ClockThứ Năm, 02/04/2020 07:09

Ở yên trong nhà & nhớ nhạcTrịnh

Ở nhà xem triển lãm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

1. Ngày 1/4/2020, kỷ niệm 19 năm nhạc sĩ qua đời. Dù ông rời cõi tạm đã lâu, nhưng âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn như không có ngày cuối cùng, người ta vẫn hát nhạc Trịnh ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, với những giai điệu và ca từ hướng về thân phận và tình yêu, nhân danh đời sống con người.

Một tiết mục biểu diễn tại đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở Festival Huế 2016. Ảnh: TL

Năm 2020, lưu dấu sự trở lại của nhạc Trịnh từ ca khúc “Ta đã thấy gì trong đêm nay” với tiếng hát của ca sĩ Hoàng Trang. Đó là một giọng ca khiến cho người nghe ngỡ ngàng trước sự mộc mạc và sáng trong, thể hiện tự nhiên, đầy cảm xúc một ca khúc bất hủ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Có một “dư âm” phía sau giọng hát này, là lời bài hát gần như chưa đúng nguyên gốc. Nhưng nếu so lại ca khúc này do Khánh Ly hát, thì ca từ không hề sai. Khác với các tình khúc của Trịnh Công Sơn, dòng nhạc “phản chiến” của ông, cho đến nay rất ít những bài được chính thức công bố qua bản in. Chính vì lẽ đó, các ca sĩ và cả người bình dân hát nhạc “phản chiến” của ông đều dựa theo lời của các băng nhạc do Khánh Ly thể hiện. Hoàng Trang cũng vậy, không thể khác được. Dù gì đi nữa, Hoàng Trang vẫn là một hiện tượng, “Một tiếng hát Trịnh Công Sơn mới”, bằng chứng là ca khúc mộc mạc của Hoàng Trang nhận được hàng triệu like và hàng trăm ngàn lượt chia sẻ trên facebook. Mới đây, trang web “Duyên dáng Việt Nam” (duyendangvietnam.net.vn) đã công bố “Tìm được bản chép tay “Ta thấy gì đêm nay” của Trịnh Công Sơn”. Điều này thật ý nghĩa, khi những ca từ gốc gác đầu tiên được tỏ lộ đúng như tư tưởng, cảm xúc ban đầu của nhạc sĩ.

2. 19 năm ông rời cõi tạm (1/4/2001-2020), âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn vang lên đó đây và nhắc nhở người nghe nhiều điều. Trong những ngày dịch COVID-19 lan tràn, nhiều người nhắc nhở nhau “Ở yên tại chỗ”; thì những “tín đồ” nhạc Trịnh đã bật lên những dấu hỏi: “Ta đang nằm nhà, ta đang ngồi nhà; nhạc Trịnh Công Sơn đã nói gì về “nằm” và “ngồi”?”. Và, dẫn một ca từ “Về trong phố xưa tôi nằm…”

Trong triết lý Phật giáo, đi - đứng - nằm - ngồi đều là thiền. Âm nhạc Trịnh Công Sơn ảnh hưởng rất nhiều từ Phật giáo. Chính ông nói: “Phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng nằm ngồi”. Những ca khúc viết về thân phận con người của Trịnh Công Sơn trước sự sống cái chết và nỗi tàn phai cũng chỉ là đi tìm cái hữu hạn của kiếp sống. Đây là một cú “ngồi” như thiền chiêm nghiệm về sự đối đãi của lòng mình giữa vũ trụ: “Nhật nguyệt trên cao/ Ta ngồi dưới thấp/ Một dòng trong veo/ Sao lòng còn đục” (Cũng sẽ chìm trôi). Còn "nằm" để làm gì? Trong “Còn có bao ngày”, ông viết như hướng đến sự vĩnh hằng: “Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm/Gọi thì thầm, gọi thì thầm, gọi thì thầm...”.

