ClockThứ Năm, 11/08/2022 13:30

Phân loại rác tại nguồn: Đừng để “đá ném ao bèo” - Bài 2: Để phân loại rác mang tính bền vững

TTH - Phân loại CTRSH tại nguồn là hành động nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn trong việc làm giảm lượng rác thải tại các khu điểm trung chuyển, bãi rác, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí xử lý; đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xây dựng Thừa Thiên Huế văn minh, sạch đẹp.

Phân loại rác tại nguồn: Đừng để “đá ném ao bèo” - Bài 1: Niềm mong chưa cũ

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ giảm tải thời gian và chi phí thu gom, xử lý

Hình thành được thói quen hàng ngày

Phân loại CTRSH tại nguồn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường. Tuy nhiên, để đạt kết quả như mong đợi, đòi hỏi nhiều yếu tố, nhất là khi việc phân loại rác thải mang tính chất “dài hơi”, bền vững; do đó, phải đưa hoạt động này trở thành ý thức, thói quen hàng ngày của người dân.

Một chuyên gia môi trường ở Huế cho rằng, kinh nghiệm ở nhiều nơi triển khai thành công là đẩy mạnh việc vận động tuyên truyền giúp mọi người dân hình thành được thói quen phân loại rác. Một khi chưa trở thành thói quen, nếp nghĩ thì cũng cần một “áp chế” nhất định để đưa vào khuôn khổ, nhất là khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực từ đầu năm 2022. Hơn nữa, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được yêu cầu, như trang thiết bị trung chuyển, thùng túi chứa rác... Hai yếu tố này nếu không triển khai song hành sẽ dẫn đến việc phân loại CTRSH tại nguồn rơi vào tình cảnh "đá ném ao bèo"…

Ông Lê Văn Bằng (P. An Đông, TP. Huế) chia sẻ, mới đây trong dịp qua thăm con ở đất nước Nhật Bản thấy người dân ở đó hàng ngày phân loại CTRSH rất nghiêm túc, tỉ mỉ nên ông chú tâm học tập. Theo ông Bằng, việc phân loại CTRSH tại nguồn đem lại nhiều lợi ích, nhưng hiện nay nhiều người chưa quen thực hiện phân loại rác, bởi thiếu một “áp chế”. Ông chân tình, không có gì là không làm được, nếu cương quyết. Trước đây quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, ban đầu nhiều người không thích, không tuân thủ, nhưng khi bị phạt, lần sau họ sẽ nhớ và thực hiện. Bây giờ mỗi khi ra đường đi xe máy không đội mủ bảo hiểm lại rất khó chịu.

Chị Trần Thị Ngọc Nhung (KQH Bàu Vá, Thủy Xuân, TP. Huế) cho hay, việc hình thành thói quen phân loại CTRSH không khó và chị đã có thói quen phân loại rác sinh hoạt trong gia đình từ lâu. Các loại thực phẩm chị để trong các bịch rác riêng, mang ra ngoài cũng đặt riêng. Theo chị Nhung, khi người dân mất công phân loại đâu ra đó, nhưng đơn vị thu gom không phân loại thì cũng không hiệu quả. Do vậy, để việc phân loại CTRSH bền vững cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên hộ gia đình - đơn vị thu gom - cơ quan xử lý.

Cần chế tài xử phạt

Với dân số hơn 1,1 triệu người và lượng rác thải mỗi ngày không dưới 500 tấn rác sinh hoạt, Thừa Thiên Huế nhiều năm qua đã quan tâm chú trọng đến xử lý, phân loại CTRSH tại nguồn. Nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng “Đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường và thông minh”, vào tháng 6/2020, UBND tỉnh ban hành công văn, kế hoạch hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn và phấn đấu hoàn tất vào cuối năm 2023, nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

