ClockThứ Năm, 14/05/2015 07:11

“Ông Châu khuyến học” Cổ Bi

TTH.VN - Thấy con em học sinh trong xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) thiếu “sân chơi” tri thức, ông lặng lẽ quyên góp, bỏ tiền túi ra thành lập thư viện cho các cháu đọc sách. Rồi chính ông cũng đứng ra thành lập quỹ khuyến học, đi kêu gọi tài trợ để chắp cánh cho những ước mơ học đường còn dang dở! Ông là Phan Ngọc Châu, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phong Điền.

Cổ Sơn Thư Quán

Thư viện có một cái tên khá lạ: Cổ Sơn Thư Quán, đặt ở làng Cổ Bi (xã Phong Sơn). Ông Châu bảo rằng, không phải mình “sính” chữ đâu. Cái tên thư viện là tâm huyết bao nhiêu năm ấp ủ từ những chồng sách cũ đầu tiên cho đến viên gạch đặt nền móng ngày khởi công của ông cũng như bạn bè ủng hộ. “Cổ Sơn” được lấy từ tên làng Cổ Bi ghép với xã Phong Sơn- vùng đất học, đất cách mạng! Lấy cái tên “Cổ Sơn Thư Quán” ông Châu muốn gửi chút niềm tự hào cho những lớp trẻ kế cận về vùng “đất khó” Phong Sơn nhưng con em luôn hiếu học.

Trao học bổng cho học sinh học giỏi tại Cổ Sơn Thư Quán

Vốn xuất thân trong gia đình nho học, tuổi thơ của ông Châu cũng nhọc nhằn với con chữ theo bước đường mưu sinh của bố mẹ. Lớn lên, có được cái chữ, những năm 80-90 của thế kỷ trước, ông được bà con tín nhiệm giữ các chữ vụ xã đội phó, xã đội trưởng rồi Chủ tịch UBND xã Phong Sơn.

Trong câu chuyện về ý tưởng thành lập thư viện, tạo “sân chơi” trí thức cho con em làng Cổ Bi, ông Châu nói rằng mình đã ấp ủ nó từ…30 năm trước. Ông bảo: “Một ước mơ dài cho gần nửa đời người giờ thành hiện thực. Dẫu đến nay, vẫn còn ngổn ngang nhiều thứ cần phải làm cho các cháu học sinh. Nhưng mình chưa bao giờ thấy mệt mỏi khi tuổi đã sắp về hưu.”

Ý tưởng của ông bắt đầu khi người bạn, Đại tá Nguyễn Hồng Thanh tặng ông gần 100 cuốn sách. Số sách cũ truyền thống giữ trong gia đình của ông cũng còn kha khá với nhiều lĩnh vực. Có ý định thành lập thư viện ở làng Cổ Bi, chưa thực hiện được thì trận bão năm 1985 đã làm hư hại hơn phần nửa. Tưởng ước mơ chôn vùi.

Đến năm 2013, qua vận động của bạn bè, các nhà hảo tâm, cộng với tiền túi ông đã mua lại căn nhà gỗ, đặt ở một góc vườn, bố trí ghế ngồi, nước uống cùng những giá sách để “phục vụ” bạn đọc. Từ 100 cuốn sách đầu tiên, giờ đây thư viện của ông Châu đã có 8 giá sách với khoảng 1.700 cuốn, nội dung trên các lĩnh vực từ sách thiếu nhi đến văn học, lịch sử, nông học và khoa học kỹ thuật.

Thư viện được đặt trong không gian thoáng mát, nhiều cây cối xung quanh để tiện cho các cháu nhỏ đến tìm sach đọc. Hàng ngày, có hàng chục em học sinh đến thư viện tìm sách báo đọc. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, các em học sinh không chỉ đến đây đọc sách mà còn có một buổi sinh hoạt chung của những “học giả nhí” nhằm trao đổi kiến thức, kể chuyện dân gian…
 
Đối với những trẻ bị khuyết tật, không đến được với thư viện, ông Châu cũng nghĩ ra một cách đưa sách về cho các cháu nhỏ thật độc đáo! Cứ dịp cuối tuần, các em học sinh được “cử” đến nhà các bạn khuyết tật, chọn sách rồi ghi vào phiếu nhỏ. Sau khi đến thư viện đọc sách xong, các em học sinh này lại đưa sách về cho bạn của mình ở nhà. Rồi thỉnh thoảng, các bác nông dân cần kiến thức về nông học, mùa vụ cũng ghé thư viện để tìm sách đọc. Thấy thư viện thiếu báo đọc, ông đã xin chính quyền, bạn bè quyên góp rồi lặn lội đi mua các báo Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong, Hoa Học Trò… về làm phong phú thêm cho nguồn sách báo thư viện.
 

