ClockThứ Sáu, 02/09/2016 12:00

Phạm Khắc Hòe với sự kiện Hoàng đế Bảo Đại thoái vị

TTH - Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công, chúng ta mãi mãi ghi nhớ công lao của cụ Phạm Khắc Hòe – một vị nhân sĩ yêu nước, tiến bộ, bằng hành động và cách ứng xử đúng đắn của mình đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự sụp đổ nhanh chóng nền quân chủ nhà Nguyễn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Nguyên Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ Phạm Khắc Hòe (người đi sau Bác Hồ) trong một chuyến đi Pháp. Ảnh: dantri.com.vn

Nhằm hưởng ứng chỉ thị của Đảng và Mặt trận Việt Minh về khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước khi thời cơ đến, trong những ngày tháng Tám năm 1945, tại Huế, Việt Minh Thừa Thiên Huế dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy đã nhanh chóng triển khai và phân công nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân nổi dậy, trong đó, đặc biệt coi trọng việc tìm cách liên hệ, kết nối và vận động Hoàng đế Bảo Đại chấp nhận thoái vị, nhường quyền quản lý cho chính quyền cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường khí thế cho cuộc phát động khởi nghĩa ở Huế nhanh chóng thành công. Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế đã cử ông Tôn Quang Phiệt làm nhiệm vụ móc nối, liên hệ với nhà vua thông qua Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe, một người có tư tưởng yêu nước và tiến bộ, là người thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các nhà cách mạng như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Đăng Lưu, Tôn Quang phiệt…, lại trực tiếp làm việc bên cạnh Bảo Đại nên dễ dàng nắm bắt và thực hiện. Được biết, cụ Phạm Khắc Hòe sinh ra, lớn lên vào những năm đầu của thế kỷ XX ở vùng quê Đức Thọ - Hà Tĩnh giàu truyền thống yêu nước và trưởng thành trong một gia đình khoa bảng. ông đã từng học chữ Nho, rồi sau đó chuyển sang học chữ Pháp và Quốc ngữ, đỗ bằng Tiểu học Pháp – Việt (Primaire  – 1918), rồi tốt nghiệp Cao đẳng Pháp luật và Hành chính Hà Nội (1925). Sau đó, ông được phân công làm Tham tán Tòa sứ và lần lượt làm việc ở Huế, Qui Nhơn, năm 1933 thì chuyển sang ngạch quan lại Nam triều ở Đà Lạt, mãi năm 1940 mới chuyển về Huế. Đến năm 1944, ông được vua Bảo Đại tiến cử đảm nhận chức vụ Đổng lý Ngự tiền Văn phòng (quan Thượng thư) tại triều đình Huế.  

Trong những ngày cuối tháng Tám năm 1945, trước sức ép của hàng vạn đồng bào ở các huyện, phủ của Thừa Thiên  đang nổi dậy kéo về thành phố Huế, bao vây các công sở, trại lính của chính quyền phong kiến – thực dân, cùng với bản Tối hậu thư của Việt Minh Thừa Thiên Huế gửi cho Bảo Đại buộc nhà vua phải nhanh chóng lựa chọn con đường thoái vị và nhường quyền lãnh đạo cho chính quyền cách mạng, đã làm cho Bảo Đại càng thêm hoang mang. Tối hậu thư viết: “Lực lượng cách mạng Việt Nam khắp cả nước và ở Thừa Thiên-Huế đã sẵn sàng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Quân Nhật đã đầu hàng không có quyền lực gì ở Việt Nam và chính quyền Nam triều càng không thể tồn tại được nữa. Yêu cầu chính quyền Nam Triều phải giải tán và vua Bảo Đại phải tuyên bố thoái vị ngay. Chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân tuyên bố bảo đảm tính mệnh và tài sản cho Hoàng gia và toàn thể nội các, kể cả gia đình họ. Đối với lăng tẩm của các vua ngày truớc cách mạng vẫn giữ nguyên vẹn, không làm gì hư hại. Hạn trả lời chậm nhất là 13 giờ 30 ngày 23 tháng 8 năm 1945. Ông Phạm Khắc Hòe được Việt Minh chỉ định làm người liên lạc giữa nhà vua và chính quyền cách mạng”. Bức điện của Việt Minh cùng những lời hô hào vang như sấm dậy của mấy vạn quần chúng đang biểu tình khắp thành phố càng khiến tâm trạng vua Bảo Đại rối bời. Điều này đã tiếp thêm cơ hội dễ dàng cho Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe tiến hành trấn an, lý giải, thuyết phục, lôi kéo nhà vua bằng nhiều hình thức và biện pháp khôn khéo để cuối cùng buộc nhà vua phải giác ngộ về con đường giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo, chấp nhận rời bỏ ngai vàng, tránh nghe theo những lời xúi giục của những kẻ muốn chống lại Việt Minh… Từ đó, Bảo Đại đã đồng ý và giao cho Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe thay mặt nhà vua trực tiếp tiếp xúc, trao đổi và phúc đáp các yêu cầu của Việt Minh, đồng thời tiến hành soạn thảo  Chiếu thoái vị để thông báo với Việt Minh cùng toàn dân về sự chấm dứt vĩnh viễn của chế độ quân chủ nhà Nguyễn.

