấu ấn văn hóa kiến trúc, tư liệu Hán Nôm quý giá mà còn cả những câu chuyện thú vị. Và, có một Phù Bài hôm nay rất khác…

Sôi nổi với giải đua trải 5 năm một lầnTrải đua Dương NổĐua trải trên sông Vực

Đua trải là nét văn hóa được người làng Phù Bài gìn giữ

Trọng gốc tích, lễ nghi

Xưa, Phù Bài (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) là làng lớn, đất đai rộng, nơi cư dân Việt đến lập nghiệp sớm. Ba họ lớn là Ngô, Lê, Nguyễn có công đầu trong việc khai phá, mở rộng làng cùng nhiều sự tích gắn bó với chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) gây dựng cơ nghiệp.

Ông Lê Cẩn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 1A kể chuyện ông tổ của ba dòng họ Ngô, Lê, Nguyễn. Ông bảo, người làng Phù Bài không ai không nhớ đến những câu chuyện đã trở thành giai thoại của 3 ông tổ lập làng.

Bây giờ, ngôi điện thờ ông Ngô Thù (Ngô Phủ Quân), người được làng tôn làm “Bổn thổ Thành Hoàng” là một trong những kiến trúc cổ uy nghi, quan trọng trong đời sống tâm linh của dân làng. Sự tích kể rằng, ông Ngô Thù từ Đường Lâm, thời nhà Mạc vào Thanh Nghệ, sau theo phò chúa Nguyễn Hoàng vào Nam. Vị này là người thần thông, dùng oai linh thần phủ, linh phù, lệnh bài để trừ ma quỷ, mang lại bình yên cho dân làng, và cái tên Phù Bài xuất phát từ đó. Ông Ngô Thù kết giao tổ tiên họ Lê là Lê Trại, một người giỏi võ nghệ cùng tổ tiên họ Nguyễn lập nên làng Phù Bài.

Ngày trước, Phù Bài nổi tiếng với nghề luyện sắt cùng những câu chuyện thần bí, huyền thoại. Nằm ở phía Nam đô thành Phú Xuân, trên trục đường Thiên Lý, nguồn quặng dồi dào, lao động cũng tăng nhanh sau các đợt di dân, nên hội đủ các điều kiện để phát triển, mở rộng nghề. Khoảng thế kỷ XVIII, nghề này phát triển mạnh, nơi đây trở thành trung tâm luyện sắt lớn nhất Đàng Trong. Nghề luyện sắt phát triển thu hút hầu hết các dân đinh khỏe mạnh.

“Đến nay, vẫn còn những tư liệu Hán Nôm nói về bí kíp nghề luyện sắt với những thiết chế, quy định nghiêm khắc. Đây là những tư liệu quý giá được làng lưu giữ”, ông Cẩn bật mí. Không chỉ tư liệu về nghề luyện sắt, ở Phù Bài còn có nhiều tài liệu văn hóa quý, có quy mô và các văn bản quản lý hành chính quy định, hương ước của làng. Đặc biệt 3 hiện vật gốc có niên đại hàng trăm năm là: thần phủ, lệnh bài và ấn triện đang được bảo quản.

“Nhất Phủ Doãn Thừa Thiên/ Nhì hội viên đầm Dã/ Ba trưởng cả Phù Bài”, người Phù Bài quan trọng thờ tự, lễ nghi. Ngoài những điện thờ, hàng năm làng còn tổ chức ba đại lễ là Tết Nguyên đán, Đại tế Kỳ phúc và Lễ Thanh minh. Công việc kỵ, chạp, lễ tế, sửa chữa lăng mộ của các ngài khai canh luôn được các dòng họ quan tâm. Người dân lấy dòng họ làm trục điều chỉnh các mối quan hệ và là sợi dây ràng buộc các thế hệ với quê hương, làng xóm. Dân làng Phù Bài tin vào thuyết “phong thủy”, việc bảo vệ long mạch, lăng mộ điện thờ, miếu vũ luôn được quan tâm bằng nhiều văn bản, tất cả có sự bàn bạc của các vị chức sắc.

Trong lần cùng ông Cẩn dạo quanh làng, qua những di tích đền thờ miếu mạo nơi nào cũng trang nghiêm, sạch đẹp giữa phong cảnh hữu tình. Trong số những di tích mà ông Cẩn giới thiệu, ngoài đình làng, điện thờ vị Bổn thổ Thành Hoàng Ngô Thù với hậu cung có long khảm sơn thếp an phụng thần chủ, long ngai và thần mão, thần phủ, lệnh bài và lệnh phù chúng tôi dừng lại rất lâu ở am Tiên Thánh, đàn Văn Thánh, Võ Thánh được xây dựng trên gò đất cao gọi là xứ ông Trọng. Đàn Văn Thánh được xây dựng bên trái am Tiên Thánh, thờ đức Khổng Tử và các bậc tiên nho; Đàn Võ Thánh bên phải thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. “Nơi này luôn được các vị lớn tuổi ở trong làng coi trọng. Hàng năm, đây là nơi tuyên dương những học sinh, sinh viên trong làng có thành tích học tập tốt. Nơi đây như cội rễ của những người tài của làng Phù Bài”, ông Cẩn nói.

Phát triển dựa trên cội rễ văn hóa, giáo dục

Nay, Phù Bài đã đổi khác, nghề luyện sắt chỉ còn những dấu tích một thuở, nhưng người dân bên dòng Cừ Giang ngày xưa đã vươn lên với sức sống hoàn toàn mới. Làng Phù Bài gói gọn trong một xã Thủy Phù với 12 thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới. “Chúng tôi đang dốc toàn lực để hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”, Bí thư Đảng ủy xã Thủy Phù Ngô Toản khẳng định.

