ClockThứ Sáu, 22/01/2021 14:55

Phát triển bất động sản hài hòa với bảo tồn di sản

TTH - Phát triển các dự án (DA) bất động sản (BĐS) là nhân tố phát triển nhưng phải có chiến lược, hài hòa với nhiệm vụ bảo tồn các giá trị di sản.

Thu hút đầu tư bất động sản có định hướng

Dự án khu phức hợp Manor Crown đã triển khai xây dựng hoàn thiện

Thị trường “ấm” trở lại 

Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thời gian qua, với sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, thị trường BĐS đã “ấm” trở lại. Những chính sách khuyến khích, cởi mở của tỉnh kích thích một làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực này. Một số DA lớn thu hút nhu cầu cao và đạt kết quả tốt như các khu đô thị Phú Mỹ Thượng, Phú Mỹ An, khu phức hợp Manor Crown... với giá bán từ 20-26 triệu đồng/m2.

Đối với thị trường đất nền, giá cả vẫn giữ mức ổn định, việc “ấm” lên của lĩnh vực này một phần do nhu cầu mua đất ở của người dân tăng. Thống kê của Sở Xây dựng, trong khi khu vực phía bắc, tây bắc khá trầm lắng thì khu vực phía nam, đông nam của tỉnh lại rất sôi động nhờ hạ tầng kỹ thuật ban đầu của các khu vực này tương đối hoàn chỉnh và trung tâm hành chính tỉnh, TP. Huế dịch chuyển về hướng nam.

Theo ông Hùng, đến nay, tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí cho đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; đã xây dựng chương trình phát triển đô thị đến năm 2020 và định hướng đến 2030; xây dựng đề án phân loại đô thị tỉnh trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế.

Dự án khu phức hợp Manor Crown đã triển khai xây dựng hoàn thiện

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, với quỹ đất sạch dồi dào và những lợi thế về hạ tầng, giao thông, chính sách quy hoạch và phát triển, địa bàn tỉnh sẽ là nơi các nhà đầu tư BĐS hướng đến trong thời gian tới. Tuy nhiên, tính minh bạch, công khai của thị trường BĐS các địa phương còn yếu. Việc triển khai Nghị định của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS chưa hiệu quả. Một số công cụ thuế, tín dụng, đất đai để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê và chống đầu cơ BĐS vẫn thiếu.

Thực tế trên địa bàn xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư DA chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS. Thị trường BĐS hiện đang phát triển thiếu bền vững, có những bất ổn. Xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư đầu cơ BĐS và các thủ đoạn tạo giá ảo, tạo sóng BĐS ảo khiến thị trường này có những rủi ro. Hành lang pháp lý, các thủ tục hành chính, tiến độ thẩm định giá đất, công khai các thông tin quy hoạch, đất đai còn nhiều hạn chế.

Mục tiêu kép bảo tồn và phát triển

Huế là một đô thị di sản, để phát triển thị trường BĐS cần phải rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở.

Ông Nguyễn Xuân Hoa (nhà nghiên cứu văn hóa Huế) cho rằng, nhiều năm trước đây, Huế không thể thu hút những DA đầu tư BĐS có quy mô lớn và gần như đóng băng. Đó vừa là thiệt thòi nhưng cũng lại là một điều may mắn bởi tránh cho đô thị di sản Huế khỏi bị những công trình BĐS “xé nát” do thiếu quy hoạch hợp lý.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, đã đến lúc phải giải bài toán bảo tồn và phát triển, nhất là phát triển BĐS gắn với bảo tồn đô thị di sản Huế một cách thật căn cơ, tạo thế phát triển mới cho tỉnh theo tinh thần của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển địa phương này đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là một bài toán hóc búa về giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đã làm một số nhà đầu tư rất dè dặt, e ngại khi đến với Huế.

Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Hoa, trước hết phải nhìn nhận đô thị di sản Huế không chỉ là di tích cố đô, gắn với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đa dạng trên địa bàn, mà đây là một kinh đô lịch sử sống động, một thành tựu của nền kiến trúc cảnh quan Việt Nam.

Huế đang tiến hành mở rộng thành phố và thực hiện đề án chuyển toàn tỉnh thành thành phố di sản cấp quốc gia, trực thuộc Trung ương nên đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy bảo tồn và tư duy phát triển theo nguyên tắc bền vững. Đó là bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn. “Cần sớm hình thành bản đồ phát triển BĐS để vừa bảo tồn đô thị di sản vừa phát triển BĐS gắn xây dựng tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương”,  ông Hoa đề xuất.

Theo TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, nên khuyến khích phát triển các khu đô thị mới văn minh, cao tầng với hạ tầng hiện đại tại các vùng đất mới. Điều này không những đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai của địa phương mà còn giúp giảm mạnh áp lực phát triển lên khu đô thị hiện hữu, nhờ đó sẽ gián tiếp góp phần cho việc bảo tồn di sản. Tỉnh trong tương lai trở thành đô thị di sản loại 1 trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước, sẽ đem lại nhiều cơ hội, thách thức cho sự phát triển các DA BĐS. Cần lưu ý là Huế có điều kiện thuận lợi về quỹ đất sạch, vị trí chiến lược để phát triển đô thị đôi trung tâm vùng cùng với Đà Nẵng, vị trí cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế đông tây.

“Huế sẽ có nhiều cơ hội vừa trở nên giàu có vừa sang trọng. Tức là giàu kinh tế nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa lịch sử. Lâu nay, Huế loay hoay chuyện bảo tồn và phát triển. Hãy nhìn rộng ra, theo gương tiền nhân khai phá các vùng đất mới nhằm có thể đem lại các lợi ích kinh tế cao cho toàn tỉnh, không việc gì cứ phải chen chúc bám vào vùng đất cũ, là nơi ưu tiên hơn cho việc bảo tồn di sản”, ông Sơn nói.

Sản phẩm chưa thể hiện “di sản Huế”

Trong hội thảo mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, phát triển BĐS phải đặt trong định hướng đô thị hóa, hiện đại hóa, phát triển ngành nghề và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh nói chung và TP. Huế nói riêng theo lợi thế so sánh của Huế. Hiện các DA BĐS ở Huế vẫn còn đơn điệu, chưa thể hiện rõ nét “di sản Huế”.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Động lực phát triển từ các “đại dự án”

Năm 2024, nhiều dự án (DA) trọng điểm dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh. Các DA này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Động lực phát triển từ các “đại dự án”

TIN MỚI

Return to top