ClockThứ Năm, 16/01/2014 11:09

Ông Táo trên đất Địa Linh

TTH - Cống Địa Linh xem như dấu mốc cuối cùng của phố cổ Bao Vinh (Hương Vinh, Hương Trà). Qua cống Địa Linh rẽ trái dăm trăm mét, khách sẽ bắt gặp những tấm ván dài và phía trên là những ông Táo phơi khô trước lúc đưa vào lò. Ở Huế, đây là nơi hiếm hoi còn “sót lại” nghề làm ông Táo với nhiều ý nghĩa trong phong tục của người Việt.

Gọi chung là ông Táo, thực chất trên mỗi phiến đất bằng nửa bàn tay như vậy gồm ba ông. Sự tích kể: xưa có đôi vợ chồng nông thôn; người vợ trước vốn đã có chồng. Một sáng bỗng vô tình gặp lại chồng cũ; chẳng ngờ chồng mới đi cày về sớm, người vợ đành giấu anh ta vào đống rơm. Tai nạn xảy ra lúc người chồng mới vương lửa bén vào đống rơm. Vợ lao vào chữa cháy, chồng mới thấy vậy liền nhảy vào cứu vợ... Cả ba đều thiệt mạng trước ngọn lửa hung tàn! Người dân động lòng trắc ẩn mới “phong” họ làm thần; thường được thờ chung ở bếp. Và cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch là tiễn họ về trời để dâng sớ lên Ngọc Hoàng báo cáo những chuyện trong đời sống, nhất là chuyện “bếp núc”.

Tích này có dị bản, song tựu chung vẫn gắn liền với lửa như một phát hiện của loài người. Một bản khắc tại chùa Ông ở Huế (đã được các sách dẫn giải) đề cập đến tín ngưỡng này: “Ngày 23, dân gian phải thành tâm, trai giới, cúng kính tiễn đưa, ngày 30 trở về thành tâm nghinh tiếp, sớm hôm cung kính lễ bái để thần được an, nhà được vượng”. Cứ dịp cận Tết, cảnh này ở vùng nông thôn Huế khá phổ biến. Ông Táo cũ được hạ xuống, đưa ra để trên cái bình phong của một ngôi mộ hoang lớn cuối xóm. Chỗ này người làng để nhiều đến mức không ít ông Táo rơi xuống đất nằm ngổn ngang tội nghiệp. Ông hàng xóm của tôi đứng trước cái bình phong rêu bám đầy mình thắp hương kính cẩn khấn vái rồi mới ra về. Bàn thờ ông Táo mới được dọn sạch, đặt lên đó ông Táo mới mặt mũi vui tươi, bên cạnh là ly nước trong, gói bánh, một ít bông ba hoa quả. Ở phía dưới, bếp được nhen với loại củi đượm, thể hiện cho ngọn lửa sung mãn, nhiều hy vọng về một cuộc sống gia đình ấm cúng bền vững.

Tôi vào thăm một chủ lò ở vùng đất Địa Linh. Trong khoảng không gian hẹp, có đến ba người đang chăm chú với công việc. Một người trung niên cho đất vào khuôn rồi nện mạnh xuống khúc gỗ phẳng bọc bố, sản phẩm cho ra là ông Táo (Khuôn được đục từ gỗ lim, tác động lực mạnh cũng không vỡ). Hai người còn lại, người nhào đất, người quét sơn lên ông Táo. Sơn màu đỏ thẫm được hòa hơi loãng, người làm phải đeo khẩu trang, dùng tay tì mạnh cọ và quét đi lại nhiều lần để sơn thấm đều. Người lành nghề mỗi ngày có thể quét khoảng một ngàn ông Táo.

Dập khuôn ông Táo cũng với số lượng tương đương; người lớn tuổi đúc thong thả thì ngày khoảng dăm sáu trăm. Công đoạn làm đất rất quan trọng. Dụng cụ chính: đoạn sắt tròn uốn hình chữ u, có tay cầm, rồi nối một sợi dây thép nhỏ trên chữ u, cứ thế người ta xăm từng lớp mỏng tìm sạn, rồi nhồi, lại xăm… Nhồi như nhồi bột lọc, tỉ mẩn cho đến lúc đất sạch. Đất ấy đưa vào khuôn nện chặt, ông Táo “ra đời” nếu người đúc phát hiện có sạn sẽ dùng cái lẩy nhọn khẩy ra, nhưng nếu ông Táo vẫn bị “lở” sẽ phải nhồi làm lại. Đất không những làm kỹ mà nguồn đất cũng thường được chủ lò dặn lấy chỗ sạch. Thời bây giờ ruộng đồng ít đi, các chủ xe chủ yếu lấy đất ở công trình xây dựng hoặc từ việc đào hồ… Có thêm một loại ông Táo lớn bằng nắm tay trẻ em dài khoảng 15cm, thường được mua để cúng ở đình chùa miếu mạo, các lăng mộ.

Mùa hè gặp ngày nắng to cũng phải vài ba ngày ông Táo mới khô. Mùa mưa đúc “mấy ông” xong rồi, việc phơi phóng rất khổ; đưa ra gom vào còn cực hơn cả phơi lúa. Trời không nắng, người ta trải gạch và đặt mỗi ông Táo lên đó để mau rút nước. Trời đỏng đảnh lúc nắng lúc mưa, nhiều khi còn phải chất ông Táo quanh lò sấy khô rồi mới tiến hành khâu nung. Lo nhất là mùa lụt, nếu các ông Táo thấm nước sẽ mất đường nét thần thái, khách kêu là “ông Táo hai năm”, đành phải đốt lò sấy lại; người mua mới có niềm tin về một năm ăn nên làm ra.

Thời điểm từ tháng mười âm lịch đều đã có khách đặt trước, họ sẽ đến lấy lúc ông Táo ra lò vừa nguội, trữ hàng bán dịp Tết. Những ông Táo được sắp vào từng hộp mì tôm. Gia chủ từ tháng 4 đã phải đi gom rơm khô nhén cứng vào bì cất lên giàn, dịp này đưa ra lót để sắp ông Táo kẻo vỡ.

Theo khảo sát sơ bộ của người viết, ở chốn Thần Kinh hiện chỉ vùng đất Địa Linh là còn làm nghề đúc ông Táo này với mấy gia đình đều là anh em ở gần nhau. Một công việc nhọc nhằn, lấm bết cả ngày ăn không đúng bữa ngủ không đủ giấc nên rất ít người tính học. Cái nghề thức đêm trực lò, còng lưng nhồi đất, nện đất vào khuôn, quét sơn; thanh niên thức một đêm ngủ ba ngày thì lấy sản phẩm đâu mà đổi gạo nuôi vợ con. Một ông chủ lò, con trai đứa làm thợ chạm khắc gỗ, đứa làm nghề i-nốc; cha mẹ có cố truyền nghề chúng cũng lắc đầu...

Trần Nguyên Sỹ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, ngày 24/4, đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đi thăm, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn lao động, thân nhân người tử nạn do tai nạn lao động và khởi công xây dựng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”
Return to top