ClockThứ Năm, 18/06/2015 17:58

Phạm Bá Thịnh - Gương mặt thân quen của làng báo

TTH - Không chỉ với Thừa Thiên Huế, ảnh Phạm Bá Thịnh còn xuất hiện khá đều đặn trên hàng chục tờ báo từ bắc chí nam. Không sắp đặt, cứ ghi lại cuộc sống tự nhiên như nó vốn có. Những bức ảnh của anh vừa đậm tính báo chí lại vừa đậm chất nghệ thuật nên được các báo rất thích.

Khi tờ báo này ra mắt bạn đọc, trên trang facebook của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Bá Thịnh, “Mỗi ngày một ảnh” đã đạt đến con số 484.

Trong thời đại kỹ thuật số, mỗi ngày một ảnh tưởng dễ mà không hề dễ. Bởi những bức ảnh của Phạm Bá Thịnh không đơn giản là những bức ảnh… cho vui như vẫn thường thấy xuất hiện vô số kể trên “face”, mà là những bức ảnh đạt đến hàng- tác-phẩm. Những bức ảnh mà chỉ cần nhìn vào sẽ biết người đã sáng tạo ra nó phải là một tay máy giàu kinh nghiệm, giàu tâm hồn và thừa nhiệt huyết.

Hơn hai mươi năm về trước, khi mới bước chân vào làng báo tôi đã nghe tiếng Phạm Bá Thịnh. Báo Thừa Thiên Huế hồi ấy mỗi tuần 1 số, sau lên 2 số rồi 3 số…, cái tên Phạm Bá Thịnh xuất hiện khá thường xuyên cùng với một số CTV ảnh khác như Thanh Tú, Huỳnh Mẫn, Nguyễn Văn Vinh, Minh Tuất… Không chỉ với Thừa Thiên Huế, ảnh Phạm Bá Thịnh còn xuất hiện khá đều đặn trên hàng chục tờ báo từ bắc chí nam. Không sắp đặt, cứ ghi lại cuộc sống tự nhiên như nó vốn có, và hễ đã đưa máy lên là biết mình chụp gì, đặt tên cho nó ra sao, bố cục, góc máy phải thế nào…Có lẽ đó là lý do khiến những bức ảnh của Phạm Bá Thịnh vừa đậm tính báo chí lại vừa đậm chất nghệ thuật nên được các báo rất thích. Nhiều tờ báo, kể cả những tờ báo lớn kết nối “đặt hàng” anh. Riêng tờ Tuổi trẻ, như anh tiết lộ, hễ có bài về Huế là Thư ký Tòa soạn Nguyễn Trọng Chức phải gọi bằng được Phạm Bá Thịnh để “hỏi” ảnh Huế.

NSNA Phạm Bá Thịnh. Ảnh: Lê Minh Diệu

 
Phạm Bá Thịnh hiện là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Huế;
 
Hội viên Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế;
 
Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; Hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế (FIAP);
 
Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Tước hiệu: Nghệ sĩ xuất sắc – Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ( E. VAPA)
 
Nghệ sĩ xuất sắc – Hạng Bạc – Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (E. FAP/s)
 
Nguyên Ủy viên Ban lý luận –phê bình –Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. K.VII.
 
Có hơn 100 giải thưởng các loại trong nước và quốc tế.

- “Là giảng viên đại học, cơ duyên nào lại đưa anh đến với nhiếp ảnh và trở thành một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp?” Câu hỏi của tôi vô tình đưa anh trở về với kỷ niệm của một thuở học trò Quốc Học. Niên khóa 1972-1973, lúc ấy Phạm Bá Thịnh là học sinh đệ nhị (lớp 11 bây giờ). Thầy Phan Khắc Tuân, Hiệu trưởng và là thầy dạy lý hóa, là một người thích chơi ảnh. Ông đã có ý tưởng mở các lớp năng khiếu miễn phí vào các chiều thứ bảy. Phạm Bá Thịnh đã chọn lớp nhiếp ảnh do chính thầy Tuân dạy. Trong trí nhớ của anh, thầy Tuân dạy rất cơ bản, từ cấu tạo máy, ống kính, phim, ảnh… Sau đó là những buổi thực hành, sáng tác. Lớp năng khiếu của thầy Tuân đã tổ chức được một cuộc triển lãm ảnh của học sinh tại vị trí đầu cầu Trường Tiền, nay là nhà sách Phú Xuân. Rất vui và tạo được sự khích lệ cho các em học sinh… Mê ảnh nhưng không có điều kiện để chơi, song những khuôn hình thì vẫn luôn ám ảnh Phạm Bá Thịnh. Năm 1981, từ Đại học Sư phạm Huế ra Hà Nội học, trong những ngày xa quê, chơi với nhau trong nhóm bạn đồng hương, nhờ chiếc máy của anh Nguyễn Khoa Sơn, Phạm Bá Thịnh lại có cơ hội thực hành với những bức ảnh lưu niệm…

