ClockThứ Tư, 22/11/2017 16:01

Phải có thái độ ứng xử hài hòa

TTH - Ở nhiều nước trên thế giới cũng đang chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão nhiệt đới, lũ lụt, rét đậm, hạn hán, băng tan… để lại nhiều hậu quả nặng nề.

Chúng ta đang trải qua những ngày bão to, lũ lớn khác thường hơn với quy luật, mà theo nhiều chuyên gia thì đây là hiện tượng do biến đổi khí hậu gây nên. Đó là tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ ảnh hưởng suốt cả 3 miền và kéo dài từ mấy tháng nay.

Ở nhiều nước trên thế giới cũng đang chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão nhiệt đới, lũ lụt, rét đậm, hạn hán, băng tan… để lại nhiều hậu quả nặng nề.

Cùng với kiểu thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt sinh thái. Chúng ta không khỏi lo lắng khi chứng kiến hàng trăm km bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương ven biển bị sạt lở, nhấn chìm nhiều ha đất sản xuất, nhà ở và nhiều công trình quan trọng khác. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Theo dự báo, đến năm 2020, cường độ và tần suất bão lũ và các loại thiên tai khác như tố lốc, sạt lở bờ sông, bờ biển tăng mạnh sẽ gây thiệt hại hàng năm khoảng 10% GDP của tỉnh. Bên cạnh đó, nếu nước biển dâng 0,5m thì diện tích ven biển và đầm phá sẽ bị ngập làm mất khoảng 5,2% diện tích toàn tỉnh…

Tại Hội nghị lần thứ 23 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 23) vừa mới bế mạc tại TP. Bonn của nước Đức, gần 200 quốc gia đã đạt được nhất trí về việc giữ vững cam kết đối với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được thông qua năm 2015 (COP 21); về cắt giảm lượng khí thải và duy trì mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Cùng với Liên Hợp Quốc, những năm gần đây, công tác phòng chống biến đổi khí hậu đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Theo đó, nhiều biện pháp cấp bách, lâu dài đã được triển khai ở các địa phương; nhằm đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu…

Tại Thừa Thiên Huế, công tác phòng chống biến đổi khí hậu thời gian qua đã có những chuyển biến đáng kể. Nhiều hệ thống đê ngăn mặn, giữ ngọt, đê chắn sóng, chống sói lở ở ven sông, ven biển, đầm phá được triển khai xây dựng. Việc phát triển rừng tự nhiên, rừng phòng hộ được quan tâm; đặc biệt, đã thành công trong xây dựng Huế trở thành đô thị xanh của cả nước… Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế” do Chính phủ Luxembourg tài trợ từ Quỹ Khí hậu Quốc tế Luxembourg. Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với các rủi ro và thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu ở các xã đầm phá ven biển.

Biến đổi khí hậu đã và đang là thách thức lớn của nhiều địa phương, nhiều quốc gia. Cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và các tổ chức quốc tế là sự vào cuộc của cả cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu; thích ứng, có thái độ ứng xử hài hòa với thiên nhiên, môi trường… nhằm mang lại hiệu quả cao nhất như mục tiêu đặt ra.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
Return to top