ClockThứ Năm, 06/06/2013 13:47

Ông già Bến Ngự

TTH - Như một cơ duyên, sau bao tháng năm dọc ngang bôn ba đấu tranh, tìm đường cứu nước, những ngày cuối đời của chí sĩ Phan Bội Châu gắn liền với Huế trong hình ảnh khó quên “Ông già Bến Ngự”. Đó là vào năm 1925, cụ Phan bị bắt tại Thượng Hải (Trung Quốc), ngay lập tức bị thực dân Pháp đưa về Hà Nội. Và rồi, trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi ân xá, thực dân Pháp buộc phải đưa cụ về giam lỏng tại Huế cho đến ngày mất, ròng rã 15 năm trời.

Nhà sử học Đào Duy Anh từng kể lại trong hồi ức: “... Để thoát khỏi cảnh cô liêu tù túng trong ngôi nhà Bến Ngự, cụ đã mua một chiếc đò và thuê người chèo để có thể sống trôi nổi trên sông Hương tìm cảnh nước rộng trời cao... Cụ đã quen sống trên mặt nước cho nên mỗi khi có khách xa muốn thăm thì phải hẹn trước để người nhà đem xuống đò đúng khi cụ cho ghé đò vào bến”.

Cả trăm năm rồi người xưa khuất bóng nhưng cảnh cũ như vẫn còn đó. Không chỉ là bến đò nơi Bến Ngự và dòng sông An Cựu thấp thoáng bóng hình người chí sĩ nuôi giấc mộng lớn không thành, mà chính ở Huế cùng với quê hương Nghệ An là nơi lưu giữ nhiều nhất những di tích liên quan đến nhà cách mạng Phan Bội Châu. Từ cầu Bến Ngự, ngược dốc Bến Ngự là ngôi nhà của cụ Phan, do cụ tự thiết kế. Cùng với nhà ở, là nhà thờ, khu lăng mộ cụ Phan Bội Châu, từ đường… Đặc biệt không xa, ở phía đàn Nam Giao còn có khu nghĩa địa mang tên Phan Bội Châu, một khu vườn rộng 4.000m2, do cụ Phan mua cùng thời điểm với mảnh đất làm nhà ở dốc Bến Ngự. Ở nghĩa địa, hiện nay có mộ đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Nữ sử Đạm Phương, Hải Triều, Lê Tự Nhiên, Thanh Hải…

Có một câu chuyện có thể nhiều người chưa biết. Đó là vào năm 1908, Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất du học sinh Việt Nam do cụ Phan tổ chức ra khỏi đất Nhật. Được sự giúp đỡ của bác sĩ Asaba, Phan Bội Châu củng cố được niềm tin trên con đường đấu tranh cách mạng. Năm 1918, cụ Phan trở lại Nhật tìm bạn thì hay tin bác sĩ Asaba đã qua đời. Xúc động và tiếc thương, Phan Bội Châu có sáng kiến về một “kỷ vật lưu niệm” để rồi cùng với dân làng Asaba Umeyama lập nên tấm bia đá đồ sộ dựng ở chùa Jorin, nơi có mộ của bác sĩ Asaba. Năm 2005, Hội Hữu nghị Asaba Việt Nam được thành lập ở Nhật Bản. Sau 5 năm vận động của Hội Asaba Việt Nam với nhiều động thái tích cực, trong đó có chủ trương làm bia “Phan Bội Châu kỷ niệm bác sĩ Asaba” và đến năm 2010, ý tưởng “phiên bản văn bia” mà năm 1918, cụ Phan cùng với dân làng Umeyama dựng bên mộ chí bác sĩ Asaba hoàn thành. Năm 2010, Ngài Amma Yukiho, Chủ tịch Hiệp hội Asaba Việt Nam đã làm lễ trao tặng tấm bia tại nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Tháng sáu này, tấm bia mang dấu ấn của tình bạn Phan Bội Châu - Asaba kia sẽ được đặt bên cạnh chân tượng cụ Phan của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn thực hiện năm 1973, đẹp và đặc sắc nổi tiếng ở Huế, tại công viên cầu Trường Tiền. Một không gian văn hóa “Ông già Bến Ngự” được mở rộng từ Bến Ngự ra đến đôi bờ sông Hương là một điểm nhấn tạo nên sắc màu đa dạng cho văn hóa và du lịch Huế, vốn đã rất hấp dẫn đối với bao người…

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top