Năm 1988, khi cuộc sống chung đang còn hết sức khó khăn, người thầy giáo Phạm Bá Thịnh quyết định gom góp đầu tư cho mình một chiếc Zenit của Nga. “Mục đích đầu tiên là định làm thêm cải thiện cuộc sống gia đình. Nhưng ôm cái máy ra khỏi nhà, thấy chi đẹp là lại chụp, cuối cùng mục đích… phá sản”-Phạm Bá Thịnh cười với hồi ức. Nhưng bù lại, những bức ảnh của anh gửi đi dự thi, gửi đi cộng tác với các báo đều đã lập tức được chọn in và rinh giải. Đó là động lực để anh tiếp tục rong chơi với ánh sáng, với bố cục, khuôn hình… “Tiền nhuận bút, tiền giải thưởng nói chung cũng bù được tiền phim, tiền giấy. Cứ ‘lấy nó nuôi nó’ nên mình chơi được lâu dài”- Phạm Bá Thịnh lại cười hiền.

Mấy chục năm cầm máy, giờ đây Phạm Bá Thịnh đã tích lũy được một kho ảnh “không thể đo đếm”. Tên tuổi anh đã có một vị trí đáng kể trong làng nhiếp ảnh, được đồng nghiệp nể trọng và công chúng yêu mến. Với ý tưởng “Mỗi ngày một ảnh”, Phạm Bá Thịnh muốn tranh thủ mạng xã hội để chia sẻ những tác phẩm của mình. Mỗi bức ảnh, anh muốn chuyển tải đến người xem một thông điệp về cuộc sống, suy nghĩ về một vấn đề nào đó, hay đơn giản là trao đổi về quan niệm, về kinh nghiệm nhiếp ảnh… Rất vui là ý tưởng của anh đã nhận được rất nhiều sự sẻ chia, đồng cảm của bạn bè, người xem. Ngoài ra, anh còn công bố ảnh của mình trên trang Flickr tại địa chỉ www.flickr.com/photos/phambathinh để chia sẻ được nhiều hơn và rộng rãi hơn các tác phẩm của mình cho những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật này.

Chiếc máy ảnh với Phạm Bá Thịnh đã trở thành vật bất ly thân. Như đã thành thói quen không thể bỏ, mỗi một ngày, anh đều “phải” ôm máy ra khỏi nhà. Và ít nhất phải mang về một bức ảnh. “Đó phải là góc nhìn mới, khuôn hình phải nắn nót, không lặp lại ai và cũng không lặp lại chính mình”- Phạm Bá Thịnh bày tỏ sự khó tính của mình trong nhiếp ảnh. Không kể ảnh đơn, riêng ảnh bộ, kho ảnh của Phạm Bá Thịnh đang “tàng chứa” những bộ ảnh rất đáng xem: Chân dung văn nghệ sĩ; Những khoảnh khắc đời thường; Huế với những góc nhìn mới; Sông nước; Rừng và sinh kế; Lễ hội…

Cũng với niềm đam mê nhiếp ảnh, anh chẳng nề hà sắp xếp thời gian trao đổi kinh nghiệm với một nhóm bạn trẻ yêu thích nhiếp ảnh tìm đến anh qua facebook; hoặc mở những khóa học cho các bạn sinh viên, các đồng nghiệp có sở thích chụp ảnh ở Đại học Sư phạm Huế-nơi anh công tác. Tất cả đều miễn phí. Phạm Bá Thịnh nói trước lúc chia tay: Đó cũng là một cách tôi trả ơn thầy, bởi trước đây, từ thầy mà tôi được tiếp xúc, được làm quen với chiếc máy ảnh và trở thành một Phạm Bá Thịnh như bây giờ…

Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top