ClockChủ Nhật, 01/09/2019 06:44

Ở Trường Sơn nghe tin Bác đi xa

TTH - Một ngày đầu tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với cựu Chính trị viên biệt động thành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Huy Ngọc tại ngôi nhà nơi ông đang sinh sống tại phường Phú Hội, TP. Huế. Mỗi lần gợi lại những ngày tháng đấu tranh gian khổ nhưng rất đỗi tự hào ấy, bao kỷ niệm lại ùa về trong ông với niềm xúc động không nguôi.

Những “cột mốc sống” giữa đại ngàn Trường SơnChỉnh đốn Đảng hiện nay, Bác Hồ đã căn dặn 50 năm trướcLinh hoạt trong học tập và làm theo BácNhớ đến Bác, tôi lại đọc Di chúc

Ông Nguyễn Huy Ngọc nhớ về những kỷ niệm khi nghe tin Bác đi xa. Ảnh: ANH PHONG

Niềm tiếc thương vô hạn

Ông Nguyễn Huy Ngọc mở đầu câu chuyện: Chiến trường cả nước nói chung cũng như ở Thừa Thiên Huế nói riêng trong những năm 1968, 1969 vô cùng ác liệt. Địch thực hiện chiến lược tìm và diệt. Sau chiến dịch Xuân 1968, địch phản kích, đánh từ Huế ra địa bàn Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền về Hương Thủy, Phú Vang. Toàn bộ lực lượng của ta đều phải rút lui lên vùng giáp ranh (Hương Trà). 

Tôi lúc đó là Xã đội trưởng xã Hương Thái (phường Hương Chữ hiện nay). Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi ấy bước vào giai đoạn cam go. Dưới đồng bằng địch càn quét, cày ủi. Trên vùng giáp ranh địch phân ô thả cây nhiệt đới và lục soát nên căn cứ, hậu cứ của chúng ta liên tục chuyển từ nơi này qua nơi khác. Vừa bắt tay đào hầm trú ẩn,  địch đã đến, chúng tôi lại di chuyển...

Một buổi sáng ngày đầu tháng 9/1969, dưới cơn mưa tầm tã, chúng tôi mở đài để hóng tin tức. Lúc đó, tôi có một cái đài hiệu National 3 băng, bin trung, được cơ sở gửi ra để nghe tin tức và theo dõi tình hình. Khi nghe đài đọc thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã từ trần, anh em trong đội công tác xã Hương Thái chúng tôi ai cũng lặng người.

Thương tiếc Bác vô ngần và chúng tôi lo lắng khi Bác đi xa, cuộc cách mạng của ta sẽ có những khó khăn. Không biết ta có "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" như lời thơ chúc Tết đầu năm 1969 của Bác không. 

Ngày 9/9/1969, tại Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khi nghe đồng chí Lê Duẩn đọc Di chúc của Bác, trong đó lời đầu Di chúc nêu rõ: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”, mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cuộc cách mạng, cuộc kháng chiến của dân tộc nhất định thắng lợi.

Kết vòng hoa rừng truy điệu Bác

Ông Nguyễn Huy Ngọc nhớ lại: Chủ trương của Tỉnh ủy Thừa Thiên, Huyện ủy Hương Trà lúc đó là tất cả các đội công tác, các đơn vị, những nơi nào có điều kiện thì về đồng bằng lập bàn thờ, tổ chức lễ truy điệu Bác. Đội công tác xã chỉ có 7 người. Vì vậy, chúng tôi phối hợp với nhiều đơn vị, tổng cộng có khoảng 30 người tổ chức một đội hình hành quân về đồng bằng làm lễ truy điệu Bác. 

Chúng tôi nghĩ, làm lễ truy điệu Bác phải có ảnh Bác. Nhưng ảnh Bác tìm đâu ra trong lúc chiến trường đang ác liệt và khó khăn. Trong gùi của mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn lúc bấy giờ chỉ có một nắm muối đề phòng khi lạc rừng và một ít thuốc kynin chống sốt rét. Vì vậy, chúng tôi quyết định, nếu không có ảnh Bác thì có vòng hoa, có một dải băng đen ghi dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc Bác Hồ kính yêu” và một lá cờ, thế là đủ.

Trên rừng có cây đùng đình, cây dương xỉ có cành lá như cây vạn tuế; lá nón, bông trang rừng có thể kết vòng hoa. Nhờ vào sự khéo léo của nhiều người, một vòng hoa với những bông hoa vàng kết lại ở giữa, những bông đỏ kết vòng xung quanh. Dải băng dùng từ giấy cắt ra, rồi lấy than đen viết dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc Bác Hồ kính yêu”.

Thường vụ Huyện ủy Hương Trà chủ trương: ở Hương Thái (nay là phường Hương Chữ, TX. Hương Trà) về đình La Chữ để làm lễ truy điệu Bác. Ở xã Hương Long (nay là phường Hương Long, TP. Huế) tổ chức lễ truy điệu Bác ở chợ Thông và một số nơi khác ở Văn Xá, Long Hồ, Ngọc Hồ, Lại Bằng…

Trên đường từ vùng giáp ranh về điểm làm lễ truy điệu Bác, chúng tôi vượt qua rất nhiều chốt của địch, từ chốt dốc Đu đến chốt dốc Ồ Ồ, vượt qua làng Thanh Khê, làng An Đô về làng Phú Ổ, qua đình làng La Chữ. Cách địa điểm làm lễ truy điệu khoảng 300 mét, đang vượt qua con hói, gặp địch phục kích, phải triển khai đánh địch và rút lui nên lễ truy điệu Bác không thực hiện được. Trên đường rút lui, về đến thôn An Đô thì gặp địch chặn đường, ta hy sinh 2 đồng chí và một số đồng chí bị thương.

