ClockThứ Ba, 08/11/2022 07:15
CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TOÀN TÂM, TOÀN Ý CHO CÔNG VIỆC:

Phải đồng bộ các giải pháp

TTH - Cải cách về chính sách tiền lương và chế độ khen thưởng, để thu nhập đảm bảo được mức sống khá đối với công sức bỏ ra là mong muốn của nhiều công chức, viên chức (CCVC) hiện nay.

Thi tuyển giáo viên: Niềm vui nhân đôiViện kiểm sát Nhân dân tỉnh trao quyết định tiếp nhận, điều động công chứcTập huấn công tác tổ chức đại hội công đoàn cơ sởCông chức, viên chức mong chờ được tăng lương cơ sởGần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu trong ngành Y tế, Giáo dụcTăng lương cơ sở để giữ chân người tài

Cán bộ, công chức bộ phận một cửa phường Vĩnh Ninh, TP. Huế tiếp dân

Áp lực nhiều phía

Gắn bó hơn 16 năm, cách đây một tháng, chị Nguyễn T. T. đang công tác trên lĩnh vực tư pháp đã viết đơn xin nghỉ việc. Chị T. chia sẻ, đi làm ngần ấy năm trời, song tổng thu nhập cho đến thời điểm chị xin nghỉ cũng chỉ 7,2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân của gia đình lại phải thuê người làm quản lý, vì vậy chị quyết định xin nghỉ việc, về quản lý doanh nghiệp gia đình. “Tôi chỉ mong, cán bộ CCVC được tăng thu nhập, để được toàn tâm, toàn ý cống hiến cho nhiệm vụ chuyên môn mà không phải quá bận tâm đến chuyện cơm áo, gạo tiền”.

Bởi theo chị T., nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chị do áp lực thu nhập để trang trải cuộc sống, nhiều người phải làm “chân trong, chân ngoài”. Và nhiều người đã chiếm thời gian việc công để làm việc tư.

Là giáo viên mầm non, nhà cách xa trường nên sáng nào chị Nguyễn Thùy Trang cũng phải rời nhà lúc 6h30 sáng và về nhà lúc 6h tối. Chồng chị Trang công tác trong ngành y tế, thường xuyên phải đi trực. Hai đứa con, chị Trang phải nhờ người thân đưa đón. Chị kể, vợ chồng đều viên chức, thu nhập mỗi tháng 12 triệu đồng, chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Muốn tích cóp để ra ở riêng là rất khó khăn, hiện vợ chồng chị đang ở chung nhà cùng gia đình chồng, chưa kể không có thời gian dành cho các con.

Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Huế khám sức khỏe cho bệnh nhân

“Vợ chồng tôi đã bàn đến việc một người nghỉ việc công chuyển qua làm tư nhân để tăng thu nhập. Tuy nhiên, cả hai đều tâm huyết với công việc đang làm, nên chưa quyết định. Tôi chỉ mong tiền lương công chức được cải thiện, để hai vợ chồng được làm công việc mình yêu thích”, chị Trang trải lòng.

Công tác tại bộ phận một cửa cấp phường, chị Nguyễn Thị Liên cho biết, một mình chị phải tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên quan đến tư pháp, hộ tịch cho 27 ngàn người dân trên địa bàn phường, chưa kể chị còn phải tham gia công tác hòa giải tại cơ sở. Để hoàn thành công việc, tôi thường xuyên phải làm việc ngoài giờ. Có thời điểm, vừa áp lực công việc ở phường, vừa công việc gia đình tôi đã phải điều trị stress.

“Áp lực công việc là vậy, song hơn 10 năm cống hiến, thu nhập hàng tháng của tôi cũng chỉ 6 triệu đồng. Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến xin nghỉ việc để kinh doanh, buôn bán gì đó, song muốn kinh doanh cũng phải có chút vốn ban đầu, nhưng lương của tôi chưa đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, nghĩ vậy nên đành cố gắng gồng gánh công việc”, chị Liên tâm sự.

