ClockThứ Năm, 26/03/2015 12:56

Ông Từ kiến tạo nông thôn mới

TTH - Xã Phong Hải (Phong Điền) nổi tiếng từng làm nên nhiều điều không phải nơi nào cũng làm được: được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, hay xã đầu tiên của tỉnh có website, sớm cán đích nông thôn mới... Người góp công đưa vùng quê ven biển có được thành quả như ngày hôm nay chính là vị Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Từ.

Ông Nguyễn Viết Từ (phải) trao đổi với một phóng viên

Trong cuộc họp xây dựng NTM của tỉnh mới đây, khi nhắc đến xã Phong Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao biểu dương, khen ngợi những nỗ lực của ông Nguyễn Viết Từ, đồng thời yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần học tập cách làm của ông Từ trong xây dựng NTM. Ghi nhận tinh thần trách nhiệm, tận tụy với dân, vì dân phục vụ, ông Nguyễn Viết Từ từng được lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành Trung ương tặng nhiều bằng khen, huy chương, kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, phát triển kinh tế, xã hội...

Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi cũng được gặp và có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Viết Từ. Thân thiện, dễ gần, cởi mở, hiếu khách và cả sự năng động là điều chúng tôi cảm nhận được mỗi lần tiếp xúc với vị chủ tịch này. Với cánh báo chí, ông thường dành sự tôn trọng, hợp tác, rất say sưa chia sẻ những thông tin liên quan đến địa phương mình. Nhớ lại quê hương một thời nghèo khó với nhiều cảm xúc, đôi mắt ông cứ rưng rưng. “Lúc tôi mới làm cán bộ cách đây hơn 30 năm, cũng là thời điểm người dân xã nhà rơi vào cảnh bi đát: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Chài lưới gần bờ không phải lúc nào cũng nhiều tôm, cá. Những vùng đất cát hồi đó chỉ trồng được khoai lang. Các khu dân cư toàn nhà tranh tre; nhà vách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đường bê tông là “con số 0”...”.

Xây dựng hạ tầng
Từ năm 1990, ông Từ lúc này còn làm Phó Chủ tịch xã đã từng có ý tưởng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã nhà theo hướng hiện đại (sau này là mô hình nông thôn mới). Nhiều đêm ông thao thức tìm hướng đầu tư hợp lý cho địa phương. Các đợt tuyên truyền, vận động được tổ chức rầm rộ trên phạm vi toàn xã do ông Từ cùng với lãnh đạo địa phương phát động. Ông Võ Thùy, Trưởng thôn Hải Thế nói: “Nhiều lần ông Từ đích thân đến từng khu dân cư, hộ gia đình phân tích, giải thích cặn kẽ cho người dân hiểu sự lãng phí trong xây dựng lăng mộ (nhiều người thường gọi là “thành phố ma”). “Mưa dầm thấm sâu”, người dân rồi cũng nhận ra những bất hợp lý, rồi đồng thuận các chủ trương của xã, tự nguyện đóng góp tiền của, công sức làm đường cho đẹp làng, đẹp xóm”.
Tuyến đường liên xã dài hơn 5km từng là lối mòn, chi chít cây dương liễu giờ đây đã trở thành đường bê tông rộng rãi, ô tô đi được hai chiều. Trường học, trạm y tế được tầng hóa với các điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục, khám chữa bệnh cho Nhân dân. Riêng đường giao thông nông thôn, từ năm 1990 đến nay đã mở 6 lượt “chiến dịch” xây dựng trên toàn xã, kinh phí đầu tư ước tính cả trăm tỷ đồng. Liên quan chuyện làm đường, hay xây dựng các công trình đều được ông Từ tổ chức họp dân, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận, từ đó người dân sẵn sàng hiến đất, hiến cây để xây dựng công trình. “Bây giờ nếu ai tìm ra một con đường bằng đất cát tạm bợ ở Phong Hải thì muốn gì tôi chiều nấy”, ông Từ thách đố.
Có điện thắp sáng từ năm 1995 cũng là một “kỳ tích” của xã Phong Hải mà Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Từ chính là người “khai sáng”. Ông Nguyễn Văn Mạnh, cán bộ xã Phong Hải chia sẻ, hồi đó, kinh phí đóng góp của người dân còn eo hẹp trở ngại lớn trong việc xây dựng hệ thống lưới điện quốc gia. Hiện thực hóa khát vọng đón cái tết đầu tiên có điện (1995), ông nghĩ ra cách mà có lẽ ít ai ngờ đến, đó là chỉ đạo, yêu cầu gom tất cả sổ đỏ nhà ở của cán bộ xã thế chấp vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng nộp cho ngành điện. Tiền trả lãi suất ngân hàng được trích từ ngân sách địa phương. Uy tín của ông Từ được anh em cán bộ đồng tình ủng hộ, biến ước mơ ngàn đời của người dân thành hiện thực. Sau này, ông Từ lập hồ sơ xin tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí trả nợ.
Khi chưa có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Từ đã kiến thiết xây dựng hệ thống đường sá tươm tất, sạch đẹp kết hợp lắp đặt điện chiếu sáng tại các trục đường chính được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Có điện, đường sạch đẹp, nhưng môi trường khu dân cư có nguy cơ ô nhiễm do dân số, đời sống người dân ngày càng cao, kèm theo một lượng rác, nguồn nước thải rất lớn là vấn nạn khiến ông Từ băn khoăn. “Từ ý tưởng của mình, tôi yêu cầu anh em cán bộ rà soát, quy hoạch xây dựng các hố xử lý và các điểm thu gom rác thải tại các thôn, xóm. Tại các thôn đều quy hoạch các cụm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cách khu dân cư 300m. Các cụm ngành nghề tại 5 thôn đều có đường ống, hố chứa nước thải, chất thải phù hợp yêu cầu vệ sinh môi trường. Mới đây, trước khi nâng cấp đường liên xã, địa phương huy động Nhân dân đầu tư hệ thống thoát nước thải dài 5km”, ông Từ chia sẻ.
Dồn sức phát triển kinh tế

