ClockThứ Hai, 16/12/2013 05:35

Phát huy vai trò quần chúng trong phòng, chống tham nhũng

TTH - Trong mấy ngày qua, dư luận rất quan tâm đến phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Đây là một trong sáu “đại án” tham nhũng được đưa ra xét xử dứt điểm trong năm 2013. Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tổng hợp mức án tử hình đối với Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải) và Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải. Chiều hôm nay (thứ hai, ngày 16/12), tòa sẽ chính thức tuyên án. Trước đó, mức án tử hình đã được tuyên đối với 2 bị cáo đứng đầu trong vụ án tham nhũng ở Công ty cho thuê tài chính 2. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng…

Thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Ngay trong lĩnh vực việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn của cán bộ, chính sách với người có công, người nghèo cũng xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế đấu tranh phòng chống tham nhũng lại đạt hiệu quả không cao. Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trước Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2013 thừa nhận, số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra còn ít; việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm… Tại Thừa Thiên Huế, theo báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa VI, qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2013, chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, nhưng đã chuyển sang cơ quan điều tra 3 vụ việc vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm; Toà án nhân dân các cấp đã xét xử 4 vụ/4 bị cáo, với mức án thấp nhất là 4 năm 6 tháng tù giam/1 bị cáo và cao nhất là 16 năm tù giam/1 bị cáo…

Tham nhũng nhiều, phát hiện và xử lý còn quá ít là do nhiều nguyên nhân, nhưng trước tiên là khâu phát hiện tham nhũng còn quá yếu. Làm công tác giải quyết đơn thư ở cơ quan báo chí, tôi tiếp xúc với một số đơn thư tố cáo liên quan đến tham nhũng, nhưng hầu hết là đơn nặc danh, không đúng tên, địa chỉ người tố cáo. Tuy vậy, đơn thư đã nêu đích danh người tham nhũng, có vụ việc, nhân chứng cụ thể. Sau đó, theo dõi một số vụ việc được các cơ quan chức năng làm rõ cho thấy, nội dung đơn thư có cái đúng, có cái sai; có nội dung không có cơ sở, mang động cơ cá nhân. Điều này cho thấy, đơn thư tố cáo cũng là một kênh quan trọng để ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng. Thực tế, để “vạch mặt, chỉ tên” các đối tượng tham nhũng, quần chúng là người cung cấp thông tin hiệu quả nhất. Bởi, quần chúng có “nghìn tai, nghìn mắt”, giám sát thường xuyên trên tất cả lĩnh vực. Tuy nhiên, họ rất ngại trực diện tố cáo, sợ bị trả thù, bởi đối tượng tham nhũng thường là người có chức, có quyền. Hơn nữa, nếu yêu cầu cung cấp chứng cứ pháp lý thì thật chẳng khác nào đánh đố họ. Điều này cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng.

Vì vậy, muốn quần chúng tích cực tham gia tố giác tham nhũng, cần có những hình thức phù hợp. Chẳng hạn, mới đây Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tố giác tham nhũng. Người tố giác có thể xưng tên hoặc không xưng tên, dùng email gửi thông tin đến cơ quan phòng chống tham nhũng. Kết quả tiếp nhận, giải quyết thông tin tố giác cũng được cơ quan này công khai trên cổng thông tin. Bên cạnh đó, nếu chúng ta có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ và khen thưởng thích đáng đối với người tố cáo tham nhũng, chắc chắn công tác phòng chống tham nhũng sẽ đạt hiệu quả cao.

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày 25/4/1954: Liên quân Việt - Lào chặn đánh địch trên đường rút quân

Để có lực lượng tiếp viện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ đang bị nguy cấp, ngày 25/4/1954, địch cho binh đoàn cơ động số 1 cùng 3 tiểu đoàn lẻ và 1 tiểu đoàn pháo theo đường 12 rút về thị xã Thà Khẹt (Lào). Nhưng trên đường rút quân chúng bị Trung đoàn 18 cùng lực lượng vũ trang Lào chặn đánh.

Ngày 25 4 1954 Liên quân Việt - Lào chặn đánh địch trên đường rút quân
Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 30/4/1975, ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30 4 1975 của Việt Nam
Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 24/4, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định cùng lãnh đạo thành phố đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên
Return to top