ClockThứ Tư, 20/07/2016 06:06

Phân luồng giao thông chưa hợp lý

TTH - Ngoài việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông, việc tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý sẽ góp phần hạn chế tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông trong đô thị.

Với cách phân luồng hiện nay, giao thông ở tuyến đường Điện Biên phủ dễ xảy ra xung đột

Phân luồng ở đường Điện Biên Phủ dễ gây xung đột

Sau khi đường Điện Biên Phủ được chỉnh trang mở rộng, ngành giao thông vận tải đã tổ chức phân luồng giao thông trên tuyến đường này, tuy nhiên việc phân luồng như hiện nay chưa giảm tải cho đường Phan Bội Châu. Theo quy định, căn cứ theo hệ thống biển báo, thì đường Điện Biên Phủ từ Đàn Nam Giao về đến ngã tư Sư Liễu Quán (chùa Từ Đàm), các phương tiện giao thông mô tô, xe máy và kể cả ô tô được lưu thông hai chiều, hạn chế một số loại xe khách và xe tải lưu thông chiều từ Đàn Nam Giao đến Sư Liễu Quán. Đoạn còn lại từ Sư Liễu Quán đến Cầu Nam Giao là đường một chiều, cấm các phương tiện lưu thông. Thực tế, việc phân luồng hiện nay chưa hợp lý. Bởi về lý thuyết, cả đường Điện Biên Phủ, đoạn từ Sư Liễu quán đến cầu Nam Giao có mặt cắt đồng nhất với đoạn đường phía trên, hơn nữa, khu vực giao cắt đường sắt ở tuyến đường này đã được mở rộng thông thoáng hơn. Đây là khu vực tiếp giáp với nhà ga nên việc đóng mở gác chắn thường được thực hiện chủ động và trong thời gian ngắn hơn so với gác chắn khu vực khác. Vì thế, có thể cho phép phương tiện xe máy, xe đạp lưu thông hai chiều, nếu phân luồng như hiện nay, tình trạng tắc nghẽn giao thông ở đường Phan Bội Châu lại càng trầm trọng.

Việc đường Điện Biên Phủ được mở rộng, đường Sư Liễu Quán được chỉnh trang, lượng phương tiện chọn đi tuyến đường này rất đông, thế nhưng khi về đến ngã ba Phan Bội Châu – Sư Liễu Quán thì bị ngắt lại, phải lưu thông qua đường Phan Bội Châu để về khu vực trung tâm thành phố. Hiện nay, mặt cắt đường Phan Bội Châu quá hẹp (7 mét), phương tiện phải đổ dốc với độ dốc lớn, gác chắn tàu ở đây cũng có mặt cắt tương ứng với mặt đường hẹp. Hơn nữa, khu vực gác chắn tàu gần điểm xung đột giao thông với mức độ rất lớn, là ngã tư Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh, và bên kia cầu là chợ Bến Ngự, rất đông người buôn bán. Đó là nguyên nhân làm giao thông ở khu vực này diễn ra hỗn loạn, ùn ứ, đặc biệt là khi có tàu đi qua.

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để phân luồng hợp lý hơn. Nên chăng thí điểm cho đi hai chiều trên đường đối với phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp đoạn còn lại để đánh giá tính hiệu quả của việc chia sẻ gánh nặng ách tắc giao thông cho đường Phan Bội Châu trước khi tính đến phương án lâu dài mở rộng, nâng cấp đường Phan Bội Châu.

Cầu Trường Tiền quá tải

Ở khu vực Kinh thành Huế, đoạn đường trước Cửa Ngăn hiện nay giao thông đi lại phức tạp. Hàng ngày, lượng người vào tham quan Đại Nội rất đông (lên đến hàng nghìn lượt người), song du khách phải chen chân với các phương tiện giao thông theo tuyến đường này vào Kinh thành. Điều đáng nói, không chỉ xe máy mà cả tắc xi, ô tô khách cũng được phép đi vào đón trả khách, đó là nguyên nhân khiến việc lưu thông qua đường của khách tham quan nguy hiểm và tình trạng ách tắc giao thông cục bộ ở đường Đoàn Thị Điểm thường xuyên diễn ra. Để lập lại trật tự và an toàn giao thông, thời gian tới, các ngành chức năng cần nghiên cứu để hạn chế phương tiện ô tô lưu thông tuyến đường này trong giờ cao điểm có nhiều khách tham quan; đồng thời phân luồng giao thông hợp lý hơn nhằm bảo đảm nguyên tắc dành sự ưu tiên cho du khách tham quan đi bộ.

Một thực tế khác, ngành giao thông cũng cần quan tâm đó là việc phân luồng và tổ chức giao thông trên cầu Trường Tiền hiện nay cũng cần được điều chỉnh. Hiện, việc lưu thông trên cầu Trường Tiền vẫn cho phép phương tiện ô tô dưới 7 chỗ qua cầu sau giờ “cao điểm”, nhưng mật độ lưu thông trên cầu dù thời điểm nào trong ngày cũng đông. Với sự hiện diện của phương tiện ô tô trong khi lòng cầu chỉ rộng 6 mét, khiến việc lưu thông khó khăn và dễ xảy ra tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông. Đó là chưa kể, với một cây cầu mang tính biểu tượng văn hóa có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, áp lực của xe ô tô sẽ làm giảm tuổi thọ của công trình. Việc hạn chế phương tiện ô tô là điều ngành chức năng cần tính đến, trước khi nghĩ đến việc cấm hoàn toàn phương tiện cơ giới lưu thông trên cầu và biến cây cầu này chỉ dành cho người đi xe đạp và phố đi bộ trong tương lai.

 THANH QUANG 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024
Đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Ngày 29/2, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho biết, sau hơn 3 ngày rà soát hiện trường tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoàn công tác gồm đại diện lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ II (Bộ Giao thông Vận tải); Cục Cảnh sát Giao thông CSGT (Bộ Công an); Ban ATGT và các phòng ban chức năng tỉnh, cùng Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh… thống nhất các giải pháp bổ sung, điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến.

Đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Return to top