ClockThứ Năm, 04/06/2020 14:00

Phản ứng vội vàng

TTH - TTO (Tuổi trẻ Online) đưa tin: “Sau vụ cây phượng vĩ đổ ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh), một số trường đã đốn bỏ nhiều cây lớn, nhất là phượng vĩ. Sân trường bỗng trở nên ngột ngạt vì thiếu bóng cây”.

Không nên triệt hạ hàng loạt cây phượng đỏ như nhiều trường học ở TP. Hồ Chí MinhCấp bách ngăn ngừa cây xanh đường phố gãy đổ

Phượng vỹ gắn liền với tuổi học trò (Ảnh minh họa). Ảnh: NGUYỄN PHONG

Có trách nhiệm với tính mạng con người, cụ thể ở đây học sinh là tối quan trọng, nhưng xử sự với môi trường (ở đây là môi trường xanh mát trong trường học) cũng quan trọng không kém.

Sau sự cố đổ cây làm chết người nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã “Yêu cầu các trường rà soát, loại trừ mối nguy hiểm từ cây xanh trong trường học” trên toàn quốc.

Cha ông ta thường nói “mất bò mới lo làm chuồng” chẳng sai trong trường hợp này!? Nhưng đây là một bài học để chúng ta ứng phó hữu ích với những sự cố về sau, chẳng những đối với cây xanh mà đối với nhiều vấn đề khác.

Tôi còn nhớ cách đây chưa lâu, báo chí đã nêu một vấn đề sát sườn là vệ sinh nơi trường học. Hóa ra ở nhiều trường học, trường thì khang trang nhưng khu vực vệ sinh thì quá nhếch nhác, bẩn thỉu. Có nhiều em học sinh bảo rằng nếu có “buồn” thì cũng gắng về nhà chứ không dám đi ở khu vệ sinh trường học. Nói đến đây thì nó mới phát sinh ra một điều – trách nhiệm.

Một cây già, vì những lý do nào đó nó rỗng ruột bên trong, chúng ta có thể không thấy được. Nhưng nhà vệ sinh bẩn thì tất cả mọi người đều thấy. Đã thấy nhưng không làm, không tìm giải pháp để làm – đó là thiếu trách nhiệm.

Các trường học trên địa bàn đều trồng phượng vỹ.  Ảnh: Hồng Tâm

Nếu không có vụ cây đổ chết người thì có lẽ cũng chẳng ai để ý đến cây xanh ở trường học có nguy hiểm hay không? Tại sao vậy? Đơn vị quản lý cây xanh đô thị luôn quan tâm đến điều này. Tất cả các đô thị, khi bước vào mùa mưa bão, một động tác chúng ta thường thấy là đi cắt cây, tỉa cành, chồng néo những cây già, những cây nghiêng có khả năng xảy ra nguy hiểm…

Cây xanh ở trường học không nhiều bằng cây xanh đô thị, nhưng đơn vị quản lý cây xanh có thể nhắc nhở cho các trường học, các cơ quan đơn vị (có cây xanh) lưu ý đến việc này. Khi sự cố xảy ra, nhiều trường học vội vàng “cho chặt nhiều cây lớn”, có lẽ là một phản ứng vội vàng.

Để trồng được một cây có bóng mát cần rất nhiều thời gian. Có khi đến hàng chục năm. Cây xanh sân trường vừa có bóng, vừa đẹp, vừa có dáng cổ thụ lại cần nhiều thời gian hơn. Cây xanh đẹp luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống.

Ở Huế có hai ngôi trường nổi tiếng trên 100 năm tuổi là Quốc Học và Hai Bà Trưng. Ngoài sự nổi tiếng về tính chất lịch sử, vị trí, kiến trúc, chất lượng dạy và học… thì có lẽ, mọi người yêu thích nó cũng một phần là cây xanh sân trường. Cây xanh của hai sân trường này vừa cổ thụ vừa đẹp. Bao nhiêu thế hệ học sinh ra trường về lại cũng tìm thấy bóng dáng tuổi thơ của mình ở dưới những tán cây này. Như vậy, cây xanh đã tạo ra một giá trị ngoài vật chất.

Cây phượng già đầu câu Trường Tiền trở thành một cây “di sản”. Không biết bao nhiêu người, bao nhiêu bức ảnh về nó. Có nhiều người tìm thấy bóng mình trẻ trung đã từng đứng dưới gốc phượng này khi đã về già, khi đã đi xa khỏi Huế.

Làng cổ Phước Tích có cây thị già mấy trăm năm tuổi. Những người đến tham quan ngôi làng này, cây thị già là một địa chỉ. Những thước phim làm về làng cổ, muốn mô tả gì thì gì cũng không thể thiếu nó. Tôi tin rằng, những ai đã đến đây đều phải ghé mắt xem ruột cây thị già ấy đã bị rỗng như thế nào.

Cho nên, không nên vội vàng chặt cây xanh, nhất là những cây lớn tuổi. Cứ theo cách làm của đơn vị quản lý cây xanh đô thị - soát xét hàng năm. Vào mùa mưa bão là phải tỉa cành. Những cây nào lớn tuổi phải có phương án chống chằng phù hợp, nhất là ở các trường học, nơi sân trường luôn có các em sinh hoạt ngoài giờ, không cứ gì nó đã già hay không già.

Qua vụ đổ cây này cũng nhắc nhở cho chúng ta một bài học. Các trường (mà không chỉ các trường, nói chung là nơi nào có cây xanh) nên phối hợp với ngành lâm nghiệp và những nhà “lâm học” am hiểu về cây xanh để tìm hiểu về tuổi đời của cây và được khuyến cáo về cách xử lý. Ví dụ như cây bàng - đời sống của nó bao nhiêu năm thì ruột đã rỗng; cây phượng là bao nhiêu năm… Cây phượng gắn với tuổi thơ, làm đẹp sân vườn nhưng vì tính chất rỗng ruột của nó nhanh hơn những cây khác, khi muốn trồng thì phải chọn góc nào cho phù hợp.

Những rủi ro như trường hợp nêu trên, tôi cho rằng là hy hữu, nên có thể tìm nhiều giải pháp khác bổ sung. Ví dụ như chuyển trời, có thể xảy ra giông lốc, ngay lập tức các trường, các lớp phải quản lý học sinh chặt chẽ, không cho ra sân trường, không đứng núp dưới tán cây.

Có vẻ như, chúng ta thường hay quên những bài học đã cũ. Ứng xử vội vàng chưa bao giờ được xem là một ứng xử tốt.

Xem lại những thước phim về người Nhật chạy đi tránh sóng thần mới thấy khâm phục. Từng đoàn xe dài nối đuổi nhau một cách trật tự, không hề hoảng loạn. Điều này, có lẽ người Nhật đã đưa vào trường học dạy cho học sinh từ nhỏ...

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top