Trong âm nhạc Trịnh, nhiều khi “ngồi yên” là để tách mình ra khỏi đám đông, là một xác quyết tự do cô đơn: “Nhiều khi đã vui cười/ Nhiều khi đứng riêng ngoài/ Nhiều khi muốn đi về con phố xa/ Nhiều khi muốn quay về/ ngồi yên dưới mái nhà (Lời thiên thu gọi). Để nhận ra cuộc đời: “Thấy đời mình là những quán không. Bàn im hơi bên ghế ngồi” (Nghe những tàn phai)...

Trong không gian “nằm” và “ngồi”, ông luôn nghe thấy những âm thanh của một thứ định mệnh mênh mông đè nặng trên thân phận con người. Trong đó, rất nhiều khi vọng lại những âm thanh về nỗi cô đơn. Ở một khía cạnh nào đó, cô đơn  là cây thập giá tinh thần mà người nghệ sĩ đích thực phải mang vác suốt cuộc đời. Như là âm vang tiếng hát: “Chiều chủ nhật buồn/ nằm trong căn gác đìu hiu/ Ôi tiếnghát xanh xao của một buổi chiều…”.

“Nằm” và “ngồi” nhiều khi là một ý niệm về hữu hạn đời người, về cái chết trong vô thường, không sợ mà sẵn sàng đón nhận nó, đôi khi có phần mong đợi: “Hòn đá lăn bên đồi, Hòn đá rớt xuống cành mai, Rụng cánh hoa mai gầy, Chim chóc hót tiếng qua đời, Người ôm lấy muôn loài, Nằm trong tiếng bi ai” (Ngẫu nhiên).

“Ngồi” cũng là tư thế rất hay được Trịnh Công Sơn nhắc đến khi viết về cõi tình giữa thế gian. Trong đó, niềm diễm hạnh là luôn có bóng dáng người yêu trong cõi mình: “Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa...” (Rừng xưa đã khép).

Và hạnh ngộ thay khi nhìn thấy mình trong dáng thân yêu: “Từ em tôi đã đắp bồi/ Có tôi trong dáng em ngồi trước sân” (Đóa hoa vô thường).

“Đóa hoa vô thường” là một trường ca tuyệt diệu hát về những giai đoạn của một cuộc tình - niềm vui khi tình yêu chớm nở và sau đó là một kết cuộc buồn không thể tránh khỏi.

Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng, tình ca của Trịnh Công Sơn là những lời khẳng định siêu hình: những chia lìa, tan vỡ của những cuộc tình không phải là những chướng ngại trên đường đời vốn cơ bản là vui. Những bài hát đó là “bài kinh cầu bên vực thẳm”. “Ngồi” ở “Từ đó ta ngồi mê” cũng sẽ nhìn thấy phía xa xôi cuối trời, như “ngồi” nguyện cầu hay “nằm” để lắng vọng cuộc đời:  “người ngồi xuống xin mưa đầy. Trên hai tay cơn đau dài, người nằm xuống nghe tiếng ru. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” (Mưa hồng).

Khi chúng ta không hững hờ, chúng ta ý thức về sự tồn tại của chính ta và thế giới đang trong cơn sốt khủng khiếp virus COVID-19. Cũng sẽ thú vị khi chúng ta tự mình cách ly với thế giới, ở nhà và ôm đàn ghi-ta cùng ca khúc Trịnh Công Sơn.

"Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời". Cách chúng ta nuôi dưỡng tình yêu và yêu thế giới lúc này là hãy nghĩ về sự “ở nhà”.

HỒ HOÀNG THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”

Chiều 17/3, tại Công viên 3/2, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phối hợp Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đêm nhạc không thu phí “Nhớ Trịnh Công Sơn”.

Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”
Sân khấu nổi trước công viên Trịnh Công Sơn

Thế là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thỏa nỗi ước mong trở về với Huế quê hương, khởi đầu là bức tượng được dựng trong công viên ở ngã ba sông Hương và sông hộ thành Đông Ba...

Sân khấu nổi trước công viên Trịnh Công Sơn
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

TIN MỚI

Return to top