ClockThứ Bảy, 27/01/2018 05:46

Phát huy vai trò cựu sinh viên.

TTH - Liên kết và phát huy vai trò cựu sinh viên (CSV) là hướng đi nhiều trường thành viên Đại học (ĐH) Huế đang áp dụng nhằm tạo ra môi trường học tập và cơ hội việc làm cho sinh viên.

Kỹ năng mềm cho sinh viênHơn 1.000 sinh viên Trường đại học Nông Lâm Huế tham gia lớp tập huấn kỹ năng tìm việc làmTập huấn kỹ năng tìm việc làm cho sinh viên sắp tốt nghiệp

Cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm phỏng vấn tuyển dụng sinh viên nhân ngày hội việc làm. Ảnh: CSV ĐHNL

Chuyện từ Trường ĐH Nông lâm

Kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên Trường ĐH Nông lâm – ĐH Huế sau khi ra trường cho thấy, có 90,49% có việc làm sau 6 tháng. So với kết quả khảo sát trước đó hai năm (tỷ lệ khoảng 70%), đó là một thành công vượt bậc. Ông Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông lâm tiết lộ, thành công ấy một phần đến nhờ việc liên kết tốt và phát huy vai trò của CSV.

Năm 2016, Trường ĐH Nông lâm – ĐH Huế chính thức thành lập Ban liên lạc CSV nhà trường. Mỗi khu vực ở phía Bắc và phía Nam đều có các phân ban; riêng khu vực miền Trung có nhiều CSV nên mỗi tỉnh hình thành một tiểu ban. Ngoài ra, những ngành học có lực lượng đông và tập trung (ở các địa phương) cũng có các tiểu ban ngành. “Bộ máy này có ban chấp hành gồm lãnh đạo nhà trường và đại diện các phân ban, tiểu ban. Mọi trao đổi về tình hình, mong muốn của nhà trường và các vấn đề liên quan chủ yếu qua email, mạng xã hội, điện thoại. Sau đó mỗi phân ban, tiểu ban sẽ có các hình thức khác nhau để triển khai, chia sẻ thông tin đến các CSV khác. Bộ máy này hoạt động phi lợi nhuận, chủ yếu giúp đỡ trường và sinh viên; họ còn bỏ tiền túi để hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn”, ông May nói.

Điểm hay của các phân ban, tiểu ban là tập hợp được nhiều CSV thành đạt, thậm chí là chủ của các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm chuyên môn sâu về các ngành nghề đang đào tạo tại Trường ĐH Nông lâm. Ngoài việc tạo ra môi trường học tập và thực hành thực tập cho sinh viên, các CSV cũng “ưu tiên” cơ hội việc làm cho những đàn em khóa sau nếu họ đáp ứng được các điều kiện tuyển dụng.

“Từ năm 2004, chúng tôi đã quay về trường để có những liên kết tuyển dụng sinh viên. Khi có ban liên lạc CSV chính thức ra đời (2016), chúng tôi có điều kiện tốt hơn để hỗ trợ khoa, trường và giúp đỡ sinh viên. Hiện nay chúng tôi đã xây dựng được quỹ học bổng giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và nhiều hoạt động khác. Về tuyển dụng, đến nay công ty chúng tôi đã có hơn 500 sinh viên của trường được nhận vào làm”, ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Trưởng tiểu ban CSV Chăn nuôi Thú y khu vực phía Nam nói.

Hàng năm, trong các ngày hội tư vấn việc làm, CSV cũng về trường để chia sẻ kinh nghiệm học tập, xin việc làm, định hướng các yêu cầu của thị trường lao động và kết nối, tạo ra các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt. Ông May khẳng định, việc CSV đồng hành cùng nhà trường giúp quá trình đào tạo tốt hơn, sát với nhu cầu tuyển dụng; sinh viên ra trường nắm bắt ngay được công việc và môi trường việc làm tốt, nhờ đó cải thiện được đầu ra việc làm.

Tăng cường kết nối

Các cơ sở giáo dục trực thuộc ĐH Huế cũng đang có nhiều hướng đi để đẩy mạnh liên kết, phát huy vai trò của CSV. Ông Hoàng Nguyễn Tuấn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế cho biết, việc kết nối với CSV đã được nhà trường triển khai từ lâu thông qua các kênh gián tiếp và dịp gặp mặt ở những ngày lễ của khoa, trường. Bên cạnh vai trò nhà trường, các đơn vị khoa trực thuộc trường cũng có những giải pháp nhằm liên lạc, kết nối với CSV. Mới đây, trường đã thành lập Ban liên lạc cựu sinh viên, có các tiểu ban của các cụm tỉnh. Việc liên lạc giữa nhà trường cũng tốt hơn, nhờ đó giúp sinh viên rất nhiều, nhất là các nguồn học bổng hỗ trợ cho người học.

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, lâu nay các cơ sở giáo dục thành viên của ĐH Huế đã có những mối liên hệ, kết nối tốt với CSV qua những mô hình, cách làm khác nhau phù hợp với điều kiện riêng của các trường. Thời gian tới, ĐH Huế tiếp tục chỉ đạo các trường thành viên, khoa trực thuộc tăng cường kết nối, phát huy vai trò của CSV, giúp đỡ không chỉ sinh viên trong trường mà còn cả những đơn vị khác thuộc ĐH Huế.

Nhiều đơn vị cũng đang chọn giải pháp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin và kết nối tốt với sinh viên ngay từ khi người học còn trên ghế nhà trường. Điển hình như Trường ĐH Nông lâm, hướng đi mới là từ năm 2017, bên cạnh các phân ban, tiểu ban đã kết nối được, cũng hình thành các tiểu ban khóa ngay khi sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, tạo thêm một kênh liên lạc với với CSV trẻ, khắc phục được điểm khó “chênh lệch thế hệ” giữa các CSV.

Theo đại diện một số cơ sở giáo dục thuộc ĐH Huế, thời gian tới sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin của CSV để kết nối ở trên trang web của trường và của ban liên lạc CSV, tạo điều kiện để các sinh viên đang học có cơ hội tìm kiếm, trực tiếp trao đổi kinh nghiệm với các CSV.

Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Return to top