ClockThứ Tư, 09/10/2013 18:06

Phản ánh đúng bản chất sự việc

TTH - Sau khi Báo Thừa Thiên Huế đăng bài “Đùn đẩy trách nhiệm giải quyết chế độ cho người lao động”, Công ty TNHH NN MTV Đầu tư & Du lịch Huế (trước đây là Công ty Du lịch Cố đô Huế) có văn bản cho rằng “bài báo phản ánh vấn đề chưa đúng bản chất của sự việc…” Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Một số người lao động (NLĐ) làm việc nhiều năm tại Công ty Du lịch Cố đô Huế được chuyển giao sang làm việc tại Công ty TNHH Haco Huế. Hoạt động kinh doanh của Haco Huế kém hiệu quả, nhiều NLĐ mất việc hoặc bị cho thôi việc, nhưng việc giải quyết chế độ cho NLĐ (có thời gian trước đó làm việc tại Công ty du lịch Cố đô Huế) bị các đơn vị đùn đẩy trách nhiệm… 

Đúng bản chất sự việc

Phải khẳng định, bài báo đã phản ánh đúng bản chất của sự việc. Bằng chứng, bà Mai nói riêng và một số NLĐ nói chung (có thời gian dài làm việc tại Công ty Du lịch Cố đô Huế, nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Du lịch Huế), sau khi bị Công ty Haco Huế cho thôi việc, được chi trả chế độ nhưng chưa đủ (ví dụ như bà Mai). Người hoàn toàn chưa được chi trả (ví dụ như ông N.T.H, nguyên Phó Giám đốc Công ty Haco Huế). Vấn đề này, họ đã có ý kiến với cả hai Công ty. Kết quả, NLĐ được “chỉ qua chỉ lại”. Quyền lợi của NLĐ vẫn thiệt thòi.

Trong văn bản gửi Báo Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH NN MTV Đầu tư & Du lịch Huế trích nội dung công văn số 1777 (thực ra là 1177) của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) về việc chi trả chế độ trợ cấp thôi việc cho bà Mai, viện dẫn các quy định của pháp luật, theo đó, đối với thời gian từ tháng 3/2009 đến tháng 3/2012, bà (Mai) đã được Công ty Haco Huế đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian này không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc. Vậy nhưng, ngày 31/3/2012, bà Mai cùng 6 cán bộ công nhân viên đã nhận trợ cấp thôi việc do Công ty Haco Huế chi trả từ tháng 10/2004 đến 31/3/2012. Sau đó, ngày 20/11/2012, BHXH tỉnh có Quyết định về hưởng chế độ hưu trí hàng tháng đối với bà Mai với thời gian 21 năm 8 tháng.

Bà Trần Thị Như Mai làm việc tại Công ty Du lịch Cố đô Huế từ 1990. Năm 2009, Công ty này bán Trung tâm vui chơi hồ Thủy Tiên (thành lập năm 2004, nơi bà Mai làm việc) cho Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Đầu tư Xây dựng Haco Hà nội, với hình thức góp vốn, thành lập Công ty TNHH Haco Huế. Bà Mai và một số NLĐ khác được Haco Huế tiếp nhận, theo sự chuyển giao NLĐ của Công ty Du lịch Cố đô. Haco Huế ký hợp đồng lao động với những NLĐ này. Tháng 4/2012, Haco Huế cho bà Mai và một số NLĐ thôi việc, đồng thời giải quyết chế độ cho họ 1 năm làm việc là 1/2 tháng lương. Bà Mai có 22 năm công tác, nhưng chỉ được giải quyết chế độ 8 năm, từ năm 2004 đến 2012, còn 14 năm công tác trước đó thì không được giải quyết.

Tuy nhiên, cần xác định, bà Mai chỉ yêu cầu quyền lợi đối với 14 năm (từ 1990 đến 2004) chưa được chi trả chế độ (khi bị cho thôi việc), chứ không hề “đả động” đến thời gian đã được chi trả. Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Tường (nguyên Giám đốc Trung tâm vui chơi hồ Thủy Tiên thuộc Công ty Haco Huế), công ty chi trả chế độ thôi việc cho bà Mai và một số NLĐ khác từ năm 2004 (thời điểm thành lập Trung tâm vui chơi hồ Thủy Tiên thuộc Công ty Cố đô Huế), đến năm 2012, là tự nguyện (quỹ của công ty). Lẽ ra, khi chấm dứt hợp đồng lao động, Công ty chỉ có trách nhiệm giải quyết chế độ cho NLĐ tính từ thời điểm tiếp nhận họ vào làm việc (năm 2009 trở về sau).