Ông Phan Ngọc Châu (người mang kính), đang trao học bổng cho con em thôn Cổ Bi

 
Trở lại câu chuyện thành lập thư viện, ông bảo rằng kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình là... vợ. Khi ông nói ý tưởng làm thư viện tại nhà, vợ ông bà Lê Thị Lục không nói gì. Đêm ấy, ông không ngủ. Sáng ra thấy bà dậy sớm dọn vườn, quét khoảnh sân nơi dự kiến đặt móng xây thư viện sách. Ông bà nhìn nhau mỉm cười rồi bắt tay vào việc.
 
Chắp cánh học đường
 
Không chỉ mở thư viện, ông Châu còn đứng ra vận động bạn bè, nhà hảo tâm để thành lập quỹ khuyến học duy trì học bổng thường xuyên cho 20 học sinh tiểu học, trung học có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Cổ Bi. Đến trước ngày khai giảng, ông sẽ tận tay trao các suất học bổng (mỗi suất 500 nghìn đồng) cho các cháu học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi tại thư viện Cổ Sơn Thư Quán.
 
Như trường hợp hai em Nguyễn Việt Hưng (lớp 5, Trường tiểu học Đông Nam Sơn) và Lê Thị Lan Anh (lớp 8, Trường THCS Phong Sơn), đều là học sinh giỏi nhưng gia đình rất khó khăn đã được quỹ học bổng hỗ trợ kịp thời. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với con em thôn Cổ Bi có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn vươn lên trong học tập.
 
Để tránh sự nhàm chán cho các cháu học sinh khi đến với thư viện, ông Châu đang xúc tiến vận động mua lại giàn máy vi tính cũ được bán thanh lý ở một số ban ngành trong huyện. Khi có đủ số máy này rồi, ông sẽ đầu tư mua máy chủ kết nối internet để tạo các chuyên mục chuyện dân gian, chuyện cổ tích, truyện tranh… để học sinh tới thư viện ngoài đọc sách có thể đọc truyện trên máy tính. Ngoài ra, ông còn có ý tưởng thành lập một chuyên đề học tập cho các em học sinh tại thôn Cổ Bi.
 
Một buổi sinh hoạt cuối tuần của các em học sinh xã Phong Sơn tại thư viện
 
Thấy nhiều em đến trường khó khăn, ông lại lặn lội nhiều nơi vận động bạn bè, người thân có xe đạp cũ ông xin về một lần 1-2 chiếc, cứ khi nào đủ 10 chiếc thì bỏ tiền túi ra sửa, sơn mới rồi trao lại cho các em học sinh có nhà ở xa trường, đi lại khó khăn.

Vừa qua, ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã ghé thăm thư viện Cổ Sơn Thư Quán. Tại đây, ông Vui đã đánh giá cao những sáng kiến, đóng góp nhiệt thành của ông Châu và hứa sẽ trích nguồn kinh phí trang bị cho thư viện 100 cuốn sách, làm phong phú thêm cho tủ sách hiện có. Với ông Châu, dù bây giờ đang là “quan” huyện hay đến tuổi về hưu, những bước chân của ông vẫn dõi theo các em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.

“Ngoài được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, để có tủ sách thư viện cùng nguồn kinh phí trao học bổng cho các em học sinh học giỏi tại Cổ Bi, là sự góp mặt của đông đảo những người bạn, người thầy như các anh Phan Thanh Bình- Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế, thầy Thích Ngộ Tùng- Trưởng Ban trị sự GHPG huyện Phong Điền…”, ông Phan Ngọc Châu, trải lòng.

 

Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Return to top