Với tinh thần dân tộc và ý thức về vận mệnh quốc gia, khi nhận nhiệm vụ soạn thảo các văn bản lịch sử, cụ Phạm Khắc Hòe đã nhấn mạnh hai điểm tiến bộ, mang tính nhất quán và cần thiết lúc này cho chính quyền cách mạng: Thứ nhất, tuyên bố nhà vua sẵn sang giao chính quyền cho Việt Minh, là tổ chức đấu tranh nhiều nhất cho quyền lợi của nhân dân và mời Việt Minh về Huế để thành lập nội các. Thứ hai, khẳng định vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau, nhà vua cam đoan sẽ làm theo ý chí của nhân dân (Dụ 105). Còn trong Chiếu thoái vị của nhà vua, cụ Phạm Khắc Hòe đặc biệt chú ý đề cao nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc. Bằng lời lẽ súc tích, cô đọng, cụ Phạm Khắc Hòe đã nói thay cho Hoàng đế Bảo Đại một tư tưởng lớn và dứt khoát rằng “Vì hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Vì nền độc lập của Việt Nam. Để đạt hai mục đích ấy, Trẫm tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả, và ước mong rằng sự hy sinh của Trẫm đem lại lợi ích cho Tổ quốc. Nhận định rằng sự đoàn kết của toàn thể đồng bào chúng ta vào giờ phút này là một sự cần thiết cho Tổ quốc chúng ta, ngày 23 tháng 8, Trẫm đã nhắc lại cho toàn thể nhân dân ta là: Ở giờ phút quyết định này của lịch sử, đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết... Trẫm để hạnh phúc nhân dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm…Trẫm ưng làm dân của một nước độc lập hơn làm vua của một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hi sinh như Trẫm”…Trong bài Chiếu còn có những nhận định đúng đắn và đầy xúc động: “Còn về riêng Trẫm, sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ Trẫm quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc, chia rẽ trong đồng bào của chúng ta”… Chiếu thoái vị của nhà vua được cụ Phạm Khắc Hòe đưa ra niêm yết tại Phú Văn Lâu từ ngày 25/8/1945 và được vua Bảo Đại tuyên đọc trước toàn thể quốc dân, đồng bào vào chiều ngày 30/8/1945, tại lầu Ngọ Môn trong lễ Tuyên bố thoái vị và bàn giao mọi quyền lực cho đại diện chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Phạm Khắc Hòe cùng với công dân Vĩnh Thụy (Bảo Đại) và các vị nhân sĩ, quan lại triều Nguyễn đã đi theo tiếng gọi của Chủ  tịch Hồ Chí Minh và đồng hành cùng với dân tộc“từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, nhằm đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng một nước Việt Nam mới hòa bình, dân chủ, tự do và đã cống hiến cho dân, cho nước trong suốt quãng đời còn lại. Cụ đã được Đảng, Bác Hồ tin tưởng giao nhiều trọng trách khác nhau và đã hoàn thành một cách xuất sắc trên nhiều cương vị công tác, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quí của Đảng, Nhà nước và cụ đã ra đi vào năm 1995 ở tuổi 94.

Nguyễn Đình Dũng

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Sôi động sự kiện khai trương sa bàn The 5Way Phú Quốc - Life Concepts

The 5Way Phú Quốc là một trong những siêu dự án bất động sản được săn đón hiện nay. Sự kiện khai trương sa bàn The 5Way Phú Quốc - Life Concepts đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Cùng theo dõi những thông tin chi tiết bên dưới đây.

Sôi động sự kiện khai trương sa bàn The 5Way Phú Quốc - Life Concepts
Tắt đèn, "bật sáng" tương lai

Trở thành sự kiện thường niên, “Tắt đèn” nằm trong chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 diễn ra từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày thứ Bảy (25/3). Với sự kiện này, năm nay được Bộ Công thương phát động với thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen” nhằm lan tỏa tinh thần chung tay tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đến toàn thể cộng đồng.

Tắt đèn, bật sáng tương lai

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top