ClockThứ Sáu, 27/03/2020 14:36

Phải có công trình bảo vệ môi trường trước khi hoạt động

TTH - Lượng chất thải cũng như sự phức tạp về thành phần và tính chất ngày càng gia tăng. Việc đầu tư công trình bảo vệ môi trường (BVMT) tại từng cơ sở trước khi đi vào hoạt động sản xuất là một trong những giải pháp để phòng ngừa và kiểm soát chặt các nguồn xả thải, hạn chế tình trạng ô nhiễm. Đây cũng là giải pháp ngăn phát sinh mới điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Tắt đèn và các thiết bị điện hưởng ứng Giờ Trái đấtTự giác bảo vệ môi trường

Mỗi cơ sở có phát sinh nguồn thải đi vào hoạt động yêu cầu phải có công trình bảo vệ môi trường đảm bảo

Thời gian qua, công tác phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới trên địa bàn tỉnh đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chú trọng thực hiện.

Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ hầu như đã hoàn thiện hồ sơ xác nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm. Hiện nay, chỉ còn làng nghề đúc đồng Phường Đúc, Thủy Xuân, TP. Huế thuộc danh mục Quyết định 64 đang được cơ quan chức năng yêu cầu địa phương thực hiện giải pháp để giải quyết dứt điểm, sớm ra khỏi danh sách đen của Quyết định 64.

Toàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp (KCN), 1 khu kinh tế và 17 cụm công nghiệp (CCN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Nguồn phát sinh, sự phức tạp về thành phần và tính chất của các loại chất thải công nghiệp đang có dấu hiệu gia tăng. Trong khi đó, hầu hết các KCN, cụm TTCN vừa xây dựng, hoàn thiện vừa kêu gọi đầu tư dẫn đến tình trạng hạ tầng chưa xong hoặc hạ tầng kỹ thuật về môi trường chưa có, nhưng doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Chất lượng không khí tại các khu vực này cũng đang bị ô nhiễm, do các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất cũ hoặc mới đầu tư sơ bộ hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường.

Trước những tồn tại, bất cập trong việc quản lý nguồn thải, để chủ động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, bắt buộc cơ sở thực hiện đúng như cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường/đề án BVMT/cam kết BVMT/kế hoạch BVMT đã được cấp thẩm quyền phê duyệt của cơ sở phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn Việt Nam. Trong đó chú trọng mục tiêu tăng tỷ lệ các cơ sở được xác nhận hoàn thành các công trình BVMT đạt hơn 55%, vì thực tế tỷ lệ này vẫn còn thấp, chỉ khoảng 30%.

Theo quan điểm của Chi cục BVMT tỉnh, để làm tốt yêu cầu đặt ra, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm sau khi cấp phép môi trường và kiên quyết không cho những cơ sở mới chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy định đi vào hoạt động; không cho phép các cơ sở chưa được xác nhận hoàn thành các công trình xử lý chất thải đi vào hoạt động; không cấp phép cho các cơ sở sản xuất trong KCN xả nước thải trực tiếp ra môi trường; khu dân cư chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật liên quan đến môi trường thì chưa cho đi vào hoạt động; các KCN, CCN phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải theo quy định mới được đi vào hoạt động.

 Đối với các nguồn thải quy mô lớn, các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các CCN, làng nghề, các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm sẽ được đưa vào kế hoạch giám sát, giám sát đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát; đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm môi trường, không để phát sinh mới các điểm nóng về môi trường.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

TIN MỚI

Return to top