Khoan hãy nói đến việc phát triển kinh tế, hạ tầng với những con đường bê tông mới cứng, sạch đẹp, tinh tươm hay những tiêu chí làm nên hình hài nông thôn mới. Đến Phù Bài lúc này, những câu chuyện về văn hóa, giáo dục dẫu giản đơn nhưng làm nên lịch sử cho một làng quê.

Tại nhiều địa phương, lập quỹ khuyến học đã trở nên phổ biến, nhưng khuyến học, khuyến tài ở Phù Bài không chỉ việc riêng của chính quyền, thôn xóm mà của cộng đồng. Các chi hội khuyến học được lập ở hầu hết các thôn, họ tộc, cựu học sinh, hợp tác xã, thậm chí xuất hiện các phái khuyến học. Điều đó giúp nguồn quỹ dồi dào, tạo điều kiện cho con em tham gia học tập, nâng cao chất lượng giáo dục. Vừa qua, ở Trường THCS xã Thủy Phù, một phòng đọc sách được xem là hiện đại nhất TX. Hương Thủy với các trang thiết bị như, tivi, máy vi tính, điều hòa và hàng ngàn đầu sách đã đưa vào hoạt động. “Việc trao học bổng của chi hội khuyến học cho học sinh tiêu biểu giờ đây đã trở thành thường niên ở làng Phù Bài. Khuyến học ở địa phương là sự chung tay của cộng đồng, được Nhân dân đồng thuận”, ông Toản chia sẻ.

Nhắc đến Phù Bài là nhắc đến văn hóa làng quê mẫu mực. Qua hơn 5 thế kỷ, ngôi làng này còn lưu giữ những tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống có giá trị lịch sử. Lễ tế Bổn thổ Thành Hoàng Ngô Thù, người được tôn phong “Hộ Quốc Tý Dân” là một trong những minh chứng cho một thiết chế văn hóa tồn tại hàng trăm năm tại ngôi làng này. “Những lễ tế ngoài ghi nhớ công ơn những bậc tiền bối, bảo tồn văn hóa làng xưa còn là dịp cho con cháu trong làng tề tựu, hướng về cội nguồn. Qua đó, tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết ngày càng được bền chặt”, ông Cẩn bày tỏ.

Trong nhiều “món ăn” tinh thần của người Phù Bài, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến hội đua trải, một nét văn hóa đặc sắc. Đội đua Thủy Phù không chỉ góp mặt, giành giải lớn ở cấp thị xã, tỉnh mà ở ngôi làng có lịch sử 500 năm này, có riêng một hội đua trở thành truyền thống, có lần người dân tổ chức đua ngay trong lòng hồ thủy lợi Khe Lời với khung cảnh hữu tình. Đó không chỉ là hoạt động thể thao thuần túy mà còn gắn liền với Lễ hội Thanh Minh truyền thống trong đời sống tinh thần của người dân. Nét văn hóa làng xã là gốc tích, sự khởi đầu cho những nếp nghĩ, việc làm của người dân.

Gốc xưa vẫn giữ và Phù Bài hôm nay không chỉ có vậy, các cụm dịch vụ thương mại dọc Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 18, đường tránh Huế mọc lên khiến diện mạo của một vùng quê đổi khác. Kinh tế phát triển theo hướng dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – nông nghiệp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; các mô hình tự quản của Hội CCB, tổ xe thồ về an ninh trật tự cũng duy trì giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Làng xưa dù khoác áo mới, mang “dáng hình” văn minh, tươi sáng, song con người vẫn vậy, họ trọng lễ nghĩa và luôn nghĩ về cội nguồn, gốc tích.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Đua trên đồng làng

Mới xong trận lụt to, vào "phây" của chú em đã thấy rộn ràng khi được biết chủ nhật đến quê tôi tổ chức đua ghe. Bao ký ức một thuở lại ùa về. Vậy là, dù bận rộn bao công việc phải lo và phải làm, cũng vội vàng sắp xếp để chủ nhật về làng coi… đua.

Đua trên đồng làng
Mùa đậu xanh

Lâu ngày rồi tôi mới lại được ăn cháo đậu xanh, những hạt đậu mềm tan, thơm lựng. Thì ra hè đã vào những ngày cuối, hạt đậu cũng đã được gấp rút thu hoạch để tránh những cơn mưa báo hiệu thu sang.

Mùa đậu xanh
Những chấm phá về văn hóa làng

Khác với các cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa làng xã ở Thừa Thiên Huế đã được công bố (như làng văn vật ở Thừa Thiên Huế, gia đình và dòng họ ở Thừa Thiên Huế…), cuốn “Tìm chút hương xưa nơi làng cổ” của tác giả Thanh Tùng vừa mới ra mắt bạn đọc (tập hợp 30 bài viết dạng báo chí về 27 làng quê ven Huế, dọc biển, làng nghề truyền thống tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế), nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu cho những người quan tâm, và du khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu, qua đó, quảng bá hình ảnh về văn hóa Huế, con người Huế, gắn với phát triển du lịch.

Những chấm phá về văn hóa làng
“Về làng tôi chơi đi em”

Cứ mỗi lần ghé thăm một ngôi làng nào đó là tự nhiên hơi thở của tôi cũng nhẹ hẳn đi, và cảm giác như là mình đã thuộc về nơi này từ lúc nào. Này là ruộng lúa, kia là những bụi tre hóp bao quanh, thấp thoáng xa nữa mái những nhà thờ họ, đình làng. Thỉnh thoảng còn gặp vài bến nước sông quê, vẫn còn mạ hay chị ra bến giặt giũ...

“Về làng tôi chơi đi em”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top