Đêm 9/9/1969, tại miếu Ông gần chợ Thông, xã Hương Long một bàn thờ được lập để làm lễ truy điệu Bác. Cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn khi ấy dự Lễ truy điệu Bác trong những căn hầm bí mật, ở một cánh rừng... Dù ở đâu thì với mọi người, đó là một kỷ niệm không bao giờ phai với quyết tâm bước vào cuộc chiến đấu mới.

Cán bộ, chiến sĩ, người dân vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Biến đau thương thành hành động

Tôi còn nhớ, một Đại đội đặc công của Quân khu Trị Thiên được tăng cường về Hương Trà trong những năm 1968 - 1969. Do bệnh tật đau yếu nên đại đội chỉ còn 17 chiến sĩ. Đồng chí Sảng Đại đội trưởng kể với tôi rằng: Trong cuộc họp của đại đội, cán bộ chỉ huy quán triệt mục tiêu của đơn vị là đánh vào khu vận tải để súng đạn, máy bay trực thăng và xe của địch tại căn cứ Tứ Hạ.

Trận đánh này yêu cầu 3 chiến sĩ tình nguyện, đánh bằng cách tiếp cận mục tiêu để đặt bộc phá, hẹn giờ cho nổ tung khu vận tải này. Ba chiến sĩ được cử đi, đơn vị tổ chức lễ truy điệu trước và sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Đây quả là một sự lựa chọn khó khăn của người chỉ huy. Thế nhưng, với tinh thần "biến đau thương thành hành động", cả 17 chiến sĩ đều giơ tay xung phong. Sau khi xem xét hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, kinh nghiệm, chỉ huy chọn 3 chiến sĩ đặc công ở 3 vùng quê khác nhau điều nghiên đánh trận này. 

Khu vận tải để súng đạn, máy bay và xe của địch đóng tại căn cứ Tứ Hạ có 12 lớp hàng rào thép gai, lớp này cách lớp kia từ 9 đến 10 mét. Phương án đặt ra là bí mật bò qua 9 lớp, lợi dụng địa hình, địa vật để ẩn mình, tối mai tiếp tục vượt qua 3 lớp còn lại, tiếp cận mục tiêu để đặt bộc phá. Ba chiến sĩ nhận nhiệm vụ mỗi người chỉ có 1 nắm cơm, 1 bánh lương khô và 1 bi đông nước. Cả 3 chiến sĩ đều nhuộm người, ai cũng chỉ mặc 1 chiếc quần cộc, bên hông mang theo những quả bộc phá to bằng quả bưởi.

Phương án được thực hiện sau 1 đêm, 1 ngày chờ đợi, đến 1 giờ sáng đêm thứ 2, khu vận tải để súng đạn, máy bay và xe của địch đóng tại căn cứ Tứ Hạ vang lên một tiếng nổ lớn. Rồi tất cả khu vận tải của địch đạn nổ kéo dài 24 tiếng đồng hồ. Ba chiến sĩ đặc công hy sinh trong tiếng nổ long trời lở đất ấy.

Biến đau thương thành hành động, nhiều trận đánh khác nữa đã diễn ra trên chiến trường sau năm 1969 cho đến ngày toàn thắng.

TÂM ANH (Ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sáng tạo trong học Bác

“Học Bác không chỉ là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà học Bác bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, bằng những việc làm cụ thể hằng ngày. Chính điều đó đã giúp phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chuyển biến nhận thức, hành động của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị...” - Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh khẳng định.

Sáng tạo trong học Bác
Chiếc áo bông Bác tặng

Tháng 5 về, nhìn chiếc áo bông Bác Hồ được lưu giữ tại Phòng truyền thống Công an tỉnh, bao ký ức lại ùa về trong mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Chiếc áo bông Bác tặng
Gửi yêu thương về thành phố mang tên Bác

Chưa khi nào người dân TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như thời điểm này, bởi ảnh hưởng dịch COVID-19. Cùng với cả nước, từ Huế, những chuyến xe nối tiếp nhau chở những ân tình của vùng đất Cố đô đến với những người con phương Nam.

Gửi yêu thương về thành phố mang tên Bác
Cụ thể hóa việc học và làm theo Bác

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên, các tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng trong toàn tỉnh đã cụ thể hóa việc học và làm theo Bác bằng những việc làm sát hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

Cụ thể hóa việc học và làm theo Bác
Bắt đầu từ lòng kính yêu Bác

Trong số 14 thí sinh của tỉnh vào vòng chung kết cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Bác Hồ với thiếu nhi - thiếu nhi với Bác Hồ” do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, Trường THCS Lộc Điền, huyện Phú Lộc chiếm gần tuyệt đối với 13 thí sinh.

Bắt đầu từ lòng kính yêu Bác
Return to top