Theo Th.s Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, khi NLĐ có đủ thời gian đóng BHXH từ 20 năm trở lên, đồng thời thỏa mãn các điều kiện pháp luật quy định, thì họ đương nhiên được hưởng lương hưu. Theo đó, việc bà Mai được hưởng lương hưu (63%), đồng thời được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc (trách nhiệm của doanh nghiệp) khi bị doanh nghiệp cho nghỉ việc trước độ tuổi nghỉ hưu, là hai chế độ hoàn toàn khác biệt, không thể “đánh đồng” với nhau.

Trở lại Công văn 1177, Công ty TNHH NN MTV Đầu tư & Du lịch Huế trích dẫn rất nhiều nội dung tại công văn này, nhưng lại “quên” Điều 2 mà công văn khẳng định: “Chế độ trợ cấp thôi việc của bà (Mai) công tác từ năm 1990 đến tháng 2/2009 thuộc trách nhiệm chi trả của Công ty Du lịch Cố đô Huế”.

Rộng đường dư luận

Trả lời của Sở LĐ,TB&XH là vậy, thế nhưng, để phản ánh thông tin nhiều chiều, phóng viên (PV) đã liên lạc đăng ký làm việc với ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHHNN MTV Đầu tư & Du lịch Huế. Vì bận đi công tác, ông Thắng giao lại cho bà Nguyễn Thị Dung, kiểm soát viên của công ty. Sau đó, Báo Thừa Thiên Huế đã đăng tải ý kiến của bà Dung (đại diện công ty), bao gồm nội dung Quyết định số 2842 ngày 16/12/2008 của UBND tỉnh, Điều 19 Hợp đồng liên doanh ngày 25/1/2009 (bản do Công ty cung cấp cho PV là ngày 25/1/2009 nhưng bản do Công ty gửi kèm theo văn bản phản ánh lại ghi ngày 15/12/2008. Cả 2 bản đều bị tẩy xóa, sửa chữa ngày tháng) giữa Công ty Du lịch Cố đô Huế và Công ty TNHH NN MTV Đầu tư & Du lịch Huế. Căn cứ vào quy định tại các văn bản này, Công ty TNHH NN MTV Đầu tư & Du lịch Huế khẳng định: Công ty Haco Huế phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ mọi chế độ quyền lợi của NLĐ do công ty này chấm dứt hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, như Báo Thừa Thiên Huế đã thông tin, Th.s Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh lại cho rằng, nếu Công ty TNHH NN MTV Đầu tư & Du lịch Huế vận dụng Điều 19 trong Hợp đồng liên doanh giữa hai công ty, để cho rằng họ không có trách nhiệm với NLĐ là không đúng. Bởi lẽ điều, khoản này nói “kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của NLĐ”, chứ không phải là kế thừa nghĩa vụ của người sử dụng lao động trước đó. Do đó, không thể cho rằng Công ty Haco Huế phải kế thừa nghĩa vụ của Công ty Cố đô Huế trước đây.

Mặt khác, về chuyển giao nghĩa vụ dân sự, Điều 315 Bộ luật Dân sự quy định “bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ dân sự nếu được bên có quyền đồng ý… Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”. Trong trường hợp này, khi Công ty Du lịch Cố đô Huế chuyển giao NLĐ sang cho một công ty khác và có liên quan đến nghĩa vụ chi trả trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp thôi việc cho NLĐ, thì phải được sự đồng ý của NLĐ (bên có quyền). NLĐ có quyền không chấp nhận chuyện chuyển giao nghĩa vụ này và yêu cầu Công ty Du lịch Cố Đô Huế phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình, là chi trả chế độ trợ cấp thôi việc và mất việc.

Việc Báo Thừa Thiên Huế đăng tải nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này là để rộng đường dư luận. NLĐ có thể lựa chọn khởi kiện công ty nào ra Tòa án, để đòi quyền lợi hợp pháp của mình.

Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top