ClockThứ Hai, 11/10/2021 05:51

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin

TTH - Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) là chuẩn bị trước một bước quan trọng vừa tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư và thu hút các “đại bàng” về CNTT và công nghệ cao đến Huế “làm tổ”.

Chuyển đổi số là chuyển đổi phương thức làm việcỨng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phòng, chống dịchCông nghệ là yếu tố then chốt

Hướng dẫn sinh viên thực tập tại Công ty Píoftware. Ảnh: Liên Minh

“Đất dụng võ”cho nhân lực chất lượng cao

Để chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng với yêu cầu và chiến lược phát triển của ngành kinh tế CNTT tại địa phương, có hai việc quan trọng và được ưu tiên thực hiện là công tác truyền thông – hướng nghiệp cho các em học sinh từ bậc phổ thông, và đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) tỉnh vào tháng 4/2020, có 51% học sinh phổ thông mong muốn theo học ngành CNTT, và 83% các em đó chọn học CNTT tại Huế. Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT, hàng năm, chỉ có 6,7% học sinh đăng ký ngành có yếu tố CNTT (2.276 em) và 32,7% trong số đó (774 học sinh) đăng ký thi tại các trường ở Huế. Một con số có thể cho thấy công tác truyền thông – hướng nghiệp ngành CNTT được thực hiện chưa đồng bộ.

Một số liệu cần trao đổi là các em học sinh chuyên tin tại Trường Quốc học Huế từ năm 2017 đến năm 2019, chỉ có từ 23,5% (8/34) em đến 30% (9/30) em đăng ký thi vào trường đại học (ĐH) có yếu tố CNTT và chỉ có 1 học sinh đăng ký thi tại Trường ĐH Khoa học Huế (năm 2018). Các con số có thể nói lên tất cả thực trạng công tác truyền thông – hướng nghiệp về CNTT trong bậc học phổ thông. Đối với sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT vào làm việc các doanh nghiệp (DN) tại Huế, theo khảo sát của Viện NCPT, nhu cầu tuyển ngoài của các DN là 76% (nghĩa là nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của DN tại Huế chỉ là 24%) và đa số các em học sinh ra trường phải được đào tạo lại, nhất là về kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng làm việc, đặc biệt là trong môi trường quốc tế.

Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 3/2/2020 của UBND tỉnh đến hết năm 2020 sẽ đào tạo và huy động hơn 2.000 nhân lực CNTT làm việc tại Huế; đến năm 2025 đạt 10.000 nhân lực CNTT phục vụ phát triển công nghiệp CNTT.

Để đảm bảo nguồn nhân lực 10.000 người trong lĩnh vực CNTT, đầu vào ngành CNTT và các ngành phụ trợ phải đạt quy mô 2.000 - 3.000 sinh viên/năm, trong đó sinh viên chuyên ngành CNTT khoảng 1.500 sinh viên/năm. Tuy nhiên, hiện con số này mới đạt khoảng 350 sinh viên.

Theo khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại các DN CNTT được xác định là chủ lực tại địa phương (không tính đến các DN nhỏ khác), nhu cầu nhân lực của các DN này tăng theo từng năm và đến năm 2025, tổng số nhân lực CNTT trong các DN này là 8.469 người...

Khát vọng về một giấc mơ sáng tạo số

Nhiệm vụ đầu tiên mà UBND tỉnh giao cho Sở TT&TT là cơ quan chủ trì và triển khai chương trình xúc tiến các cam kết giữa DN CNTT với các cơ sở đào tạo trong việc đặt hàng số lượng, chất lượng nhân lực và các cơ sở đào tạo cung ứng nguồn nhân lực cho các DN. Các DN CNTT sẽ phải cam kết tiếp nhận nguồn nhân lực từ các cơ sở đào tạo trên cơ sở chiến lược phát triển kinh doanh tại Thừa Thiên Huế.

Đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và quản trị trường ĐH; nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ĐH cũng như cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo hướng thực tế, triển khai mô hình 3+1 (3 năm kiến thức cơ bản và 1 năm chuyên ngành của DN CNTT) và mô hình chuyển đổi nghề nghiệp 4+1 (4 năm chuyên ngành và 1 năm chuyển đổi CNTT) đối với sinh viên tốt nghiệp các ngành ngoại ngữ, kinh tế, kiến trúc, nghệ thuật, y dược, công nghệ sinh học. Kết hợp thực tập, thực tế và tham gia các Lab IoT, AI,… của sinh viên tại các DN, cơ sở đào tạo và các đơn vị CNTT, Trung tâm công nghệ.

Các cơ sở đào tạo cùng chung tay vào công tác truyền thông – hướng nghiệp, xây dựng các câu lạc bộ, đội nhóm AI, BigData, IoT trong các trường phổ thông, kết hợp với đổi mới chương trình dạy học môn tin học. Mục tiêu là thu hút cho được học sinh chuyên tin Quốc học và các em học sinh khá, giỏi thi vào ngành CNTT, phấn đấu trung bình hàng năm có 15% (khoảng 1.500) học sinh các trường phổ thông tại Thừa Thiên Huế đăng ký ngành học có yếu tố CNTT&TT. Xây dựng quỹ học bổng để đào tạo ngành CNTT cho các em đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi Olympic về tin học. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo tích cực tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp nền tảng số, các giảng viên CNTT phải tham gia vào và là thực thể quan trọng. Đội ngũ giảng viên CNTT tại các trường ĐH, cao đẳng vừa là người truyền thụ kiến thức cho sinh viên, vừa là người quản lý DN nhằm giữ, thu hút sinh viên CNTT ở lại Huế làm việc. Mỗi giảng viên CNTT là một cố vấn khởi nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo công nghệ số tại các cơ sở đào tạo về CNTT.

Tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ cho vay từ nguồn đầu tư và phát triển giúp sinh viên khó khăn trang trải học phí, và các nguồn quỹ từ các DN để sinh viên có thể vay và cam kết trả dần sau khi tốt nghiệp, làm việc tại các DN. UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên có các sản phẩm, ứng dụng về CNTT&TT tham gia các giải thưởng sáng tạo KHKT và các sản phẩm đó sẽ được giới thiệu vào hệ sinh thái khởi nghiệp nền tảng số để đưa vào phát triển sản phẩm.

Chiến lược phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chuyển dịch theo hướng cơ cấu, lấy công nghiệp CNTT làm động lực đổi mới. Vì vậy, phải xây dựng khát vọng của người dân Huế, sinh viên Huế về một giấc mơ Huế - Giấc mơ của sáng tạo số, cùng với đó là việc mời gọi những người con Huế từ khắp nơi, chuyên gia cao cấp về CNTT đến Huế làm việc và cùng địa phương thực hiện một giấc mơ sáng tạo, trong một môi trường làm việc an toàn, “xanh - sạch - sáng”...

Nguyễn Hữu Lương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top