ClockChủ Nhật, 25/06/2017 11:06

Ông sớm truyền thanh

TTH - “Nhà báo làng” là cái tên thân mật nhiều người vẫn gọi ông Trần Sớm, phát thanh viên Đài Truyền thanh xã Quảng Thành (Quảng Điền).

37 năm tuổi nghề

Nhiều lần nghe tiếng phát thanh viên Trần Sớm, Đài Truyền thanh Quảng Thành, đôi lần trong câu chuyện bên lề, các anh chị trong ủy ban xã cũng giới thiệu nhiều về người “đồng nghiệp” gắn bó với nghề phát thanh viên đã 37 năm nhưng chưa có dịp gặp mặt.

Ông Trần Sớm 37 năm miệt mài với công tác phát thanh

Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến trụ sở nhà văn hóa xã, đi sâu vào khu vực phát sóng chương trình, ông Trần Sớm đang loay hoay với một đống tài liệu ghi ghi, chép chép. Nghe tôi đặt vấn đề, ông cười xòa: “Tôi có gì hay ho đâu mà viết, chẳng qua yêu nghề quá nên cứ mãi đeo đuổi theo nó vậy thôi”.

Nhưng ông vẫn bồi hồi nhớ về ngày mới bắt tay vào nghề. Đó là năm 1980, ông là kế toán của HTX Phú Thanh. Nhờ ăn nói lưu loát, ông được nhiều người mời làm MC cho các sự kiện lớn trong làng, xã. Cũng nhờ biệt tài ấy, ông được điều động phụ trách thêm hoạt động truyền thanh HTX. Ban đầu chỉ viết những thông tin lịch thời vụ, thông báo dịch bệnh đến người dân trong HTX. Đến năm 1992, hai đơn vị phát thanh HTX nhập làm một, thành lập đài phát thanh xã, ông được điều chuyển về đài xã cùng với một kỹ thuật viên.

Ban đầu công việc chính của ông chỉ là mở đài tiếp sóng đài tỉnh, huyện. Về sau do nhu cầu thông tin cao, ông xây dựng luôn các chương trình phát thanh địa phương với những nội dung phong phú như: người tốt việc tốt, những mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách  Nhà nước.

Tính đến nay, ông đã gắn bó gần 37 năm với hoạt động truyền thanh. Thời bao cấp, mỗi tháng ông nhận được vài chục ký lúa. Bây giờ, theo mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định, ông nhận khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. Với đồng lương ít ỏi, đôi khi chỉ đủ chi cho vài ba đám cưới trong làng, vợ ông thấy ông vất vả đi sớm về khuya cũng khuyên ông nghỉ việc nhưng quen nghề rồi mấy ai bỏ được.

“Dường như cái nghề truyền thanh này đã thấm sâu vào máu. Nói thật, ngày nào không viết, không đọc là tôi cảm thấy bồn chồn, buồn không tài nào chịu nổi”, ông Sớm trải lòng.

Và cứ thế hằng ngày, khi tiếng gà gáy sáng cất vang, người ta lại nghe giọng nói thân thương “Đây là đài truyền thanh xã Quảng Thành. Mời bà con nghe chương trình phát thanh của xã”.

Và niềm đam mê

Trước đây, các phương tiện truyền thông chưa phát triển, việc đưa thông tin hàng ngày đến với người dân qua hệ thống loa truyền thanh rất cần thiết. Tuy nhiên, hệ thống của đài hồi đó chỉ có một máy catset xài pin, một bộ amply xài điện bình ắc quy và một số loa phóng thanh có dây đặt gần khu vực trung tâm xã. Thiết bị máy móc rất hay hỏng nên cán bộ đài phải thường xuyên leo trụ điện sửa loa, dò tìm chỗ dây loa đứt để đấu nối, có lúc thì chật vật với amply bị cháy sò, hỏng tụ...Thời gian gần đây, cơ sở vật chất hạ tầng được quan tâm đầu tư với 30 cụm loa vô tuyến, 40 cụm loa hữu tuyến nên việc truyền tải thông tin đến công chúng thuận tiện hơn nhiều.

Ông Trần Sớm chia sẻ: Làm đài mùa này còn đỡ, chứ mùa mưa vất vả lắm, nhất là khi hệ thống loa có trục trặc, người dân báo mình phải khắc phục ngay. Có hôm lụt, nước cao gần thắt lưng nhưng nghe người dân báo loa hỏng thế là hai anh em lại í ới gọi nhau đi khắc phục. Trời mưa, loa lại đặt trên hệ thống trụ điện, cây xanh nên để di chuyển lên vị trí loa hỏng không phải là chuyện đơn giản, rất nguy hiểm. Nhưng sự cố phải được khắc phục để đảm bảo mọi thông báo tình hình lũ lụt, cảnh báo của xã, huyện, tỉnh đều đến được với người dân. Sau sự cố đó, nhiều người còn đến nhà cám ơn tôi và kỹ thuật viên, khiến chúng tôi có thêm động lực cố gắng hơn với nghề.

