ClockThứ Hai, 07/12/2015 07:30

Phát huy thế mạnh y học cổ truyền

TTH - Thừa Thiên Huế là vùng đất hội tụ tinh hoa y học cổ truyền với nhiều phương thuốc hay, bài thuốc quý đang còn lưu giữ. Gần đây được sự quan tâm của các ban ngành chức năng, ngành y học cổ truyền (YHCT) không ngừng phát triển, góp phần không nhỏ trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Phát triển rộng khắp

Từ thập niên trước, tỉnh đã có nghị quyết và ban hành nhiều văn bản, chỉ thị nhằm thúc đẩy ngành YHCT địa phương phát triển. Trên cơ sở đó, hàng năm, mạng lưới YHCT từ tỉnh đến cơ sở từng bước phát triển về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) cho người dân.

Điều trị bằng phương pháp YHCT tại Trạm y tế xã Phú Mậu (Phú Vang)

Điển hình như tại bệnh viện chuyên khoa YHCT tỉnh được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang với 100 giường bệnh, đầy đủ các khoa phòng chức năng, với đội ngũ y, bác sĩ vững về chuyên môn, kiến thức phục vụ khám điều trị bệnh cho nhân dân địa phương. Bên cạnh hoạt động KCB, hàng năm, bệnh viện tiến hành chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị tuyến dưới, nâng cao chất lượng điều trị về YHCT. Tại tuyến huyện, thị xã, hầu hết đã thành lập mới các khoa YHCT ở các bệnh viện. Bình quân, mỗi khoa nơi đây có từ 10-20 giường bệnh, khoảng 7 cán bộ y, bác sỹ với hệ thống khá đầy đủ trang thiết bị, cung ứng kịp thời thuốc đông dược. Đặc biệt 100% khoa YHCT tại các bệnh viện tuyến huyện, thị xã đều trang bị máy sắc thuốc tự động, máy xoa bóp cá nhân, máy điều trị tần phổ, đèn hồng ngoại, máy điện châm…, góp phần vào hoạt động KCB cho người dân. Ở tuyến xã, phường, thị trấn cũng được quan tâm đầu tư. Hiện nay, 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có y sỹ YHCT chuyên trách làm việc tại phòng y học cổ truyền độc lập (nằm trong trạm y tế) với đầy đủ các trang thiết bị, như quầy thuốc đông dược, máy điện châm, đèn hồng ngoại... Ngoài ra, mỗi trạm y tế đều xây dựng một vườn thuốc Nam, trong đó có từ 40- 60 cây thuốc theo danh mục của Bộ Y tế quy định, góp phần đẩy mạnh xây dựng xã, phường, thị trấn đạt “Chuẩn quốc gia về y tế” và “Tiên tiến về YHCT”.

Ngoài các cơ sở khám, chữa bệnh YHCT công lập, đến nay trên địa bàn có hàng trăm hội viên thuộc Hội Đông y các cấp được cấp phép hoạt động. Hàng năm, Sở Y tế đã tạo mọi điều kiện trong việc đổi, cấp mới giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề YHCT. Hiện tại, trên địa bàn có hơn 150 cơ sở tư nhân hoạt động về lĩnh vực đông y; trong đó có nhiều địa chỉ lan tỏa “thương hiệu” đến các tỉnh thành trong khu vực như Trung tâm Ứng dụng- Kế thừa Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, chùa Hải Đức, phòng khám Nguyễn Quang Hợp...

Tạo lòng tin cho bệnh nhân

Hệ thống YHCT phát triển là yếu tố góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Tìm hiểu tại Bệnh viện YHCT tỉnh, từ năm 2010 đến nay, tần suất bệnh nhân đến khám tại bệnh viện mỗi năm đều đạt hơn 100% kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt từ 130-150%. Các bệnh viện tuyến huyện, thị xã và TP Huế sau khi tích cực triển khai công tác KCB bằng phương pháp YHCT, một số kỹ thuật mới đã được áp dụng, chất lượng điều trị ngày càng tạo được lòng tin cho bệnh nhân. Số lượt KCB tăng bình quân từ 6.000 - 7.000 lượt người/năm; số bệnh nhân điều trị nội trú tăng hơn 21%/năm; số lượt người điều trị bằng châm cứu hàng năm đều tăng trên 50% so với năm trước… Tại trạm y tế xã, phường, công tác KCB bằng YHCT gần đây đã chuyển biến tốt. Hàng năm, các cơ sở đều đạt trên 30% trong tổng số người bệnh đến KCB. Các cơ sở YHCT tư nhân, các Hội Đông y, Hội Châm cứu, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt người đến khám chữa bệnh và bốc thuốc. Điển hình như Trung tâm Ứng dụng - Kế thừa Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, từ năm 2012 tiếp tục đầu tư đầy đủ các trang thiết bị MEDI SCAN DDFAO, X-quang, siêu âm màu, máy đo loãng xương, máy điện tâm đồ… vào khám điều trị bệnh, mỗi ngày thu hút từ 150- 200 bệnh nhân; cao điểm có khi lên đến 300 bệnh nhân. Người dân đã hiểu biết, tin tưởng vào sự thành công của YHCT trong công tác KCB.

TS Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, việc triển khai công tác khám chữa bệnh bằng YHCT tại các tuyến trên địa bàn đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây là điều kiện quan trọng để tiếp tục chỉ đạo ngành YHCT ngày càng phát triển; trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị phù hợp với chiến lược phát triển YHCT theo hướng hiện đại kết hợp YHCT và y học hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng những bài thuốc quý từ Thái Y viện của triều Nguyễn đang sưu tầm, kế thừa để áp dụng rộng rãi trong việc KCB cho người dân không chỉ ở Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: KHÁNH QUAN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Return to top