ClockThứ Hai, 02/08/2021 06:45

Phát triển kinh tế toàn diện để tạo việc làm bền vững

TTH - Giai đoạn 2021-2025, dự báo mỗi năm, toàn tỉnh có trên 16.700 người có nhu cầu về việc làm. Để tạo việc làm ổn định, bền vững cần những giải pháp trong phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, đổi mới hướng nghiệp cũng như cần những chính sách ưu tiên về lao động, việc làm...

Tìm việc làm cho người lao độngPhát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững

Nhu cầu việc làm và yêu cầu hiệu suất lao động tăng, đòi hỏi cần lồng ghép những giải pháp về phát triển kinh tế, đào tạo, thông tin việc làm

Nhu cầu tăng và yêu cầu khắt khe

Những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, môi trường đầu tư thuận lợi, nhiều thành phần kinh tế tham gia, nhiều dự án (DA) đầu tư mới được triển khai đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động.

Hiện nay, toàn tỉnh có 3.569 doanh nghiệp (DN) đang còn hoạt động. Từ năm 2017 đến 2020, thông qua việc lồng ghép thực hiện các chương trình, DA phát triển kinh tế - xã hội cùng sự phát triển của các DN đã góp phần giải quyết việc làm cho 41.795 lao động.

Hàng năm, tỉnh luôn quan tâm đến chương trình lao động, việc làm thông qua thực hiện lồng ghép các chương trình, kế hoạch như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giáo dục nghề nghiệp; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, việc giải quyết, đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động cũng như người sử dụng lao động vẫn thiếu ổn định.

Đến nay, có 602.555 lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Năm 2021, dân số trong độ tuổi lao động toàn tỉnh khoảng 671.000 người. Dự báo đến năm 2025, con số này tăng lên hơn 702.720 người, chiếm 61% so với tổng dân số của tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, dự báo mỗi năm có khoảng 15.000 người bước vào độ tuổi lao động và có khoảng 16.760 người có nhu cầu về việc làm.

Theo Nghị quyết Đại hội  Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ tiếp tục chuyển dịch, đến năm 2025 tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ chiếm 53-54%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31- 32%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 7- 9% trong cơ cấu kinh tế. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ làm cho cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Theo đó, đến năm 2025, lao động ngành du lịch, dịch vụ chiếm 44,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31,8%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 23,5% trong số lao động làm việc trong nền kinh tế là 644.800 người.

Gỡ nút thắt bằng phát triển đa ngành nghề

Theo kết quả dự báo cung, cầu lao động của Sở LĐTB&XH, công tác giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021- 2025 còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có khó khăn do dịch COVID-19, thiên tai, sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông thôn lên thành thị.

Cùng với đó là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có năng suất lao động cao, hàm lượng công nghệ và chất xám cao ngày càng lớn và tỷ trọng các ngành có năng suất lao động thấp giảm đi cũng sẽ tác động đến quá trình phân công lại lao động xã hội. Những lao động không đáp ứng yêu cầu của công việc dần dần sẽ bị đào thải và được thay thế bằng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn, tác phong công nghiệp, năng suất lao động cao.

Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh bổ sung khoảng 8.000 người vào lực lượng lao động, cung cấp một nguồn lao động dồi dào, trẻ, khỏe và năng động, đem lại nhiều cơ hội trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Cũng đồng thời với số người có việc, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 lao động thất nghiệp.

Theo Bộ luật Lao động năm 2019, số tuổi lao động nam và nữ sẽ nghỉ hưu muộn hơn. Vì vậy, thời gian đến lực lượng lao động bước ra khỏi độ tuổi lao động sẽ giảm so với giai đoạn cũ, điều này cũng tạo thêm áp lực mới cho việc giải quyết việc làm.

Trước yêu cầu thực tế này, để giải quyết việc làm mới, nhất là tạo việc làm cho 83.400 lao động trong 5 năm tới, các ngành, các cấp chính quyền địa phương và toàn hệ thống chính trị phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, DA, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh quyết định và các chương trình, đề án, DA do UBND tỉnh ban hành để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho 83.400 lao động. Trong đó, tạo việc làm thông qua phát triển các ngành kinh tế của tỉnh cho 61.400 lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho 12.000 lao động thông qua các DA vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; đưa 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 1,5%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 - 75%. 100% người lao động đến với Trung tâm Dịch vụ việc làm được tư vấn về chính sách, việc làm và học nghề, trong đó có 50% người lao động được giới thiệu việc làm và 70% trong số này tìm được việc làm.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top