ClockThứ Năm, 10/03/2016 09:53

Phận chim phóng sinh

TTH - Việc bắt chim, buôn bán chim phóng sinh đang là kế sinh nhai của một số người. Nét đẹp phóng sinh không còn ý nghĩa như nó vốn có.

Ở khu vực tượng Quan Âm Phật đài có tới gần 10 người chuyên bán chim phóng sinh

Không chỉ vào những ngày rằm, mồng một, hay lễ lớn mà ngay cả ngày thường tại các địa điểm như chùa Từ Đàm, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, Quan Âm Phật đài (tượng Phật đứng)… thường xuất hiện nhiều người bày bán chim nhốt lồng. Chim được bán để phóng sinh chủ yếu là én, se sẻ…

Mỏi mệt về với tự do

Tôi có mặt ở tượng Quan Âm Phật đài (xã Thủy Bằng, TX Hương Thủy) vào đúng ngày rằm, lượng người đổ về đây để thắp hương, cầu an đông hơn mọi ngày. Vừa bước chân lên bậc cấp để vào chính điện, đã bắt gặp một “đội ngũ” bán chim phóng sinh mời chào, chèo kéo khách.

“Mua chim phóng sinh, tích phước cho con cháu cô ơi!”. Sau những lời mời chào tha thiết của người bán, một phụ nữ trung niên không nỡ rời chân khỏi lồng chim. Sau khi mua hết cả lồng, người phụ nữ nhẹ nhàng xách lồng chim vừa cầu nguyện vừa mở nắp, nhưng lũ chim vẫn đứng yên vì không thể bay ra nổi. Người phụ nữ phải bắt từng con thả ra. Chúng cố gắng cất những đôi cánh mệt nhọc đến những nhánh cây gần đó.

Chim én mắc bẫy 

Nhìn những cánh chim mệt mỏi, nhiều người thở dài: “Chúng đang yên lành, sao đi bắt làm gì rồi phải phóng sinh”. Một phụ nữ bán chim phân bua, không phải chúng tôi bắt đâu, chúng tôi chỉ đi buôn, kiếm đồng lời về nuôi con thôi. Nói rồi, chị nhanh nhẩu mời khách mua những con chim còn lại trong lồng. Khi người mua thả hết số chim, trả lồng, chị lại tiếp tục xách thêm một lồng đầy những chú chim nhỏ xíu, chen chúc nhau trong không gian chật chội, rồi rảo bước qua nơi khác mời khách.

Trước sân, có khá nhiều người bày bán chim nhốt lồng. Mỗi lồng từ 20 – 40 con chim, cũng phần lớn là các loài chim én và se sẻ. Tại góc ghế đá, một phụ nữ mặc áo lam trẻ tuổi “kỳ kèo” với người bán có khuôn mặt đen sạm khắc khổ. Người này dứt khoát: “Đúng 10 ngàn đồng/con, không thể bớt hơn nữa. Chị nói mua hết nên tui mới bán chứ chim phóng sinh làm gì có cái giá đó, không mua thì thôi. Nghe người bán nói vậy, chị phụ nữ nhẹ nhàng: “Em thấy lũ chim non nhỏ tí, nằm chen chúc nhau trong lồng nhìn tội nghiệp quá nên mới muốn mua hết”. Nói rồi, chị lấy ra 250 ngàn đồng để đổi lấy “tự do” cho 25 chú chim non yếu ớt. Trả lại cái lồng không, người phụ  nữ thở dài: “Biết là nếu mình còn mua thì họ còn bắt, còn bán nhưng nhìn những ánh mắt như đang “kêu cứu” của chúng bỏ đi sao đành?!”, trong khi người bán chim thì hớn hở nhận lại chiếc lồng.

Bán hết số chim, đặt những chiếc lồng không vào một góc khuất chị T (quê Hương Trà) hồ hởi: “Giờ còn sớm quá, mới 10 giờ, tui gọi điện cho chồng chở lên thêm vài lồng nữa. Tháng Giêng ở đây tới tối vẫn còn nhiều khách thập phương tới thắp hương”.  Theo chị T, mỗi “tay buôn” ở đây đều có vài mối cung cấp chim. Chim phóng sinh, chị lấy ở gốc giá 5-7 ngàn đồng/con, tùy thời điểm. Chị còn cho biết, từ giờ cho tới tháng ba chim khá rẻ, chủ yếu là chim én. Cũng do nguồn cung dồi dào nên sẵn sàng bán “hạ giá” nếu khách trả chứ ngày thường thì một con bán đúng 15 ngàn đồng. Cũng theo những người bán chim phóng sinh ở đây, họ chủ yếu mua chim ở khu vực Cầu Hai và cầu Bạch Yến, hai vựa chim phóng sinh lớn nhất.

Điệp khúc bắt, thả

Theo chân những người hành nghề bẫy chim én làng An Truyền, xã Phú An (Phú Vang) chúng tôi tìm đến cánh đồng lúa gần chợ Quảng Công, xã Quảng Công (Quảng Điền). Giữa cánh đồng lúa mênh mông, từng cánh én chao lượn, ông P.D (50 tuổi) bắt đầu giăng bẫy.

