ClockChủ Nhật, 04/06/2017 14:01

Phát huy giá trị di sản mỹ thuật Huế: Liên kết để bảo tồn & phát huy

TTH - Mỹ thuật Huế là nguồn di sản quý giá hiện còn được lưu giữ khá tốt trên hệ thống kiến trúc công trình thuộc quần thể di tích Cố đô Huế; trong đó, nghệ thuật trang trí là một bộ phận quan trọng và có hệ thống. Tuy nhiên, việc phát huy vốn cổ này dường chưa được chú trọng đúng mức.

Nghề pháp lam đã hồi sinh

Một kho tàng

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Trường đại học Nghệ thuật Huế vừa tổ chức một tọa đàm liên ngành để bàn sâu hơn những vấn đề về nghiên cứu và ứng dụng di sản mỹ thuật Huế. Từ các nghiên cứu chuyên sâu, nhiều tác giả giới thiệu cụ thể nghệ thuật trang trí mang đặc trưng di sản mỹ thuật Huế ở một số công trình cụ thể.

Giới thiệu về bố cục và chủ đề trang trí các ô hoa văn trên mái công trình điện Thái Hòa, ông Nguyễn Tiến Bình (Viện Khoa học Công nghệ xây dựng) nhấn mạnh: "Phần trang trí ô hộc bờ nóc chính điện và hậu điện thể hiện điểm khác biệt đặc trưng nhất về tính đăng đối trong kiến trúc và mỹ thuật triều Nguyễn". Đó là sự sắp đặt ý nghĩa giữa phần trang trí tiền điện và chính điện trong bố cục tổng thể, gồm: mặt trước là môtip trang trí mang tính triết lý của tư tưởng trị quốc, thể hiện sức mạnh của hoàng đế, của vương triều, còn mặt sau thể hiện ước nguyện cho sản phẩm thu được từ chính sách quốc trị ấy. Về màu sắc, ô trung tâm ở giữa luôn là màu vàng, tượng trưng cho hành thổ, trung tâm của vũ trụ và cũng đại diện cho hoàng đế.

Đi sâu vào những giá trị biểu cảm của sơn truyền thống trong trang trí di tích Huế, ông Đỗ Xuân Phú (Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế) cho rằng, việc sử dụng rộng rãi sơn truyền thống trong nghệ thuật trang trí các công trình cung đình thời nhà Nguyễn góp phần tạo nên những tác phẩm thẩm mỹ độc đáo và làm phong phú thêm các kiểu thức trang trí tại di tích Huế. Trong đó, các màu sắc chủ đạo đỏ/vàng/đen mang ý nghĩa nhân văn, tượng trưng cho các giá trị tốt đẹp Chân – Thiện – Mỹ. Nghệ thuật này được biểu hiện rõ nét ở điện Thái Hòa, Thế Miếu, Hưng Miếu, Hiển Lâm Các…

Từ góc nhìn cụ thể về các hình thức trang trí tại lăng Thánh Cung (Tư Minh lăng), PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật giới thiệu nghệ thuật chạm khắc đá, nề đắp nổi vô cùng tinh xảo, tài hoa, mang phong cách rất riêng của trang trí đắp nổi nề vữa, trang trí đá giai đoạn đầu của thế kỷ XX. “Nghệ thuật chạm khắc trang trí Tư Minh lăng đã đạt được sự nhuần nhuyễn, trang nhã với lối tạo hình độc đáo. Qua đó, chúng ta thấy được những nét đặc trưng của mỹ thuật cung đình thời Nguyễn với những yếu tố, phẩm chất thẩm mỹ dân gian đặc sắc. Đó cũng chính là phản ánh đặc điểm chung của thời đại, khi sự chế ngự của triều đình không còn quá chặt chẽ thì sự giải phóng sức sáng tạo ở làng, xã có cơ hội nở rộ và thấm đượm những giá trị của mỹ thuật truyền thống dân gian, dân tộc với những dạng thức trang trí đan xen giữa nghệ thuật cung đình và dân gian thời Nguyễn”, PGS. TS. Phan Thanh Bình nói rõ.

