ClockThứ Hai, 22/11/2021 13:36

Phải “kích hoạt” vắc-xin ý thức

“Vắc-xin” cho nhận thứcChuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tiêm vắc- xinTăng thêm phụ cấp cho người làm công tác tiêm vaccine phòng COVID-19

Cả nhân viên và khách hàng ở Co.opmart Huế tuân thủ đeo khẩu trang

Sau gần chục ngày vắng mặt, sáng nay mới lại thấy anh xuất hiện cà phê cùng thân hữu. Lý do bởi anh vừa phải thực hiện xong một “liệu trình” giám sát y tế tại nhà do vô tình tiếp xúc với F1. Cũng cần nói thêm để mọi người khỏi đàm tiếu, bàn cà phê chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ và ai cũng đều đã “đủ 2 mũi” từ sớm. Quán cà phê chúng tôi uống cũng là một quán vắng, thường mỗi sáng chỉ có 2-3 bàn, sân vườn thoải mái nên khoảng cách vô tư, bàn này cách bàn kia đến dăm bảy mét.

- Lẽ ra đã có thể đi cà phê cách đây mấy bữa, nhưng hết thời gian, mình tự nguyện tự giám sát thêm ít ngày nữa cho chắc - vừa chờ cà phê ra, anh vừa chân tình.

Sau một khoảng ngắn tạm ổn, thời gian gần đây dịch COVID-19 đã quay trở lại phức tạp trên địa bàn tỉnh. Nguy hiểm nhất là số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng ngày càng chiếm tỷ lệ cực lớn và ở con số rất đáng quan ngại (ngày 13/11: 65/75 ca; ngày 15/11: 75/81 ca; ngày 20/11: 57/96 ca F0 phát hiện tại cộng đồng). Bản đồ phòng dịch từ xanh biến thành vàng, cam, đỏ ở nhiều địa bàn khiến nhiều người phải thốt lên đầy lo lắng: “Nhìn hoa cả mắt”!

Tại sao tình hình dịch bệnh lại chuyển biến phức tạp như thế. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân có thể thấy và khẳng định được ngay đó là tâm lý chủ quan, xem thường và thiếu ý thức giữ gìn, bảo vệ của một bộ phận người dân trong phòng, chống dịch.

Chủ quan bởi cho rằng vắc-xin đã được phủ rộng, bản thân đã tiêm đủ/hoặc đã có 1 mũi vắc-xin nên có thể yên tâm. Chủ quan bởi khi thấy toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, có người nhân đó mà tự suy luận một cách rất võ đoán rằng, chắc là dịch bệnh đã ổn, tình hình chẳng có gì đáng lo nữa nên “ông” Nhà nước mới mở. Còn xem thường là bởi bản thân họ cùng gia đình may mắn chưa ở trong vùng phong tỏa, chưa từng phải thấy khổ sở với tình cảnh bị thiếu gạo, thiếu muối, thiếu rau xanh, chưa bị bó gối chồn chân khi phải quanh quẩn quanh 4 bức tường của nhà mình. Xem thường bởi chưa tận thấy ai xung quanh phải cấp cứu, phải thở máy, phải tử vong vì COVID-19, mà đó là câu chuỵện của tận đẩu tận đâu cách cả ngàn cây số, chẳng cần phải bận tâm (!??)...

Từ chủ quan, xem thường dẫn đến sự thiếu ý thức trong tự bảo vệ cho bản thân cũng như gìn giữ cho cộng đồng. Vậy nên, mặc cho chính quyền, mặc cho báo chí truyền thông, mặc cho các ban, ngành hữu quan tuyên truyền, khuyến cáo “khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo, không tụ tập” thì vẫn thấy rất rất nhiều người bất chấp. Người ta vẫn tụ tập không khẩu trang, chả cần khoảng cách hay khử khuẩn. Tránh cả khai báo, quét mã làm gì cho cách rách phiền toái nếu không bị yêu cầu, nhắc nhở. Thậm chí, có gia đình có người bị “dính F”, buộc phải cách ly, giám sát tại nhà, nhưng vẫn người vào kẻ ra tấp nập, thậm chí còn kéo đàn kéo đống ăn nhậu hát hò trong lúc ngay trước cửa nhà vẫn lù lù tấm biển cảnh báo đỏ rực. Ý thức như thế, làm sao không có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, và tình hình dịch bệnh chưa biết đến bao giờ mới kiểm soát được!

Trở lại với người bạn cà phê sáng của chúng tôi. Anh này thì quá sức nghiêm túc. Trong thời gian được yêu cầu tự cách ly, giám sát tại nhà, anh tuyệt đối không bước chân ra khỏi ngõ, không gặp mặt, tiếp khách. “Mình không chỉ vì mình mà còn phải giữ cho cha mẹ, anh em mình, rộng ra là cho bà con xóm giềng mình. Nếu vì bản thân mình mà xảy ra sự cố cho người khác, mặt mũi nào còn dám nhìn ai? Không những thế, phải tự mình biết rằng mình đã gây ra tội ác!” - Anh trải lòng và nhấn nhá 2 chữ “tội ác” thật lớn như muốn nhắc nhở chung những người xung quanh.

“Đừng đổ và trách Sài Gòn chạy đem COVID-19 ra lây lan. Lây biết giữ thì không lây, mỗi người có ý thức với bản thân và xã hội thì không bao giờ lan” - Anh Lê Quý Trọng đã bày tỏ rất chí lý như vậy trên trang facebook cá nhân của mình. Cái đó gọi là “vắc-xin ý thức” mà lâu này vẫn nghe nhiều người nói. Đáng buồn và đáng lo là loại vắc-xin ấy chưa sản sinh được nhiều, cho dù nó là thứ vắc-xin mà nếu thực lòng muốn là ai cũng lập tức có sẵn chứ không cần phải ngoại giao, phải nhập khẩu lôi thôi gì cả.

Có sẵn nhưng chưa sản sinh thì phải làm sao bây giờ? Không cách nào khác là phải kích hoạt. Kích hoạt bằng cách đột xuất kiểm tra. Kiểm tra hộ có người tự cách ly xem có thực hiện nghiêm túc các quy định hay không; kiểm tra chợ búa, siêu thị, các tụ điểm công cộng xem có tuân thủ 5K hay không… Kiểm tra và xử phạt vi phạm (nếu có) ngay lập tức. Cũng ngay lập tức cho loan truyền rộng rãi trên tất cả các phương tiện truyền thông những trường hợp bị xử phạt để cả cộng đồng cùng giật mình mà “rút kinh nghiệm”. Kích hoạt như thế, vắc-xin ý thức sẽ buộc phải sản sinh. Như thế SARS-CoV-2 mới “không lây, không lan”, COVID-19 mới được kiểm soát và xã hội mới có thể trở lại nhịp sống bình thường.

Bài, ảnh: Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước

Thời tiết bắt đầu bước vào những ngày nắng nóng. Đây là thời điểm mà các điểm bơi lội mở cửa trở lại, nhu cầu tắm sông, suối của người dân, nhất là các em nhỏ tăng cao. Vì vậy, cẩn trọng đuối nước luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Cơ hội kích hoạt tăng trưởng

Thừa Thiên Huế đã, đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp (DN) có năng lực trong ngành công nghiệp chế tạo, chế biến và lắp ráp ô tô. Các kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh của những DN này sẽ trở thành cơ hội kích hoạt tăng trưởng kinh tế địa phương.

Cơ hội kích hoạt tăng trưởng
Return to top