ClockThứ Năm, 03/10/2013 09:11

Ớt ơi...

TTH - Bữa trước về làng thấy vườn nhà đã vào mùa ớt trái. Mấy vồng ớt ra trái xanh, đỏ nhìn đã thèm.

Người Huế nổi tiếng về chuyện ẩm thực với ớt. Mình nhớ mang máng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có viết một tạp bút về chuyện ăn ớt của người Huế mình và ông gọi là “nghệ thuật ẩm thực chơi cay”. Lại nhớ cái tản văn của nhà thơ Đỗ Trung Quân có cái tựa “Gởi hạt”. Chuyện là nhà thơ có một người chị bạn ở bên Mỹ vô cùng thích cái vị cay của ớt, nhưng phải là ớt Huế. Biết nhà thơ hay ra Huế nên chị đã nhắn rằng có dịp mô đó ra Huế lấy cho mấy hạt ớt cay xứ Huế gửi qua Mỹ cho chị gieo trồng. Ra Huế, nhà thơ “Quê hương” tìm tới quán bánh bèo, bánh lọc mụ Đỏ ở phố Gia Hội, cẩn thận nếm cái vị ớt cay và sau đó lấy ra mấy hột gói cẩn thận cho vào túi. Những hạt ớt từ xứ Huế đã bằng đường hàng không qua Mỹ và ít lâu sau, nhà thơ đã nhận được một giọng reo vui của người chị bạn bên kia bờ đại dương khi ớt đã có trái và cay đúng chất ớt Huế. Hương vị cay chảy nước mắt của trái ớt quê nhà cũng đã làm ấm lại cái lạnh giá băng tuyết của xứ người...

Lại nhớ thầy Phan Đăng - Chủ nhiệm Khoa Văn - Trường đại học Tổng hợp Huế của mình đã kể một câu chuyện hay khi có mấy đứa sinh viên nói với thầy là em nghiện thuốc lá rồi không thể bỏ được: “Khi dẫn sinh viên đi thực tập, tui ở trong nhà một lão nông đã trên 70 và tui chứng kiến chuyện nghiện rất lạ mà độc đáo của ông như ri: Buổi sáng thức dậy, tập thể dục vệ sinh cá nhân xong ông rót một ly nước chè xanh đậm quẹo; sau đó lấy một cái hũ sành cũ đựng ớt bột và làm mấy muỗng ngon lành. Ăn ớt xong, ông uống thêm mấy bát nước chè xanh mới nấu rồi thong thả vác cuốc ra đồng bắt đầu một ngày lao động nặng nhọc. Đó là bữa điểm tâm của ông. Nghiện như rứa mới gọi là nghiện!”...

Theo một tài liệu khoa học thì ớt thuộc họ cà và đã là một phần trong ẩm thực của loài người ít nhất là 7.500 năm trước Công nguyên và có lẽ sớm hơn. Có nhiều loại ớt, từ ớt hiểm, ớt chỉ thiên, ớt cao sản rồi ớt cảnh... Nhưng loại ớt quen thuộc nhất với bữa ăn của người Huế là ớt sừng trâu mà dân gian vẫn thường hay gọi là ớt tẻ. Đây là loại ớt trái có hình dài, khi chín cong lại như cái sừng trâu. Khoảng những năm 80, làng mình trồng ớt đỏ đồng nghe đâu để xuất khẩu sang Đông Âu. Đến mùa hè, sân nhà ai cũng đỏ một màu ớt phơi. Nhưng để có được một vài tạ ớt cân cho hợp tác xã là cả một quá trình một nắng, hai sương, ba trưa, bốn tối từ hái ớt, bẻ cọng, phơi khô... mà cũng chẳng thu được bao nhiêu tiền. Mình còn nhớ cảnh ba mạ mình giã ớt bột vào những buổi trưa hè: ớt phơi khoảng một, hai nắng cho vào cối giã dập ra rồi lại đem phơi khô giã lấy bột ớt. Tiếng chày nặng nhọc giữa trưa hè, những giọt mồ hôi, nước mắt và những cái hắt hơi vì cay để có được mấy lon ớt bột. Bây giờ về quê, mấy người bà con thỉnh thoảng lại cho mấy lon ớt của làng lên ăn. Cầm trên tay bì ớt lại nhớ cái cảnh trưa hè ba mạ giã ớt, lưng áo ướt đẫm mồ hôi...

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top