ClockThứ Bảy, 22/02/2020 14:41

Phát thanh viên U70

TTH - Bằng giọng trầm ấm, gần gũi ông Nguyễn Ngọc Từ, Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ (Vinh Xuân, Phú Vang) trở thành phát thanh viên “bất đắc dĩ” của thôn gần 20 năm qua.

Lặng lẽ sẻ chiaĐông ấm yêu thương

Luôn gần gũi với dân

Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, ông kể: “Năm 1999, tui bắt đầu được dân bầu làm thôn trưởng. Thôn có số dân đông đến 870 hộ với 3.400 khẩu. Nhà nọ ở cách nhà kia khá xa nên mỗi lần mời họp là họ ngại không đi. Chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước dân không tường tỏ nên vận động việc gì cũng rất khó khăn. Lúc đó, tôi lên UBND xã Vinh Xuân, đề xuất nguyện vọng xin lại hệ thống phát thanh cũ của xã để cải tạo làm truyền thanh thôn”. Suốt 3 tháng, ông rong ruổi khắp nơi sưu tầm, phục hồi từ các thiết bị cũ để thiết lập hệ thống đài truyền thanh với đường dây dài trên 3.000m. Bà con mừng lắm, mỗi hộ hỗ trợ ông 15.000 đồng, tầm khoảng 30 triệu đồng để mua 22 cái loa mắc đều khắp nơi trong thôn. Cũng từ đó, ông trở thành phát thanh viên chính ở thôn Xuân Thiên Hạ.

Hệ thống truyền thanh được đặt tại nhà trưởng thôn. Bất kể sáng hay tối, hễ có thông tin liên quan đến người dân ông lại lên thông báo. Nhưng, ít nhất một ngày ông cũng dành 20 phút chuyển tải cho bà con về chính sách, chủ trương, tạo hiệu ứng tốt cho người dân. Ông kể, tui vốn chữ nghĩa không nhiều nên mỗi ngày tui chọn một chủ đề, gần gũi, gắn với quyền lợi thiết thực bà con thì họ mới nghe. Đặc thù của thôn Xuân Thiên Hạ là người dân tổ chức đám cưới không mời thiệp nên lúc nào họ cũng đến cậy nhờ thôn trưởng mời trên loa. Khi trong làng có đám tang, thôn trưởng thông báo để mỗi người, mỗi tay phụ giúp gia chủ trong lúc tang gia, bối rồi. Ông bảo, đây là chuyện tế nhị vì mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau nên mình nói sao phải thấu tình, đạt lý.

Kể từ ngày có loa phát thanh, bà con có cơ hội tham gia các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nắm bắt khung lịch xuống giống đúng thời vụ mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Phát thanh viên không cần nói theo kịch bản, chỉ là hướng dẫn bà con chi tiết. Anh Trần Văn Nhị, một hộ dân vừa thoát nghèo từ cây lúa tâm sự: “Nhờ áp dụng khung lịch thời vụ, những kỹ thuật mà bác Từ tuyên truyền nên năng suất lúa gần đây tăng hơn nhiều năm trước. Ở thôn Xuân Thiên Hạ, bác là người có cái tâm với các hoạt động xã hội nhất”.

Nhờ đài truyền thanh thôn đã giúp nhiều người dân trong khu vực chủ động né thiên tai, bão lũ. Người dân vẫn còn bàng hoàng khi nhớ về vụ trâu điên từ xã Vinh Thanh chạy lên hướng xã Vinh Xuân. Lúc đó, ông đã thông báo cho mọi người đóng cửa ngõ cẩn thận, không được ra đường để đề phòng bất trắc. Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt khi trong thôn có người chẳng may bị tai nạn bất ngờ, hay ốm đau bệnh tật, bác lại thông báo để mọi người sẻ chia. Những học sinh nào trong thôn có dấu hiệu nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, ông cũng thông báo trên loa nhờ mọi người giúp đỡ. “Đôi lúc tôi thấy ấm lòng khi người dân đi ngang qua nhà gửi ít tiền hoặc cân đường, hộp sữa giúp những người có hoàn cảnh khó khăn”, ông Từ bộc bạch.

Ông Nguyễn Ngọc Từ luôn trăn trở để những bản tin hàng ngày gần gũi, dễ hiểu hơn

Có cái loa phát thanh tiện đủ bề, ấy là những năm về trước, người dân thường sống trong cảnh không có đường, không điện cũng chẳng có nước sạch.. Từ khi Nhà nước có chủ trương xây dựng đường bê tông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” lan tỏa, ông đã chuyển tải thông tin đến người dân. Muốn có sự đồng lòng, góp sức của bà con, ông đã thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở nên các công trình được người dân ủng hộ. Mọi khoản thu chi đều được công khai, tạo niềm tin cho người dân. Làm việc gì dù lớn hay nhỏ, dù thuận lợi hay khó khăn, nếu không được dân đồng tình, ủng hộ thì rất khó thực hiện. Trong vòng 5 năm, thôn Xuân Thiên Hạ cơ bản có hệ thống đường bê tông liên thôn, xóm gần 9 km tương đối hoàn chỉnh.

Nhớ những ngày đầu làm trưởng thôn, ông kể, năm 2007, 8ha ruộng lúa tại cánh đồng Ba Nhì của thôn do nằm sát với mặt nước phá Tam Giang nên bị nhiễm mặn, năng suất lúa không cao, ông Từ bàn bạc với người dân, cải tạo, chuyển diện tích đất nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản. Ông đã đứng ra tín chấp cho bà con tiếp cận các nguồn vốn nên bà con răm rắp hoàn trả vốn, lãi đúng hạn cho ngân hàng. Khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, ngay vụ đầu tiên, nhiều hộ đã có vụ tôm thắng lợi, bình quân mỗi ha thu lãi 150 - 200 triệu đồng. Cánh đồng Ba Nhì đã trở thành một trong những vùng nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao của xã Vinh Xuân.

Ông Từ tâm sự: “Để làm tốt công tác tuyên truyền thì mình phải hiểu rõ chủ trương, hiến kế phù hợp với điều kiện của từng xóm, từng tổ dân cư. Nguồn lực trong dân rất lớn, tuyên truyền làm sao để dân hiểu, dân thực hiện thì mới thành công. Làm trưởng thôn thì phải thường xuyên gần dân; nói được phải làm được, như vậy mới tạo uy tín trong dân”. Với phong thái nhanh nhẹn, am tường về các lĩnh vực tại địa phương, cùng cách nói chuyện gần gũi, chân chất, luôn hết mình vì công việc chung, ông Từ dần chinh phục được người dân trong xã.

Ông Trần Văn Đê, Bí thư Đảng uỷ xã Vinh Xuân (Phú Vang) cho biết: Vai trò của người trưởng thôn càng được đề cao, đặc biệt là công tác vận động Nhân dân thực hiện các tiêu chí, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. “Chính những người như ông Từ đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn; từ đó góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo làng quê, đời sống người dân ngày càng được cải thiện”.

20 năm làm trưởng thôn, bao lần ông xin nghỉ nhưng bà con ở thôn Xuân Thiên Hạ nhất quyết bầu lại vì họ vẫn tín nhiệm. Bởi lẽ, họ vẫn quý mến người “vác tù và hàng tổng” như ông Từ luôn âm thầm lặng lẽ đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của địa phương.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top