“Có lần đi xa phụ người em trông coi công việc một thời gian khá dài, đi ngang hệ thống loa nghe đài phát thấy ruột gan cứ cồn cào, nhớ nghề, nhớ việc. Vậy là ngay hôm sau, tôi xin phép về nhà luôn. Thật sự, nghề  phát thanh đã ăn sâu vào máu rồi, có đi xa, làm gì vẫn mong ngóng về đài để được đọc, được viết. Nghỉ phát sóng một ngày, bà con đã í ới gọi điện thoại hỏi thăm, sợ mình ốm đau không đi làm được”, ông Sớm kể.

Bà Lê Thị Thắm, xã Quảng Thành cho biết: “Phải thừa nhận, từ ngày đài truyền thanh xã hoạt động, người dân chúng tôi không cần đồng hồ báo thức, nắng cũng như mưa. Khi nghe giọng bác Sớm alô, alô… trên đài là mọi người biết đã 5h sáng. Người dậy chuẩn bị cho kịp phiên chợ sớm, làm đồng, trẻ nhỏ dậy học bài. Hay nhất là các thông báo của xã, huyện được phổ biến kịp thời đến người dân. Mỗi ngày không nghe tiếng bác Sớm, không nghe đài truyền thanh xã là thấy nhớ, thấy thiêu thiếu…”.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin, ông không bao giờ bỏ sót các lớp tập huấn kỹ năng, chuyên môn do các sở ngành tổ chức. Vừa tham gia các lớp tập huấn, ông tự nâng cao “tay nghề” thông qua việc đọc, theo dõi sách báo, tiếp cận với cách viết, cách làm mới thông tin để người dân dễ tiếp cận.

Theo ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, phát thanh viên Trần Sớm đã gần 40 năm gắn bó với công tác phát thanh. Giờ tìm người thay thế vị trí của anh ấy cũng rất khó. Nên nhiều lần anh có ý định xin nghỉ nhưng lãnh đạo xã và nhiều người dân vẫn động viên anh tiếp tục công việc để công tác truyền thanh vẫn được duy trì và phát huy.

Với niềm đam mê nghề và chịu khó học hỏi, ông Sớm cùng đài truyền thanh xã đã đạt nhiều thành tích trong công tác phát thanh. Ông cũng không còn nhớ nỗi bao nhiêu lần lên bục nhận bằng khen của Trung ương, tỉnh, huyện trong công tác tuyên truyền. Chỉ nhớ, giải bông lúa bạc chương trình phát thanh toàn quốc năm 2006 với đề tài chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Quảng Thành được xem là dấu ấn quan trọng trong nghề.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thanh thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0

Truyền thanh (TT) dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin đang là hướng đi mới, được tỉnh đưa vào triển khai thử nghiệm và phát triển thời gian tới. Đây là giải pháp giúp hiện đại hóa TT cơ sở, khắc phục tình trạng lạc hậu, xuống cấp của đài TT cơ sở lâu nay.

Truyền thanh thông minh trên nền tảng công nghệ 4 0
Truyền thanh xã, hiệu quả lan rộng

Khi thông tin dễ dàng len lỏi vào đời sống thì những bản tin truyền thanh xã, phường dường như mất chỗ đứng. Nhưng đúng vào lúc mọi người lãng quên, hệ thống truyền thanh cơ sở lại phát huy hiệu quả. “Loa phường” lại thể hiện thế mạnh của mình...

Truyền thanh xã, hiệu quả lan rộng
Hiệu quả từ đài truyền thanh cơ sở

Trong thời đại đa dạng hoá các phương tiện thông tin truyền thông, hệ thống truyền thanh (TT) cơ sở là kênh thông tin quan trọng, cung cấp các thông tin chính thống, thiết thực cho thính giả.

Hiệu quả từ đài truyền thanh cơ sở
“Ngẫu hứng” tần số truyền thanh không dây

Hệ thống đài truyền thanh không dây (TTKD) cấp xã góp phần quan trọng phổ biến, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, việc phát triển về số lượng các đài TTKD phát sinh nhiều bất cập.

“Ngẫu hứng” tần số truyền thanh không dây
Return to top