ClockThứ Sáu, 03/06/2016 14:21
DIỄN GIẢ THANH TÙNG:

Phải tự khai phá mình...

TTH - “Khi nói chuyện với sinh viên Huế, mình thấy vừa lo vừa buồn. Nếu không năng động là không sáng tạo nhưng nhiều khi chính văn hóa người Huế đã dạy cho sinh viên phải lễ phép mà lễ phép tới độ bó trong cái khuôn đó luôn”, diễn giả Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức (Knowledge Management Institute - KMI), TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ xung quanh câu chuyện về sự rụt rè và thiếu tự tin của sinh viên Huế. Đưa ra dẫn chứng cho điều này, diễn giả Thanh Tùng nói:

Diễn giả Nguyễn Thanh Tùng

Thí dụ khi nói chuyện với thầy, nhiều sinh viên Huế tỏ ra khép nép và không sẵn sàng phản biện. Điều này mình không đồng ý, vì khi dạy cần phải có sự phản biện ở hai bên. Thầy sẽ chứng minh điều thầy nói là đúng hay sai và em cũng chứng minh là em đúng hay sai. Cách học như vậy làm cho hai bên đều thỏa mãn và học sinh nhớ rất lâu vì được phản biện và ghi vào trong não của mình thông tin đó. Còn ở đây, nhiều khi mấy em nói với mình mà rụt rè, sợ sệt làm cho việc dạy mất đi hứng thú và tương lai các em khó mà bước vào những tập đoàn lớn. Mình rất lo chuyện đó.

Bên cạnh văn hóa Huế, môi trường êm đềm của Huế có phải là nguyên nhân tạo ra sự rụt rè và không năng động ở sinh viên không, theo anh?

Không, không phải vì môi trường thanh bình ở đây mà chính là văn hóa. Văn hóa Huế ngàn năm nay, người lớn nói là đúng cho nên tạo cho nhiều sinh viên sự rụt rè và thiếu đi sự sáng tạo. Việc học cần học sinh phải phản biện nhưng nếp nghĩ đó đã “trói chân” rồi chứ không phải vì môi trường êm đềm! Phải tin thế hệ trẻ và một khi được trao niềm tin, họ sẽ bứt phá ghê lắm. Vấn đề bây giờ là phải làm sao khai sáng cái đó. Sắp tới, mình sẽ có buổi nói chuyện với sinh viên Huế về kỹ năng sáng tạo. Đã sáng tạo rồi thì không còn chuyện bị lệ thuộc nữa; văn hóa là để tiến lên, để chứng minh sự năng động, để có thể hội nhập được. Để các công ty nước ngoài đến đây đầu tư thì mình phải năng động, phải tự mình sáng tạo thì mới tìm đường đi và mới thoát nghèo vươn lên được.

Nhưng để sáng tạo không phải dễ. Anh có lời khuyên nào cho sinh viên Huế để có thể bắt đầu sáng tạo?

Để sáng tạo thì phải nghĩ khác đi. Mình hay bị thui chột bởi cái tôi của ta lớn quá. Chúng ta gạt hết những đóng góp ý tưởng, suy nghĩ của người khác thì làm sao sáng tạo?! Người sáng tạo là người phải biết lắng nghe những người bên dưới và coi họ là một ý kiến giá trị. Chính vì đánh giá cao ý kiến của họ thì mình mới sáng tạo ra một giải pháp còn tốt hơn giải pháp của người đó, dựa trên nền tảng của người đó, và lúc đó, mình năng động hơn. Xã hội rất là mở, lắng nghe để mà làm.

Với đối tượng sinh viên, mình muốn các em phải thay đổi về cách nghĩ bởi không phải sách vở, người lớn là đúng, thầy chưa chắc đã đúng. Chính khi đi dạy, mình cũng nói với sinh viên là thầy chưa chắc đã đúng, nếu thầy không đúng thì em phản biện đi và thầy sẽ chứng minh; còn nếu em chứng minh được em đúng thì thầy sẽ học em. Nếu vậy, xã hội sẽ phát triển và khai phá ra năng lực của con người. Đừng có đợi, tài không đợi tuổi và như vậy sẽ trì trệ.

