ClockThứ Ba, 18/09/2018 07:00

Phát triển du lịch gắn với di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch

TTH - In đậm dấu ấn thời niên thiếu và trưởng thành của vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, hệ thống di tích và điểm di tích Bác Hồ ở Huế phát huy tốt chức năng giáo dục truyền thống cho cán bộ, Nhân dân và thế hệ trẻ. Tuy nhiên, việc gắn phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh với du lịch vẫn hạn chế.

Tu bổ, tôn tạo di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí MinhTìm hiểu, khám phá tại Nhà lưu niệm Bác HồPhát huy giá trị di tích lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương NỗĐẩy mạnh quảng bá, làm phong phú thêm nội dung trưng bày tại Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Du khách tham quan nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ. Ảnh: NVCC

Chưa thu hút

Cách xa trung tâm thành phố nhưng nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nỗ vẫn có sức hút với du khách, nhất là khách quốc tế. Ngôi nhà mái tranh hòa mình giữa thiên nhiên, giữa cuộc sống của người dân quê đôn hậu đã chiếm trọn cảm tình của nhiều du khách quốc tế đến tham quan. Với ngôi nhà rường ba gian mái ngói ở đường Mai Thúc Loan cũng vậy. Nhiều khách tham quan chia sẻ, trong khung cảnh đơn sơ, yên bình giữa chốn đô thị, những câu chuyện giản dị về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế càng thêm cuốn hút.

Năm 2012, Bảo tàng Hồ Chí Minh xây dựng các tour tham quan bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết nối với các công ty lữ hành để đưa các di tích này vào tour tuyến. Tuy vậy, từ đó đến nay, ít khi có các đoàn khách lớn đến thăm bảo tàng và các di tích mà chủ yếu là khách lẻ. Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, cho rằng: “Lượng khách đến với bảo tàng và các di tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế còn quá khiêm tốn. Du khách trong và ngoài nước hầu hết chỉ biết đến Đại Nội và các lăng tẩm triều Nguyễn, rất ít người biết Huế còn là nơi lưu giữ các di tích quan trọng về thời niên thiếu Bác Hồ”.

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ là nơi để giáo dục truyền thống cho học sinh

Các di tích về Bác Hồ ở Huế chưa thu hút du khách, ngoài việc chưa có chiến lược gắn kết với các hoạt động du lịch trên địa bàn thì hoạt động trưng bày tại bảo tàng còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, hiện vật trưng bày không phong phú. Ở các di tích còn rất đơn điệu, không có các hình thức trưng bày bổ trợ đi kèm.

Đội ngũ thuyết minh viên, những người dẫn dắt, kể chuyện về Bác Hồ còn hạn chế về kỹ năng mềm, chưa thu hút, tạo ấn tượng mạnh với khách tham quan. Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, cho biết: “Phương tiện đi lại khó khăn cũng là một trở ngại. Với di tích ở Mai Thúc Loan, xe du lịch lớn không thể vào được. Di tích Dương Nỗ lại xa trung tâm thành phố. Di tích Trường Quốc Học là trường học, không thể đưa khách đến trong giờ học”.

Xây dựng tour tổng hợp

Trong buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao vào tháng 7 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị sở này chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng đề án hình thành tour du lịch theo chân Bác Hồ thời niên thiếu tại Huế, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ tranh thủ các nguồn vốn để tôn tạo, trùng tu các di tích. Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang nghiên cứu các phương án để xây dựng đề án, tìm ra những giải pháp tích cực để phát huy mạnh mẽ giá trị của di tích.

Du khách tham quan nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan

Theo bà Lê Thùy Chi, việc xây dựng nội dung và hình ảnh điểm đến, gắn với việc quảng bá về bảo tàng và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế có ý nghĩa quan trọng nhằm thu hút du khách đến tham quan. Bảo tàng Hồ Chí Minh và các đơn vị du lịch, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp, đẩy mạnh công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các tour du lịch gắn với các di tích lưu niệm về Bác Hồ, chú trọng xây dựng những sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với nội dung của mỗi di tích…

Ngoài việc đầu tư chỉnh trang không gian, cảnh quan di tích khang trang, sống động hơn, cần làm mới không gian, đổi mới hình thức trưng bày theo hướng gắn liền với câu chuyện về thời niên thiếu của Bác ở Huế. Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch, Sở Du lịch cho rằng, đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên biết thổi hồn vào câu chuyện, đủ sức truyền tải cho du khách, nhất là khách quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ một cách truyền cảm, mới cuốn hút được cảm nhận của du khách.

Giữa hệ thống di sản dày đặc, trong khi ngày lưu trú của khách ở Huế chỉ 1-2 ngày, khách không đủ thời gian tham quan một chương trình du lịch chuyên đề về các di tích Bác Hồ, có thể kết hợp giữa các di tích này với các điểm tham quan khác để xây dựng thành một tour du lịch tổng hợp có sức thu hút du khách. Chẳng hạn, trên đường về Thanh Tiên, Phú Mậu có thể ghé qua Dương Nỗ thăm nhà lưu niệm của Bác. Hoặc, sau khi tham quan Đại Nội sẽ ghé nhà lưu niệm Bác ở Mai Thúc Loan.

Từ những năm 2005-2008, Vietravel chi nhánh Huế đã tổ chức tour với các điểm đến gắn với Bác Hồ ở Huế gồm nhà lưu niệm ở Mai Thúc Loan, Dương Nỗ và Bảo tàng Hồ Chí Minh với 2 tuyến chính: Huế city và làng Sình - Thanh Tiên - Dương Nỗ - Khu du lịch Mỹ An, cách thức tổ chức là dùng xe đạp. Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế cho hay: “Bước đầu tổ chức, kết hợp thêm một số hình thức và games nhỏ trong tour, chúng tôi đã dẫn các đoàn sinh viên, học sinh tham quan, dâng hoa, báo cáo thành tích. Tour này được đón nhận hồ hởi, các nhóm khách quốc tế cũng rất hào hứng dù số lượng chưa đông. Tuy nhiên, do có sự điều chỉnh kinh doanh, một số điểm đến có thay đổi nên chúng tôi tạm ngưng. Dự tính, chúng tôi sẽ triển khai lại tour này vào cuối năm nay với hình thức đơn giản hơn”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, giúp đỡ vốn... đó là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) giúp hội viên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

TIN MỚI

Return to top