ClockThứ Ba, 27/08/2019 06:30

Phát huy nguồn lực dùng chung trong Đại học Huế

TTH - Với thế mạnh đại học (ĐH) vùng, ĐH Huế đang tận dụng lợi thế để phát huy các nguồn lực dùng chung phục vụ công tác đào tạo và các mặt hoạt động.

Đại học Huế triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020Ưu thế thuộc về khối ngành kinh tế, ngoại ngữ

Sinh viên các trường đại học nghiên cứu dự án khởi nghiệp tại Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế

Nguồn lực dùng chung trong đào tạo tốt

Sân thể dục Khoa Giáo dục Thể chất những ngày hè vừa qua rộn rã tiếng cười của sinh viên (SV). Người học không bị giới hạn đăng ký học tập trong cùng lớp, cùng trường mà có thể thoải mái đăng ký học chung, giao lưu bạn bè mới. TS. Nguyễn Gắng, Khoa trưởng Khoa Giáo dục Thể chất cho biết, mỗi năm khoa đào tạo mới đến 10.000 SV của tất các trường, khoa thuộc ĐH Huế. Với cơ chế đào tạo mở, năm học 2019 - 2020 sẽ đưa vào mô hình đào tạo theo câu lạc bộ, vừa đáp ứng nguyện vọng và năng lực SV vừa phát huy tốt nguồn lực dùng chung trong đào tạo.

Ngoài giáo dục thể chất, hiện nay ĐH Huế chú trọng điều tiết, phát huy nguồn lực dùng chung trong rất nhiều mặt hoạt động như ngoại ngữ không chuyên, khởi nghiệp, học liệu, giáo dục quốc phòng, ký túc xá… Chỉ tính riêng về ngoại ngữ không chuyên, mỗi năm đã đào tạo và cấp chứng nhận cho một lượng lớn SV đáp ứng chuẩn đầu ra.

Sinh viên các trường đại học được hướng dẫn kinh nghiệm khởi nghiệp tại Đại học Huế

ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, phụ trách công tác đào tạo ngoại ngữ không chuyên của ĐH Huế cho biết, ĐH Huế đã thống nhất chuẩn đầu ra chung ngoại ngữ cho SV là B1. “Từ năm 2013, trường xây dựng đề án dạy và học ngoại ngữ không chuyên theo cấp độ và cấp chứng chỉ (sau này là giấy chứng nhận) năng lực ngoại ngữ cho người học, đồng thời đưa người học ngoại ngữ không chuyên từ các trường về học tại giảng đường riêng của nhà trường. Tính từ giai đoạn áp dụng đề án đến nay đã có hơn 22.000 SV của ĐH Huế được đào tạo và cấp chứng chỉ/chứng nhận”, ThS. Phan Thanh Tiến nhấn mạnh.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, so với các ĐH khác, ĐH Huế đang làm khá tốt việc điều tiết nguồn lực dùng chung. Đặc biệt, việc giám sát ngành nghề được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao. ĐH Huế điều tiết ngành không để chồng chéo giữa các trường, tránh bị vướng như một số ĐH trong toàn quốc.

Chú trọng cơ sở vật chất

Một trong những cái khó và chưa điều tiết tốt hiện nay là cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm dùng chung, nhất là giữa các trường, các khoa. Theo đại diện một số đơn vị chuyên môn, nghiên cứu khoa học cần máy móc hiện đại, tốn nhiều kinh phí. Tuy nhiên, trong khi nhiều trường than thiếu cơ sở vật chất thì có không ít máy móc tại các đơn vị từ khi đầu tư đến nay ít sử dụng.

“Phòng thí nghiệm của chúng tôi có loại máy phục vụ nghiên cứu được đầu tư khá đắt tiền. Để sử dụng, cần mua hóa chất đặc chủng tốn kém, không bán lẻ, trong khi một công trình nghiên cứu khoa học cán bộ và sinh viên được cấp khá ít tiền, rất khó để vận hành. Vì thế, người nghiên cứu thường gửi mẫu đi phân tích, chỉ tốn một hoặc vài triệu đồng. Nếu các trường thành viên phối hợp sử dụng chung máy móc, chia sẻ kinh phí hóa chất thì sẽ hạn chế tình trạng máy móc lâu không dùng”, một cán bộ tại Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế thừa nhận.

Nguyễn Hoàng Nhật Quang (SV Trường ĐH Kinh tế), đại diện nhóm dự án khởi nghiệp Save Blood, cho biết: “Ngoài các hoạt động về học tập thì với sự ra đời của Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế, SV các trường ở Huế có một môi trường chung để nghiên cứu, sáng tạo và học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp. Nhờ có nhiều chuyên gia thường xuyên tập huấn, hướng dẫn và nhiều nhóm khởi nghiệp cùng đến đây làm việc nên có thể nói đó là mái nhà chung của SV để theo đuổi ước mơ khởi nghiệp”.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương cho biết, ngoài vấn đề nguồn lực cơ sở vật chất, việc điều tiết đội ngũ dùng chung hiện nay cũng đã có nhưng chưa mạnh. Tuy nhiên, sắp tới, ĐH Huế sẽ có những nghiên cứu cơ chế để điều tiết, đáp ứng việc đội ngũ cán bộ, chuyên gia giữa các trường có thể hỗ trợ cho nhau, tránh tình trạng thừa, thiếu giảng viên.

Hiện nay, ĐH Huế đang xây dựng các cơ chế dùng chung, tạo ra sự thống nhất, phối hợp hiệu quả trong toàn ĐH Huế, nhất là chú ý đến các nguồn tài nguyên dùng chung. Ngoài nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, ĐH Huế cũng hướng đến việc tận dụng, phát huy nguồn lực dùng chung các sân thể thao, các giảng đường… mục đích để tạo sự thuận lợi nhất cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, đồng thời tránh lãng phí nguồn lực.

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế trong một chia sẻ với Báo Thừa Thiên Huế về vấn đề dùng chung nguồn lực trong nghiên cứu khoa học cho biết, ĐH Huế rất trăn trở và sẽ “quyết liệt” trong việc phát huy nguồn lực dùng chung. Để giải quyết vấn đề tâm lý dùng chung, ngoài rà soát, có phương án hợp lý với những máy sẵn có, những máy mua mới sẽ chỉ giao cho các đơn vị sử dụng và quản lý còn sở hữu tài sản vẫn là chung của ĐH Huế để các trường thành viên tiện lợi trong sử dụng. Quá trình trang bị đến đâu sẽ đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên đến đó. Đội ngũ này thuộc biên chế các trường nhưng phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học chung cho cả ĐH Huế.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả

Ngày 24/4, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Đại học Huế phối hợp với Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức TalkShow “Chinh phục nhà tuyển dụng: Viết CV và phỏng vấn tìm việc” cho hơn 200 sinh viên Trường Du lịch.

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả
Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ

Sáng 24/4, Công đoàn Đại học Huế tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2023- 2028 và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn.

Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ
Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Return to top