Dù tình trạng CCVC nghỉ việc trên địa bàn chưa đáng báo động như các tỉnh, thành khác trong cả nước, nhưng với mức thu nhập như đã nói thì rất khó để họ yên tâm cho công việc. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, số CCVC nghỉ thôi việc từ 1/1/2020 đến 30/6/2022 trên toàn tỉnh có 261 người. Nguyên nhân không có nhiều điểm khác với tình hình chung cả nước: Áp lực công việc cao, nhưng thu nhập lại không đủ trang trải cuộc sống.

Nhiều lao động khu vực công chia sẻ, do môi trường tư nhân trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, nên không có nhiều cơ hội chuyển việc làm, chưa kể nhiều CCVC sợ xa gia đình, ngại thay đổi nên dù công việc áp lực, thu nhập thấp nhưng vẫn cố gắng bằng lòng.

Thực trạng này, dẫn tới nhiều lo lắng rằng, khó tạo động lực, thúc đẩy CCVC tận tâm, tận lực, phát huy hết năng lực, đổi mới, sáng tạo cống hiến hết mình cho công việc. 

Đồng bộ các giải pháp

Để giải bài toán trên, theo ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ, điều đầu tiên cần phải sớm cải cách về chính sách tiền lương và chế độ khen thưởng, phải đảm bảo thu nhập của CCVC có mức sống khá so với mặt bằng chung. Để cải cách tiền lương đạt được kết quả thì trước hết phải xác định đúng vị trí việc làm trong từng cơ quan, đơn vị.

Từ việc xác định rõ vị trí việc làm thì mới xác định được số lượng người làm việc, mức lương cho mỗi vị trí việc làm hoặc cho mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Nhà nước.

Tạo lập môi trường làm việc tốt là một trong những điều hết sức quan trọng, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hấp dẫn và đảm bảo cơ hội phát triển cho CCVC, trong đó có cơ hội thăng tiến. Đồng thời, phải thay đổi phương thức đánh giá CCVC một cách khách quan, minh bạch dựa trên kết quả họ đạt được trong quá trình làm việc và có chế độ khen thưởng xứng đáng, không cào bằng. Cải cách chế độ công vụ phải được tiếp tục đẩy mạnh, trong đó có chế độ đề bạt, khen thưởng chính xác, khách quan, công bằng, đảm bảo cơ hội thăng tiến cho CCVC trong cơ quan Nhà nước.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục tinh giản biên chế. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển một số đơn vị cung cấp dịch vụ công của Nhà nước sang cơ chế hợp tác công - tư. Quy định rõ định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá cho từng dịch vụ để đơn vị chủ động trong việc xác lập nguồn thu, cân đối thu chi, để giảm bớt phần ngân sách Nhà nước chi lương cho đội ngũ CCVC..., ông Bạch Chơn Đông thông tin.

Việc Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho cán bộ, CCVC, người lao động từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2023 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra và được đa số ý kiến đại biểu nhất trí là sự động viên kịp thời với người lao động ở khu vực công, giúp nhiều người vơi bớt khó khăn, nhất là trong bối cảnh giá cả biến động.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

50 suất học bổng toàn phần bậc tiến sĩ, thạc sĩ tại Nhật Bản dành cho cán bộ, viên chức Việt Nam

Chương trình Học bổng Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (JDS) đã chính thức mở đơn tuyển sinh cho kỳ nhập học năm 2024, hướng đến đối tượng là cán bộ, công chức viên chức Việt Nam, những người được kỳ vọng sẽ đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

50 suất học bổng toàn phần bậc tiến sĩ, thạc sĩ tại Nhật Bản dành cho cán bộ, viên chức Việt Nam
Khắc phục tình trạng cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ

Đề cập đến tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, trong báo cáo vừa gửi đại biểu Quốc hội, bổ sung, làm rõ một số vấn đề về thực hiện nghị quyết của Quốc hội thuộc lĩnh vực Nội vụ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là thực trạng xảy ra ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Khắc phục tình trạng cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ
Return to top