ClockChủ Nhật, 29/05/2022 09:25

Phát hiện cây cổ thụ bị bứng, dân nghi mua bán đất trái phép

TTH.VN - Cây thị cổ thụ nằm trên đất được cho là đất công của xóm bỗng nhiên bị những người mua bán đất đưa xe cẩu đến bứng đi khiến người dân tá hoả. Sự việc khiến người dân xóm Cự Sỹ (người dân thường gọi Cư Sỹ, làng Dương Xuân, nay là kiệt 69 đường Lê Ngô Cát, phường Thuỷ Xuân, TP. Huế) bức xúc, đề nghị bằng mọi giá phải trồng lại cây thị cổ thụ và yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ việc mua bán đất vị trí này.

Buộc tháo dỡ toàn bộ công trình trên thửa đất 26 tại phường Thủy Dương, TX Hương ThủyKhai thác đất ruộng trái phépHương Thủy: Kiểm soát chặt hoạt động khai thác đất san lấp

Cây thị nằm trên khu đất được cho là đất công của xóm Cự Sỹ, nay thuộc kiệt 69 Lê Ngô Cát

Những ngày qua, người dân sống ở quanh khu đất mà họ cho rằng đó là đất công của xóm Cự Sỹ có từ hàng trăm năm trước phát hiện người lạ tự ý đưa xe cẩu vào với ý định chở gốc cây thị cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi đi nơi khác.

Theo bà con sống qua nhiều đời ở vùng này, cây thị cổ thụ nằm trên khu đất công trước kia là khu đất thuộc đình xóm Cự Sỹ. Dưới thời Nguyễn, khi xây lăng vua Tự Đức, khu đất đình được xem như là tiền án của lăng vì thế đình được chuyển về khu đất khác hiện ở kiệt 106 Minh Mạng để thờ phụng.

Dù đình dời đi, nhưng cây thị vẫn được giữ nguyên và bà con xem như đó là “cây thiêng”, linh hồn còn lại của xóm trước cuộc đô thị hoá diễn ra một cách chóng mặt. “Cây này to lắm, mấy người ôm không hết. Tụi tui lớn lên đã nghe cha ông kể lại có từ nhiều đời trước rồi, trải qua thời gian, cây như một dấu mốc lịch sử của xóm”, một người dân sống gần đó nói.

Ngày 20/5, người dân sống quanh khu đất phát hiện nhiều người từ nơi khác đưa xe cẩu vào với ý định chở cây thị cổ đi. Khi đó, bà con mới tá hoả chạy vào xem thì phát hiện gốc thị cổ thụ đã bị bứng khỏi mặt đất, nhiều khúc rễ cây bị cưa, tán, cành cũng bị chặt gọn. “Chúng tôi liền họp lại và điện thoại cho chính quyền địa phương, sau khi cán bộ vào làm việc và lập biên bản, mọi việc mới dừng lại”, một người dân kể.

Hiện, gốc cây thị cổ thụ nằm trên một khu đất lớn vẫn nghiêng về một bên sau khi được bứng lên, phía dưới có nhiều cột chống đỡ. Tán cành bị đốn hạ chất thành từng đống. “Nếu không có vụ đốn hạ, bứng cây thị cổ thị này thì chúng tôi không biết có vụ mua bán đất”, một người dân khác bất bình. Người này cho hay, dân trong xóm đề nghị phải trồng lại cây thị về vị trí cũ. Ngoài ra, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc đất, cũng như việc mua bán, sang tên khu đất thuộc đất công của xóm nhiều khả năng đã diễn ra trong thời gian dài nhưng không ai hay biết.

Ông Nguyễn Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND phường Thuỷ Xuân xác nhận đã nắm được thông tin ngay khi sự việc xảy ra cũng như nhận được đơn thư phản ánh của người dân sống lâu năm ở xóm Cự Sỹ, nay là kiệt 69 Lê Ngô Cát. Theo ông Vương, ngay khi có phản ánh, phường đã cử các đơn vị liên quan đình chỉ vụ việc, giữ nguyên hiện trường.

Phường cũng đã mời bà T. T. N. B. – người mua lô đất lên làm việc và đề nghị bà N. phải thực hiện theo yêu cầu của người dân trong xóm, kiệt. Theo yêu cầu của người dân, phải trồng cây thị lại vị trí cũ, có phương án giằng chống đảm bảo, cây phải sinh trưởng tốt như khi chưa bị bứng hạ. Bà B. cam kết sẽ đáp ứng những yêu cầu của người dân đưa ra.

Nói về việc có dấu hiệu mua bán, sang tên trái phép lô đất công của xóm mà người dân phản ánh, ông Vương cho hay qua thông tin ban đầu có được, việc mua bán này được giao dịch bằng giấy viết tay. “Đầu tuần tới, phường sẽ thành lập đoàn, mời người bán lô đất cho bà B. ra làm việc, xem người đó lấy căn cứ đâu để bán. Nếu xác định có dấu hiệu sai phạm, lấy đất công của xóm để bán sẽ lập thủ tục theo quy định pháp luật, chuyển hồ sơ sang công an”, ông Vương khẳng định và cho hay, sẽ cung cấp thông tin cho Báo Thừa Thiên Huế sau khi làm rõ thông tin.

Trao đổi qua điện thoại, bà B. – người mua lô đất cho biết mua lô đất này được hơn nửa năm với giá hơn 600 triệu. Theo bà B. thời điểm mua dù lô đất chưa có sổ hồng nhưng bên bán có chứng minh được số tờ, số thửa và giấy tờ đóng thuế.

Đặt câu hỏi nếu không sai tại sao lại đồng ý trồng lại cây ở vị trí cũ, bà B. cho rằng mong muốn “dĩ hoà vi quý” và lâu dài sẵn sàng nhường một phần đất cho xóm nơi có cây thị. Tuy nhiên, bà B. khẳng định mình là người mua và không sai nên đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.

Thừa Thiên Huế Online sẽ tiếp tục cập nhật vụ việc!

Bài, ảnh: Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đã trồng lại cây thị cổ thụ về vị trí cũ

Liên quan đến việc người dân ở xóm Cự Sỹ, làng Dương Xuân nay là kiệt 69 đường Lê Ngô Cát (phường Thuỷ Xuân, TP. Huế) phản ứng trước việc trong quá trình mua bán đất đã tự ý bứng cây thị cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên khu đất được cho là đất công của xóm, phía người mua đã cho trồng lại ở vị trí cũ.

Đã trồng lại cây thị cổ thụ về vị trí cũ
Bảo tồn cây di sản

Tiếp theo cây thị trên 300 tuổi ở Thủy Xuân ( Huế) và cây thị trên 500 tuổi ở làng cổ Phước Tích, Thừa Thiên Huế vừa có thêm cây đa ở Đá Bạc (Phú Lộc) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây di sản. Thừa Thiên Huế có thể tự hào là một địa phương có nhiều Cây Di sản ở nước ta.

Bảo tồn cây di sản

TIN MỚI

Return to top