Một số sản phẩm pháp lam

Cần sự liên kết liên ngành

Trải qua hơn 200 năm tồn tại, nghệ thuật trang trí trên các kiến trúc cung đình cũng bị hư hại, xuống cấp, thậm chí còn bị hủy hoại hoàn toàn theo một số công trình. Nhờ được cộng đồng quan tâm, nhiều năm qua hàng loạt dự án tu bổ các công trình có tính chất trang trí cao thuộc quần thể kiến trúc cung đình đã được tiến hành trên diện rộng. Qua đó, một số nghề trang trí truyền thống, như pháp lam, đắp - khảm sành sứ, sản xuất gạch ngói tráng men, thêu… tưởng bị lãng quên đã được khôi phục.

Công tác bảo tồn, phục chế các tác phẩm nghệ thuật trang trí trong giai đoạn qua cũng lộ những khiếm khuyết. Ông Nguyễn Thế Sơn (Ban Quản lý Dự án - Trung tâm BTDTCĐ Huế) chỉ ra những khó khăn trong công tác bảo tồn, phục chế các tác phẩm nghệ thuật trang trí. Cụ thể là tư liệu, phương pháp xác định tính nguyên gốc, tính kế thừa, đào tạo cán bộ phục chế, sự lạm dụng công nghệ mới và thiếu những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng. Ông Sơn nhấn mạnh: “Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng trùng tu, đặc biệt dành riêng cho công tác bảo tồn, phục chế các họa tiết trang trí vẫn chưa được thực hiện, nên việc đánh giá chất lượng vẫn dựa vào cảm quan của các thành viên trong hội đồng nghiệm thu công trình. Nhiệm vụ bắt buộc cần giải quyết trước mắt là phải xây dựng một hệ thống quy trình chuẩn mực về trùng tu di tích; trong đó, các tiêu chuẩn về vật liệu, phương pháp thực hiện và tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm bảo tồn, phục chế được xác định trên cơ sở các tiêu chí khoa học”.

Lo lắng cho di sản mỹ thuật Huế nói chung và mỹ thuật nhà Nguyễn nói riêng, ông Nguyễn Thái Quảng (Trưởng khoa Điêu khắc – Đại học Nghệ thuật Huế) cho rằng, hiện nay kỹ thuật đúc đồng Cửu đỉnh, nghệ thuật làm phù điêu, tranh gương… đã bị thất truyền và các nghệ nhân phục chế đang áp dụng kỹ thuật mới không phù hợp, làm mai một các giá trị vốn cần được lưu giữ và khiến cách trùng tu, tôn tạo rơi vào tình trạng khủng hoảng. Ông Nguyễn Thái Quảng nhấn mạnh: “Các nghệ nhân hiện nay quan niệm, rằng chất liệu, kỹ thuật xưa là lạc hậu, lỗi thời, giá thành đắt… nên cần cải biên, mà không cảm nhận được tinh thần của nghệ nhân xưa. Bởi vậy, ít nhiều trong các thể loại trang trí nghệ thuật hiện nay chỉ là những mảnh vỡ, lắp ghép thiếu tính khoa học, làm hỏng và mai một một phần của di sản mỹ thuật Huế”.

Tích cực góp phần khắc phục tình trạng trên, ông Quảng kiến nghị: “Trung tâm BTDTCĐ Huế cần liên kết nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo giữa các ngành trong nước và quốc tế. Để phát huy vai trò di sản Huế không những trong đào tạo mà còn trong ứng dụng, nghiên cứu, cần thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa công tác bảo tồn, bảo tàng với chuyên gia – nghệ nhân trực tiếp phục chế. Mặt khác, trung tâm cũng cần thường xuyên tổng kết quá trình nghiên cứu và ứng dụng ở góc độ liên ngành để kịp thời điều chỉnh, dự báo tình hình và xu thế phát triển trong các lĩnh vực liên quan; đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định phương hướng tiếp theo, đưa ra và tiếp thu các giải pháp mới theo hướng liên ngành”.

Bài: ĐỒNG VĂN - Ảnh: VÕ NHÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Sáng 16/4, Đảng ủy Quân sự tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận (KL) số 01 của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 2 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 847 của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

TIN MỚI

Return to top