ClockThứ Ba, 22/09/2015 16:26

Phải tỏa được hơi nhạc dân tộc

TTH - Trước hiên nhà đón đầy gió đồng, nghệ nhân Nhã nhạc Nguyễn Quý Cát (phường Hương An, thị xã Hương Trà) gõ từng nhịp trên bàn, cất giọng: “Xừ hò xang xừ họ phạn hò phạn hò xang xừ/ xàng cống xê xang họ xừ…”. Đó là cách ông bắt đầu câu chuyện về niềm mê suốt đời của mình - nhạc cổ truyền thống Huế.

Nghệ nhân Nguyễn Quý Cát. Ảnh: Trọng Bình

Ông bảo: Trong nhà không có ai theo những nốt nhạc này. Bản thân ông, trong một lần vào chơi Đại Nội, được xem đội nhạc biểu diễn, thích quá rồi xin theo học luôn. Thời điểm ấy, ông Nguyễn Quý Cát vừa xong lớp đệ tứ. Không có bất cứ khái niệm âm nhạc nào nên trước khi được nhận vào lớp đàn nhị, ông phải cấp tốc theo một lớp ký âm ngắn hạn trong mấy ngày hè. Qua 5 năm rèn luyện ở hệ trung cấp, đúng lúc nhà trường mở lớp đầu tiên về sư phạm ngành âm nhạc (tiền thân của Học viện Âm nhạc hôm nay), ông theo học luôn. Chính niềm mê này mà sau khi đất nước giải phóng, ông đã bỏ ngang lớp đại học y và quyết định ôm đàn theo học thầy Trần Kích. Đó cũng là cái duyên để ông rẽ vào nghiệp giảng dạy về âm nhạc truyền thống ở Học viện Âm nhạc Huế cho đến ngày nghỉ hưu. Thời gian qua, ông Nguyễn Quý Cát là một trong những thành viên quan trọng với nhiệm vụ chính là thẩm định âm nhạc, cùng cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện sưu tầm những bài bản âm nhạc truyền thống cung đình Huế đang tản mát trong dân gian.

Ơn thầy Trần Kích

Thấm được những nốt nhạc truyền thống, trò Nguyễn Quý Cát ngày xưa phải xách đàn theo học rất nhiều thầy. Người có ảnh hưởng đến nghệ nhân Nguyễn Quý Cát hôm nay nhiều nhất chính là NSUT Trần Kích – nghệ nhân được mệnh danh là “Hiệp sĩ” của Nhã nhạc Huế. 

Kể về người thầy “Hiệp sĩ”, ông Cát tự hào: “Thầy Kích chỉ giỏi nốt nhạc sơ sơ nhưng tay nghề của ông lại cực giỏi. Sau khi tui được học căn bản chính tả đàn tranh, thầy Kích sai tui ghi giúp thầy nốt tân nhạc những bài đàn nhị. Cả mấy chục bài nhạc đàn nhị của thầy, thầy đánh tui nghe hết. Xong nhị, thầy lại sai ghi thêm mấy chục bài đàn bầu. Xong bầu, thầy lại sai ghi giúp thầy nốt nhạc cho đàn nguyệt. Cứ rứa, hễ có thời gian là tui lại được thầy sai ghi nốt nhạc hết nhạc cụ ni qua nhạc cụ khác mà thầy biết bài, sung sướng vô cùng. Những bài nhạc được ghi nốt đó, thường được thầy dùng để dạy cho những người đánh nhạc lễ ở ngoài, không ngờ tui lại may mắn có được cơ hội tiếp thu. Thầy chỉ diễn theo trí nhớ, khi thì bằng nhạc cụ, khi thì đọc rõ “hò xự xang…”, nhưng cũng có khi chỉ là “tè tẹ te…”, rứa mà mười lần như một. Nhờ thầy tin tưởng sai việc nên tui luyện được khả năng ghi nốt nhạc nhuần nhuyễn”.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi đôi khi bị ngắt quãng do những cuộc điện thoại đến hỏi ý nghệ nhân Cát về việc thu bản nhạc nào đó bị lỗi. Dòng mạch cũng theo đó mà có những “ngã rẽ”. Ông trăn trở: Việc thu bản nhạc của cán bộ nghiên cứu hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn vì không phải nghệ nhân nào cũng vui vẻ đánh lui, đánh tới cho nghe. Nhiều người cố ý giấu nghề, chỉ dạo một vài nhịp cho có lệ rồi thôi, cái quan trọng nhất thì họ giữ lại. Đây chính là nguy cơ lớn nhất khiến những bài bản cổ bị thất truyền. 

Nền tảng để thấm cái hồn nhạc cổ

Đã nghỉ hưu nhưng với nghệ nhân Nguyễn Quý Cát, không có nghĩa là đã thôi trăn trở với những nốt nhạc dân tộc. Xoay quanh những bài bản cổ đang được sưu tầm, phục hồi, nghệ nhân bảo, đến thời điểm này Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã làm được những việc quan trọng nhất. Ông nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là từ những bài bản đó, làm thế nào để anh em nhạc công trẻ hôm nay thể hiện được “hơi nhạc” dân tộc mới khó. Ông nói: “Mỗi thầy có một phá cách riêng nhưng cốt lõi là họ vẫn giữ được hơi nhạc. Để thấm được cái hơi ấy, nhạc công phải không ngừng tự tìm tòi và phải được nghe người đi trước đánh nhiều lần, nếu không thì có đánh cả đời, chơi đúng nhịp nhưng cũng không ra được hơi nhạc. Với anh em nhạc công, không còn cách nào khác là phải không ngừng luyện tay nghề và cả tai nghe của chính mình”.

Nghệ nhân Cát lại kể về chuyện xưa. Ngày ấy, thế hệ của ông được học môn xướng âm nhạc cổ rất kỹ, là nền tảng vững để mỗi học viên thấm được cái chất, cái hồn của nhạc cổ. “Giờ thì khác, anh em được học và diễn nhạc cổ theo “đồ mi pha son…” nên nguy cơ lai theo nhạc Tây là rất lớn. Thực tế, nhiều nhạc công lên dây rất đúng cung, diễn nhạc đúng bài bản cũ nhưng khi tấu lên thì lại ra âm theo nhạc Tây. Lỗi này vẫn chưa sửa được. Đây là vấn đề đáng lo nhất”, nghệ nhân Nguyễn Quý Cát trăn trở.

Theo ông Cát, hiện nhiều nhạc công nước ngoài thể hiện bài bản nhạc cổ của Huế trên nền tân nhạc. Để quảng bá văn hóa và hòa nhập, chúng ta phải chấp nhận điều đó. Ông cũng nhắn nhủ: “Khi nhạc công của Huế chơi nhạc trên đất Huế hay ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, cần nhất là phải thể hiện cho được những bài bản đó theo đúng âm nhạc truyền thống, phải tỏa ra được hơi nhạc dân tộc bằng những chất rung, vỗ, láy… trong mỗi nốt nhạc. Đó cũng là yêu cầu mà công tác bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc truyền thống hôm nay cần hướng đến”.

THU THỦY
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

  • Loa jbl chính hãng
Return to top