ClockThứ Năm, 22/05/2014 05:25

Phát huy tiềm năng khoa học công nghệ

TTH - Với vị trí và đặc điểm lịch sử, văn hóa, Thừa thiên Huế rất có tiềm năng, thế mạnh về khoa học công nghệ (KH&CN).
Là kinh đô của cả nước thời Nguyễn, Cố đô Huế từng tồn tại trường Quốc tử Giám (trường đại học thứ 2 ở Việt Nam, sau Quốc Tử giám Thăng Long, Hà Nội), là nơi lưu dấu của hơn 500 tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn. Từ rất sớm, tại Kinh đô Huế đã hình thành, tồn tại một Quốc sử quán triều Nguyễn, cơ quan biên soạn lịch sử chính thức, duy nhất ở Việt Nam trong suốt 125 năm (1820- 1945) - một trong những tiền đề của tiềm năng khoa học xã hội - nhân văn của tỉnh hiện nay.

Với vị trí và đặc điểm lịch sử, văn hóa, Thừa thiên Huế rất có tiềm năng, thế mạnh về khoa học công nghệ (KH&CN)

 
Nguồn lực mạnh
Hiện Đại học Huế có 57 năm trưởng thành và phát triển, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ lớn của miền Trung và cả nước với 11 trường thành viên, 2 khoa và 5 trung tâm trực thuộc; 93 chuyên ngành đào tạo đại học, 64 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 22 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.
Toàn tỉnh có 30 viện, phân viện, trung tâm nghiên cứu khoa học. Có trên 50 tổ chức nghiên cứu và triển khai thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động, với gần 10 tổ chức ngoài nhà nước. Có 136 phòng thí nghiệm, trong đó có nhiều phòng thí nghiệm lớn về quy mô và khá mạnh về năng lực, như Trung tâm Phân tích, Trạm Quan trắc môi trường, phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học của Đại học Huế... Có 16 thư viện lớn và hàng chục thư viện nhỏ. Trung tâm Học liệu thuộc Đại học Huế là một trong những thư viện điện tử hiện đại nhất ở Việt Nam. Thư viện Tổng hợp tỉnh có nguồn lực thông tin lớn nhất trong các thư viện cấp tỉnh trong cả nước
 Thừa Thiên Huế đang có một đội ngũ trí thức mạnh với 420 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, gần 200 giáo sư, phó giáo sư với chuyên ngành đào tạo khá đa dạng. Có trên 200 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Một số nhà khoa học đã có các công trình khoa học xuất sắc, có những bài báo đăng trên tạp chí khoa học thế giới. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của trí thức đã đóng góp luận cứ khoa học quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng thời là một trong số ít tỉnh, thành của cả nước triển khai có hiệu quả Chương trình 47 của Đảng và Chương trình 112 của Chính phủ về tin học. 100% đơn vị cấp tỉnh đã kết nối internet, tuyến cáp quang đã được triển khai về tận cấp huyện, xã trên toàn tỉnh. Đường truyền internet trực tiếp 40Mbps đủ cung cấp để vận hành các website của sở, ban ngành và dịch vụ công qua mạng. 100% trường học, bệnh viện đã có kết nối internet. Các doanh nghiệp từng bước nâng cao nhận thức, quan tâm và chủ động đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Doanh thu trong lĩnh vực này ngày càng tăng, đóng góp nhiều cho GDP của tỉnh.
 Đầu tư cho KH&CN được quan tâm từ ngân sách của tỉnh, các huyện, thị và thành phố đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà khoa học nghiên cứu độc lập, các hội chuyên ngành và một số đơn vị tư nhân cũng đã đầu tư đáng kể cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, bước đầu tạo lập thị trường KH&CN với việc hình thành đưa vào hoạt động “Showroom Công nghệ”, chợ ảo công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghệ. Đã giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu khoa học tại các hội nghị, hội chợ quốc tế, các chương trình quảng bá trong và ngoài tỉnh.
 
Hoàn thiện chính sách,
mở rộng liên kết
Cũng như thực trạng chung của quốc gia, tỉnh còn thiếu chuyên gia trên một số lĩnh vực. Nguồn nhân lực KHCN chưa được phát huy. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các nhiệm vụ KH&CN còn thiếu. Nhiều doanh nghiệp chưa thấy rõ ứng dụng tiến bộ KH&CN là nhu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư cho KH&CN thấp. Tâm lý thiên về nhập thiết bị, máy móc, công trình, ít quan tâm đến nội dung chuyển giao công nghệ còn khá phổ biến, hạn chế phát huy nội lực của các nhà khoa học.
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 (khóa XIV) đã ra Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước. Đây là 1 trong 4 trung tâm mà tỉnh phấn đấu để phát triển nhanh và bền vững trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với các chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2015, cơ bản đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm hóa dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và kiểm định tất cả các loại hàng hóa, công trình, công nghệ trên địa bàn. Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN đủ mạnh để nghiên cứu, tiếp nhận và phát triển các công nghệ mới. Đến năm 2020, số lượng các sáng chế, giải pháp hữu ích được quốc gia, quốc tế bảo hộ tăng lên 10 lần so với hiện nay và có công trình khoa học được tặng giải thưởng Nhà nước. Trình độ, năng lực công nghệ đạt trên mức trung bình cả nước, nâng tỷ lệ đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) trong GDP đạt trên 32% vào năm 2015.
Để đạt được mục tiêu, tức để biến tiềm năng trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước, thiết nghĩ cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích hoạt động KH&CN. Mở rộng liên kết và tăng cường hợp tác về KH&CN. Tập trung chỉ đạo các lĩnh vực ưu tiên. Hoàn thành quy hoạch, tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học nhằm phát huy các thế mạnh về nông - lâm nghiệp và thủy sản. Phát huy thế mạnh về khoa học xã hội và nhân văn trong lĩnh vực bảo tồn di sản và phát huy văn hoá Huế, đưa công tác bảo tồn di sản thành công nghệ bảo tồn di sản mang thương hiệu Huế. Phát huy thế mạnh về y học sức khỏe. Kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN. Tǎng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhằm tập hợp rộng rãi lực lượng trí thức trong công tác nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Nguyên Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

TIN MỚI

Return to top