ClockThứ Tư, 08/02/2023 06:06

Phạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử

TTH - Với cậu học trò Trường THPT Thừa Lưu (Phú Lộc) Phạm Đức Lương, việc học không đơn thuần chỉ là thu nạp kiến thức, đó còn là hành trình chinh phục và vượt qua những thách thức của bản thân.

Nghị lực của cậu học trò khuyết tậtNhớ ngày tựu trường

Phạm Đức Lương ghi dấu ấn với chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: NVCC

Đam mê lịch sử

Là anh cả trong gia đình, dù hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ba mẹ của Phạm Đức Lương vẫn luôn đồng hành cùng cậu học trò nhỏ trên con đường học tập và rèn luyện. Đức Lương chia sẻ: “Ba mẹ em làm nghề buôn bán, cuộc sống vất vả vì phải lo cho em và 2 em trai ăn học. Sự vất vả và cả những lời động viên của ba mẹ chính là động lực lớn nhất thúc đẩy em nỗ lực học tập”.

Vượt qua rào cản tính cách rụt rè, đặc biệt sợ những nơi đông người, Phạm Đức Lương kiên trì, bền bỉ không ngừng với niềm đam mê học tập, nhất là với bộ môn lịch sử. Với Đức Lương, nhờ sự phát triển của khoa học, công nghệ và các bài giảng trên lớp, em đã nhanh chóng tiếp cận những kiến thức lịch sử từ trong nước đến các quốc gia trên thế giới. Từ niềm đam mê này, Phạm Đức Lương xuất sắc vượt qua nhiều thí sinh để đến với vòng chung kết Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Tuy đam mê với bộ môn lịch sử, đặc biệt là những kiến thức lịch sử về Bác nhưng lúc bước vào vòng chung kết, Đức Lương vẫn rất lo lắng vì kiến thức vô cùng khó và đa dạng. “Lúc đó, các thí sinh còn lại thể hiện khả năng vô cùng tốt. Em cứ tự động viên mình cố gắng, cố gắng hơn nữa và không được bỏ cuộc”, Đức Lương kể.

May mắn đã mỉm cười với cậu học trò nhỏ của Trường THPT Thừa Lưu. Khi nhận được thông tin đạt giải, Phạm Đức Lương đã ngỡ ngàng và vỡ òa hạnh phúc. Em đã giành được giải tư của cuộc thi, một thành quả xứng đáng với niềm đam mê lịch sử mà bản thân theo đuổi.

Vun đắp ước mơ

Cũng trong năm 2022, Phạm Đức Lương đã giành được cơ hội tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22. Là lần thứ 3 Trường THPT Thừa Lưu có đại diện tham gia chương trình, đây vừa là khó khăn, thách thức, vừa là cơ hội để Phạm Đức Lương vượt qua nỗi sợ, chiến thắng bản thân.

Cũng như hoài bão của rất nhiều cô, cậu học trò, chương trình Đường lên đỉnh Olympia là ước mơ từ bé của Phạm Đức Lương. Với nền tảng kiến thức đa dạng và quá trình dài ôn tập, rèn luyện không ngừng nghỉ, Đức Lương đã từng bước thể hiện bản thân thông qua cuộc thi tuần và cuộc thi tháng.

Em kể: “Ngày ghi hình cuộc thi tuần em vô cùng lo lắng. Vừa mới bước vào trận đấu, em đã sốc vì chưa có kinh nghiệm trước ánh đèn sân khấu, máy quay cũng như sự có mặt của rất nhiều khán giả, cả thầy cô và bạn bè. Nỗi sợ và sự lo lắng ấy càng tăng lên gấp bội khi em đứng cuối cùng sau phần thi khởi động”.

Từng bước vượt qua nỗi sợ, từ vị trí cuối cùng, Đức Lương đã vươn lên dẫn đầu sau vòng thi tiếp theo và kết thúc cuộc thi tuần ở vị trí thứ 2. Với kết quả đó, Phạm Đức Lương đã có 1 vé vào vòng thi tháng với tư cách là thí sinh có điểm nhì cao nhất. Trong cuộc thi này, trước các đối thủ đầy tài năng, cậu học trò Trường THPT Thừa Lưu đã dừng chân với vị trí thứ 3.

Nhìn hình ảnh rạng rỡ của cậu học trò nhỏ hiện nay, dấu vết của sự rụt rè, sợ nơi đông người hầu như không còn. Có lẽ từng bước chân đi, những cảm xúc òa vỡ trên hành trình của các cuộc thi đã để lại dấu ấn, mang đến kinh nghiệm, sự tự tin và cả những hành trang quý giúp Phạm Đức Lương chiến thắng bản thân, tìm thấy cho mình niềm vui và gặt hái được những thành quả. Và có như thế, mơ ước trở thành chính trị gia, đóng góp cho quê hương, đất nước của Đức Lương mới có cơ hội trở thành hiện thực.

Thầy giáo Trần Văn Hùng, Bí thư Đoàn Trường THPT Thừa Lưu cho biết: “Là đoàn viên học sinh đầu tiên của Trường THPT Thừa Lưu vinh dự nhận bằng khen từ cấp tỉnh đến Trung ương Đoàn, Phạm Đức Lương đã trở thành niềm tự hào và là gương nghị lực từ cách học đến cách vượt qua thách thức, chiến thắng bản thân. Với tinh thần học tập ấy, Phạm Đức Lương không chỉ 11 năm liền là học sinh giỏi mà còn đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp tỉnh niên khóa 2021-2022”.

Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Cô học trò nhỏ đam mê robot

Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Cô học trò nhỏ đam mê robot
Thỏa đam mê & phát triển toàn diện

Để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng, các trường học đã hình thành nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB), từ CLB học thuật đến sở thích. Không chỉ thỏa niềm đam mê, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, các CLB còn giúp học sinh hình thành năng lực, phẩm chất từ sớm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thỏa đam mê  phát triển toàn diện
Return to top