Anh nghĩ sinh viên Huế có những điểm mạnh nào cần phát huy và điểm yếu nào cần khắc phục?

Sinh viên Huế cần cù, thông minh; tuy nhiên, cái yếu là sự rụt rè và ngoài ra, cái cần là phải biết phản biện, biết bảo vệ cái mình mong muốn, đam mê. Thiếu nhiều sân chơi nên sinh viên Huế hình như ráng học cho giỏi và nghĩ rằng học giỏi sẽ đạt được một cái gì đó. Theo mình, không nên đặt nặng học giỏi mà cái cần là hoạt động thực tế giỏi vì nếu sinh viên năng động, ra ngoài lấy tri thức mình học được và vận dụng vào thì khi đó họ sẽ phá vỡ quy luật cũ. Khi thế giới mở cửa và Huế cũng đang thu hút các nhà đầu tư vào, họ sẽ cần những con người bản địa năng động, có đủ sức, đủ tầm, đủ lực chứ người mà chỉ biết “chỉ răng làm rứa” thì khó mà đầu tư dài hơi được.

Anh còn có lời khuyên gì cho sinh viên Huế để họ trở nên mạnh dạn, năng động, sáng tạo?

Tôi từng gặp những bạn khi trình bày không biết trình bày cái gì - nghĩa là muốn đưa quan điểm, chính kiến, giải pháp nhưng nói một hồi không ai hiểu gì cả, cứ nói lòng vòng. Người Việt mình là vậy, riêng người Huế thì càng lòng vòng nhiều và sự lòng vòng đó làm cho khả năng giao tiếp và trình bày cũng lòng vòng, không đi vào trọng tâm. Cần gì thì phải nói chính xác và trực tiếp, phải nói rõ, cụ thể, súc tích cái mình muốn chia sẻ, trình bày và bỏ “kính thưa” đi. Thậm chí có người còn soạn ra giấy rồi đọc. Đi làm với nước ngoài không có chuyện đó mà mình phải định hình trong đầu, đó là kỹ năng, là năng lực của một người. Mình nói bằng tri thức của mình, bằng kinh nghiệm của mình thì nói, còn phải nói theo ai đó thì ai nói chẳng được. 

Lời khuyên của mình là đừng chờ ai cứu mình mà tự mình phải vận động. Các bạn phải tự khai phá mình, tự đi lên, tự phát triển, không được chờ ai hết mới hy vọng bạn đi nhanh được và đó cũng là kỹ năng tự chủ, tự làm việc, tự lãnh đạo.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hà (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếc cho một sân chơi

Là một thành phố có nhiều trường đại học, cao đẳng, ngay từ những năm 1980 của thế kỷ trước, bóng đá sinh viên Huế đã phát triển mạnh, trở thành một sân chơi tạo dấu ấn sâu đậm trong các phong trào văn hóa - thể thao của sinh viên Huế.

Tiếc cho một sân chơi
Một thời, rock sinh viên Huế

Năm 2006, ở Huế một phong trào nhạc rock sinh viên đã nổi lên như một cơn lốc. Hầu như các trường đại học thuộc Đại học Huế đều có ban nhạc rock. Họ chơi nhạc khá chuyên nghiệp, biểu diễn nhiều nơi công cộng, thu hút hàng chục ngàn người xem.

Một thời, rock sinh viên Huế
Máy gieo đậu phộng của sinh viên Huế

Chiếc máy gieo hạt đậu phộng thay người nông dân làm các khâu xới đất, thả hạt và lấp đất theo lối, tăng năng suất lao động, giảm công sức người nông dân.

Máy gieo đậu phộng của sinh viên Huế
Return to top