ClockThứ Sáu, 10/10/2014 10:03

Phát nương thuê kiếm tiền học đại học

TTH - Gọi điện hẹn gặp cô sinh viên người dân tộc Cơ tu Nguyễn Thị Thuỷ Kiều vào một ngày giữa tuần, tôi vô cùng ngạc nhiên khi ở đầu kia điện thoại, mẹ Kiều bảo em đi phát nương thuê cho người ta tối mới về.

Hoàn cảnh gia đình Kiều vô cùng khó khăn. Ba Kiều mới 46 tuổi đã mất (cách đây hơn một tháng) vì bệnh ung thư gan, mẹ Kiều một mình cáng đáng 3 sào đất cùng món nợ hơn 90 triệu đồng. Người em út của Kiều bị u não mới mất cách đây 2 năm.

Dù kinh tế thiếu thốn ba mẹ Kiều vẫn quyết tâm cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Người anh cả của Kiều đã học xong cao đẳng y tế, hiện làm việc ở Bệnh viện đa khoa Bình Điền, chị thứ hai tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non năm ngoái, hiện chưa có việc làm. Kiều vừa đậu vào ngành sư phạm tiểu học, Trường đại học Sư phạm Huế năm nay với số điểm 20,5. “Ba mẹ luôn động viên mấy chị em em cố gắng học để thoát khỏi cảnh nghèo, Kiều nói - Ở xóm em đã có nhiều em bỏ học vì nhà quá xa trường. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em cố gắng học để sau này có công ăn việc làm giúp đỡ ba mẹ phần nào”.

Để giúp đỡ cô sinh viên Cơ Tu hiếu học Nguyễn Thị Thuỷ Kiều đạt được ước mơ của mình, rất mong nhận được sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Nguyễn Thị Thuỷ Kiều, lớp Sư phạm tiểu học TU1A, Trường đại học Sư phạm Huế, điện thoại: 01699944653 hoặc Báo Thừa Thiên Huế 61 Trần Thúc Nhẫn, chúng tôi sẽ chuyển đến Thuỷ Kiều.

Con đường đến với cái chữ của chị em Kiều lắm nỗi gian nan. Nhà ở xã Bình Thành (thị xã Hương Trà), những năm còn học trung học hằng ngày chị em Kiều phải đi bộ 20 chục cây số để đến Trường THPT Bình Điền. “5h sáng đã dậy đi học. Có khi chưa kịp ăn sáng phải nhịn đói mà đi. Không có xe đạp, mấy chị em phải đi bộ tới đến 9h - 10h tối mới về tới nhà, ngày nào may mắn có người cho đi nhờ thì về sớm hơn. Thương học trò nhà xa, vào mùa mưa, cô giáo chủ nhiệm thường cho em nghỉ tiết học cuối để về trước”. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, chị gái của Kiều kể. Ra trường đã hơn 1 năm hiện Thuỷ vẫn chưa xin được việc làm. “Tụi em ráng học một phần vì nguyện vọng của ba mẹ. Giờ ba mất, em thì thất nghiệp chưa biết khi nào mới xin được việc. Không chỉ buồn mà em cảm thấy thất vọng nhiều lắm”, Thuỷ buồn bã nói.

Kiều cho biết, ba em bị bệnh đã lâu nhưng vẫn cố làm lụng kiếm tiền cho mấy chị em đi học. “Chính vì làm quá sức nên ba mới bị bệnh mà mất sớm. Hôm biết tin em đậu đại học, ba nói dù khó khăn mấy ba mẹ cũng vay tiền cho em đi học, con đừng lo! Vậy mà...”, Kiều rưng rưng.

Hiện ở nhà, mẹ Kiều phải một mình xoay xở với 3 sào đất trồng sắn, sả và cây ăn quả. Không chỉ vay mượn tiền cho con đi học, ba mẹ Kiều còn vay tiền chạy chữa cho người con trai út bị u não suốt một thời gian dài. “Ba mất để lại món nợ hơn 90 triệu đồng lên vai mẹ, mỗi tháng chỉ riêng tiền lãi đã hơn 600.000 đồng”, Kiều nói. Thương mẹ vất vả, mỗi tuần Kiều tập trung học 3 ngày, những ngày còn lại em tranh thủ về nhà phát nương, nhổ sắn thuê kiếm tiền đi học. “Ai kêu chi em cũng làm. Cực mấy em cũng làm được để học xong đại học như ước nguyện của ba”.

Triền Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả

Ngày 24/4, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Đại học Huế phối hợp với Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức TalkShow “Chinh phục nhà tuyển dụng: Viết CV và phỏng vấn tìm việc” cho hơn 200 sinh viên Trường Du lịch.

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả
Khánh thành điểm trường Trịnh Công Sơn

Sáng 24/4, UBND huyện Nam Đông phối hợp với gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức lễ khánh thành điểm trường Trịnh Công Sơn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã đến dự.

Khánh thành điểm trường Trịnh Công Sơn
Return to top