Bẫy chim én

Ông D cho biết, chim én rất thích ăn sâu bọ, các loài rầy ký sinh ở trên cây lúa, nhất là ruồi xanh. Hiểu được tập tính săn mồi của loài chim này, người bẫy chim bắt ruồi làm mồi để dụ én mắc bẫy. Những chiếc bẫy chim hoạt động theo cơ chế rất dễ dàng, chim én bay đến bắt ruồi thì bị thòng lọng làm từ dây cước siết vào cổ hoặc cánh chim. Một số chim én bị chết nếu không phát hiện dính bẫy sớm. Ông  kể: “Từ khi là một cậu nhóc, ông đã theo cha lang bạt khắp nơi bẫy chim én và gắn bó với nghề từ đó đến nay. Thông thường, chim én bẫy được sẽ mang  đi bán cho những người có nhu cầu phóng sanh. Với giá chim én từ 5.000 – 7.000/con, mỗi ngày, ông kiếm được vài trăm nghìn đồng”.

Vừa trò chuyện một lát, quan sát thấy chim én mắc bẫy đập loạn xạ giữa ruộng lúa, ông D nhanh chóng đi gỡ bẫy. Chỉ trong vòng 30 phút, ông gỡ cả chục chim én mắc bẫy và cố định lại bẫy như cũ. Nhìn thấy cảnh ấy, một nông dân xót xa: “Chim én ăn một số loài gây hại cho cây lúa nên rất có ích. Làm kiểu này bất nhẫn quá chừng”.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, nhà nghiên cứu văn hóa Huế: “Phóng sinh là truyền thống lâu đời của người Huế, ngày xưa phóng sinh thường đi liền với phóng đăng. Phóng sinh là giải thoát cho những con vật đáng lẽ ra phải chết. Nhưng thay vì phóng sinh theo kiểu nghi lễ, chỉ nên phóng sinh tùy duyên, nghĩa là thấy chúng gặp nạn là cứu ngay. Việc săn, bắt những con vật để rồi phóng sinh là hoàn toàn không nên, vì vốn dĩ nó đã có một cuộc sống tự do, tự tại...”.

Để có được những con chim phóng sinh còn nguyên vẹn, những người làm nghề có cách bẫy riêng. Ông T.B (quê Phú Lộc) chuyên làm nghề ở khu vực Cầu Hai cho biết, những người thợ bẫy chim thường dùng một cây sào chữ T gắn một con chim mồi, đặt cây sào lên những cây cao, vị trí có những đàn chim hay lui tới, sau đó dùng điều khiển để con mồi phát ra âm thanh giống chim thật dụ đồng loại. Trên thanh ngang của cây sào bôi sẵn keo dính chim, những chú chim bay tới sẽ bị dính chặt. Còn mùa gặt lúa thì chủ yếu giăng bẫy ở ruộng để bắt se sẻ. “Mùa này én nhiều, tụi tui làm ăn khá lắm, có ngày bẫy được vài trăm con. Chim phóng sinh bán chạy, được giá lại không mang tiếng sát sinh. Chúng tôi bắt rồi chúng cũng được người ta mua thả ra thôi!”, ông T.B bộc bạch.

Trong hàng ngàn, hàng vạn con chim được những người tốt thả ra ấy thì không ít con trở về với thiên nhiên khi không còn lành lặn. Để có những con chim đến tay người thả, ắt sẽ có những con bị chết vì mệt mỏi, giẫm đạp. Đâu đó, ở gốc cây, sân chùa… là xác những con chim “xấu số” chưa kịp được giải thoát.

Theo thầy Thích Thiện Tuệ, Phó Chánh văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Giám tự chùa Quang Minh: “Tất cả mọi loài chúng sinh đều ham sống sợ chết, không có gì quý hơn sinh mạng. Chúng ta phóng sinh tức là trực tiếp giải cứu sinh mạng. Phóng sinh bằng cái tâm, chẳng cần được ai biết đến, chứ đừng theo phong trào, chạy theo chữ danh, muốn cho mọi người thấy để khen ngợi, để được tiếng. Việc bắt chim, đánh cá vì mưu sinh là việc làm không có lựa chọn khác cho một số người. Họ vì nghề nghiệp kiếm ăn và nuôi sống gia đình mà làm.... Vì thế mà làm mất ý đi ý nghĩa vốn có của phóng sinh”.

Bài, ảnh: THẢO - THẠNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phúc lợi động vật

Báo Thừa Thiên Huế đưa tin: 11 giờ ngày 16/3, nhận được tin báo về việc một người dân bán chim trời tại khu vực quán cơm chay Liên Hoa, đường Lê Quý Đôn (TP. Huế), HKL TP. Huế đến hiện trường, mời đương sự về trụ sở làm việc.

Phúc lợi động vật
Tội nghiệp chim én

Đi qua chùa Từ Đàm, xuống dốc Nam Giao, bắt gặp điều này làm cho người viết nghĩ ngợi.

Tội nghiệp chim én
Return to top