Thế giới

Paralympic Tokyo thắt chặt các quy định chống COVID-19 trước thềm khai mạc

ClockThứ Hai, 23/08/2021 10:04
TTH.VN - Các nhà tổ chức Paralympic Tokyo hôm qua (22/8) cho biết đang thắt chặt các quy định về COVID-19, bao gồm tăng cường kiểm dịch và hạn chế hơn nữa việc di chuyển, khi nước chủ nhà Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm kỷ lục vài ngày trước lễ khai mạc.

Chủ tịch Ủy ban Paralympic tới Nhật Bản chuẩn bị cho lễ khai mạcOlympic và Paralympic Tokyo: Điều chỉnh chương trình khai mạc, bế mạc

Thị trưởng thủ đô Tokyo của Nhật Bản, bà Yuriko Koike tại lễ thắp ngọn đuốc thiêng Paralympic Tokyo 2020 ở Toà thị chính thành phố, ngày 20/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thế vận hội Người khuyết tật Paralympic Tokyo sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai (24/8) sau một năm trì hoãn vì đại dịch và diễn ra sau khi Thế vận hội Olympic 2020 vừa kết thúc vào ngày 8/8 vừa qua - một sự kiện được các nhà tổ chức ca ngợi là bằng chứng cho thấy các quy tắc về phòng ngừa COVID-19 đã hoạt động hiệu quả.

Kể từ ngày 1/7 cho đến khi kết thúc sự kiện (ngày 8/8), Ban tổ chức Olympic đã ghi nhận 547 ca nhiễm COVID-19 liên quan đến Thế vận hội. Trong khi đó, Paralympic hiện đã báo cáo 131 ca dương tính ở những người tham gia tính đến ngày 22/8, tức là còn hai ngày nữa mới đến lễ khai mạc.

Theo Reuters, trong những ngày gần đây, Nhật Bản liên tục ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao đột biến với hơn 25.000 ca nhiễm mỗi ngày trên toàn quốc, ngay cả ở những khu vực được ban bố trong tình trạng khẩn cấp vì đại dịch, bao gồm cả thủ đô Tokyo.

Giống như các vận động viên (VĐV) Olympic, những tuyển thủ tham gia Paralympics cũng phải tuân theo những quy định bắt buộc như mang khẩu trang, kiểm tra sức khoẻ hàng ngày và giới hạn vận động.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Uỷ ban tổ chức Paralympic Tokyo 2020 Toshiro Muto hôm qua cho biết “cần thực hiện các biện pháp cẩn trọng hơn nữa”, bao gồm việc yêu cầu các nhân viên tại Làng Paralympic ở Nhật Bản phải xét nghiệm hằng ngày, thay vì 4 ngày/lần như bấy lâu nay. Ngoài ra, quy tắc cho phép một số người được đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng và di chuyển tự do sau 14 ngày hạn chế sẽ bị bãi bỏ. Ban tổ chức cũng yêu cầu những người liên quan tới Paralympic dùng bữa tại các cơ sở bên trong các địa điểm tổ chức Paralympic hoặc khách sạn họ đang lưu trú, không ăn chung và nói chuyện với nhau.

Trước đó, một số VĐV nước ngoài tham dự Paralympic đã có thể sử dụng phương tiện công cộng và di chuyển mà không cần sự cho phép trước, sau 14 ngày ở Nhật Bản.

Hầu hết những người liên quan đến Paralympic có kết quả dương tính cho đến nay là nhân viên và nhà thầu của Thế vận hội có trụ sở tại Nhật Bản, đồng thời cũng có 4 vận động viên và 10 nhân viên truyền thông đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Nhìn chung, sự bùng phát đại dịch ở Nhật Bản vẫn còn tương đối nhỏ so với một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, với khoảng 15.500 trường hợp tử vong, và khá ít các đợt phong toả nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của nước này bắt đầu chậm lại và các quan chức hiện đang chạy đua để chủng ngừa cho người dân, với khoảng 40% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.

Paralympic Tokyo 2020 bao gồm 22 môn thể thao, với khoảng ​​4.400 vận động viên từ khoảng 160 đội tuyển quốc gia tranh tài ở các hạng mục khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng khuyết tật của họ. Cầu lông và taekwondo là 2 môn thể thao mới lần đầu tiên xuất hiện tại Paralympic.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Nhật Bản: Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20% tổng số hộ gia đình vào năm 2050

Một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản cho biết, đến năm 2050, 10,8 triệu người cao tuổi ở nước này sẽ sống một mình, chiếm 20,6% tổng số hộ gia đình, đánh dấu sự gia tăng kể từ năm 2020, khi chỉ 7,37 triệu người già - tương đương 13,2% tổng số hộ gia đình, sống một mình.

Nhật Bản Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20 tổng số hộ gia đình vào năm 2050
Return to top