Cổng làng khang trang

 
Giải quyết được hệ thống hạ tầng thiết yếu, ông Từ lại trăn trở, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp cho người dân. Cứ mỗi lần đứng nhìn vùng đất cát hoang sơ được cho là tiềm năng lớn, ông Từ lại thẫn thờ, suy ngẫm, không biết bắt đầu từ đâu, nuôi gì, trồng cây gì phù hợp?... Sau nhiều đêm trằn trọc, ông nảy sinh ý tưởng đào ao hồ nuôi tôm sú trên cát. Nhưng vốn lấy đâu ra, kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi như thế nào thì hầu như “trống rỗng”. “Cái khó ló cái khôn”, ông Từ kêu gọi Công ty Đông Phương (ở TP Huế chuyên nuôi trồng thủy sản) vào đầu tư nuôi tôm sú, vừa cho thuê đất, tạo việc làm cho lao động, vừa để học tập kỹ thuật, kinh nghiệm. Từ đó phong trào nuôi tôm trên cát ở Phong Hải bắt đầu, người dân tự tìm tòi, học tập kỹ thuật, đào ao nuôi với diện tích khoảng 4ha.
Ông Từ mừng rơn khi thấy tiềm năng được đánh thức, dân nuôi tôm sú đạt năng suất cao, mở ra hướng phát triển kinh tế, có cơ hội làm giàu. Ngặt nỗi, giá cả thị trường lúc này bấp bênh nên nuôi tôm sú không hiệu quả. Gần đây, Công ty Đông Phương chuyển sang nuôi tôm chân trắng mang lại hiệu quả cao, chính Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Từ là người tiên phong nuôi 3-4 hồ. Ông Từ tâm sự: “Mình làm lãnh đạo phải tiên phong, gương mẫu, làm ăn hiệu quả thì dân mới tin. Thấy tôi nuôi có lãi, nhiều hộ dân học tập nuôi theo”. Nuôi tôm chân trắng từ đó từng bước phát triển rầm rộ, mở rộng diện tích toàn xã đến nay lên 70ha, doanh thu mỗi năm trên dưới 3.500 tỷ đồng, lãi khoảng 1.400 tỷ đồng. Hàng chục hộ phất lên làm giàu, có người còn gửi tiền cho người thân ở nước ngoài mượn... Nuôi tôm đã trở thành “mũi nhọn” thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Hơn 70ha nuôi tôm còn tạo việc làm thường xuyên cho 300 lao động với thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng và hàng ngàn lao động thời vụ... Nuôi tôm kết hợp kinh doanh dịch vụ ngành nghề, chế biến hải sản... tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 38 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,4%. Phong Hải tuy không phải là xã điểm nhưng đã sớm cán đích nông thôn mới (NTM), được UBND tỉnh có quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM.

 

 

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top