Một chuyên gia môi trường ở TP. Huế nêu thực tế, từ những năm đầu thập niên 90 ở Thừa Thiên Huế đã có một số chương trình, dự án trong, ngoài nước đồng hành hỗ trợ thông qua các hội nông dân, phụ nữ tại các xã phường ở Phú Lộc, Quảng Điền, TP. Huế... triển khai các chương trình phân loại CTRSH tại gia đình, nhưng rồi chỉ "đầu voi đuôi chuột". Do đó, khi chương trình phân loại CTRSH lần này khởi động tại TP. Huế, chuyên gia này khá băn khoăn, rất mong các ban, ngành chức năng địa phương đẩy mạnh vận động tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm đạt mục tiêu như kế hoạch đề ra.

Ông Trần Hữu Ân, Phó Giám đốc HEPCO chia sẻ, hiện nay đơn vị đang đồng hành với TP. Huế triển khai phân loại CTRSH tại nguồn song song với việc chuẩn bị tốt các cơ sở hạ tầng, như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải, phân loại rác phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Xây dựng kế hoạch phân chia thời gian, tần suất thu gom từng nhóm chất thải hợp lý; bố trí phương tiện thu gom, vận chuyển đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

Ông Ân nêu quan điểm, để duy trì việc phân loại CTRSH tại nguồn không chỉ ở địa bàn TP. Huế mang tính bền vững, ngoài công tác tuyên truyền sâu rộng xây dựng được thói quen phân loại rác ở người dân, đồng thời có một chế tài cụ thể đối với trường hợp cố tình không chấp hành, hoặc từ chối thu gom chất thải đối với hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ không phân loại CTRSH.

Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Điều phối viên dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa" của WWF, việc phân loại CTRSH tại nguồn là hành động nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Hành động nhỏ chính là việc ai cũng làm được là bỏ rác vào đúng thùng quy định phân loại. Ý nghĩa lớn là góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta, cũng như thay đổi thói quen bỏ rác lẫn lộn lâu nay. Do vậy, cần phải quyết tâm để trở việc phân loại CTRSH thành nếp.

Môi trường là ngôi nhà chung của mọi người. Khi lượng rác thải mỗi ngày một tăng, nếu không thực hiện phân loại rác thải tại nguồn sẽ không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên, gia tăng chi phí xử lý và diện tích chôn lấp…, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí - là những yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và các nền kinh tế.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường, hiện nay ngành đang tham mưu lãnh đạo tỉnh triển khai quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, theo lộ trình để tuyên truyền, vận động để áp dụng bắt buộc phân loại rác thải tại các hộ gia đình và tính phí rác thải theo khối lượng. Những hộ nào không phân loại sẽ không được thu gom; hộ nào phân loại, lượng rác tái chế sau phân loại sẽ được thu gom miễn phí, nếu không sẽ phải trả phí cho toàn bộ lượng rác thải ra...

Việc không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính Theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Sau ngày 25/8/2022, hộ nào không phân loại, không lưu giữ CTRSH theo quy định sẽ bị phạt từ 500 nghìn - 1 triệu đồng.  

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh mẽ ở các nền kinh tế ASEAN+3

Thị trường trái phiếu bền vững của các nền kinh tế thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã mở rộng 29,3% trong năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng 21% của thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và khu vực đồng euro, báo cáo mới vừa công bố ngày 21/3 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết.

Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh mẽ ở các nền kinh tế ASEAN+3
Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia

A Lưới tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Huy động các nguồn lực để đẩy mạnh tiến độ xóa nhà tạm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 12,01%.

Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia
HỆ SINH THÁI THƯƠNG MẠI BỀN VỮNG:
Con đường phục hồi tốt nhất của ASEAN

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia trên toàn thế giới, nhất là ở khu vực châu Á đã chứng kiến những lợi ích to lớn từ toàn cầu hóa. Thương mại đã thúc đẩy các nền kinh tế và sinh kế, giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Con đường phục hồi tốt nhất của ASEAN

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top