ClockThứ Ba, 07/12/2021 13:30

Phát triển nông nghiệp hữu cơ

TTH - Mở rộng địa giới hành chính, diện tích đất nông nghiệp tại các xã, phường mới sáp nhập khá lớn nên định hướng của TP. Huế trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp xanh, bền vững; trong đó tập trung sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC), ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp số.

Ký kết hợp tác, đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơChuyển tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệpỨng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Mô hình trồng ném ở phường Hương An

Nhiều mô hình khả quan

Sau khi thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi heo truyền thống, năm 2016 bà Đặng Thị Hiếu, thôn Châu Chữ, xã Thủy Bằng, TP. Huế liên kết với Công ty CP Tập Đoàn Quế Lâm (Công ty Quế Lâm) chăn nuôi heo hữu cơ. Bước đầu, bà Hiếu đầu tư 200 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại đủ tiêu chuẩn chăn nuôi; Công ty Quế Lâm chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi, từ khâu chọn giống, đầu tư thức ăn, chăm sóc khi heo bệnh, vệ sinh chuồng trại và thu mua heo khi đến thời điểm xuất chuồng. Sau 3 năm, từ số lượng thử nghiệm 30 con, đến nay trang trại heo hữu cơ của bà Hiếu đã nâng lên 200 con, bao gồm cả heo thịt và heo nái, doanh thu trên 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 thành viên trong gia đình.

Theo bà Đặng Thị Hiếu, so với mô hình chăn nuôi heo truyền thống thì chăn nuôi hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều, trong đó không lo đầu ra cho sản phẩm vì đã có Công ty Quế Lâm bao tiêu, nuôi chừng nào nhập chừng đó với mức giá cao hơn heo truyền thống từ 15- 17 ngàn đồng/kg hơi. Chăn nuôi hữu cơ có sự giám sát và hướng dẫn kỹ thuật của công ty nên heo không dịch bệnh. Đầu năm 2022, gia đình sẽ đầu tư xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để tăng số lượng heo, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của công ty khi nhu cầu sử dụng heo hữu cơ của thị trường ngày càng nhiều.

Mô hình trồng rau hữu cơ là một trong những điển hình trong chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ ở phường Kim Long. Thành lập từ năm 2015, hiện mô hình tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ với tên gọi “Niềm tin” có diện tích 6.000m2, với 8 hộ tham gia đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông -lâm - thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua thời gian hoạt động, hiện 8 hộ trên đã thường xuyên cung cấp rau sạch, an toàn cho các cửa hàng trong thành phố, bình quân một ngày từ 50- 60kg, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên cũng như tạo nguồn rau sạch cho thị trường.

Theo Chủ tịch UBND phường Kim Long - Phan Vĩnh Duy Mãn, nhiều năm qua, một số hộ dân trên địa bàn đã đầu tư kinh phí mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ, từ diện tích 3.000m2 nay đã lên gần 6.000m2, thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, khó khăn ở địa phương trong việc sản xuất NNHC đó là diện tích đất nông nghiệp hiện rất hạn chế. Hiện, tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn hơn 27ha, trong đó diện tích trồng lúa chiếm 20ha, còn lại trồng rau màu nên gặp khó khăn trong việc mở rộng mô hình sản xuất NNHC.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, hiện trên địa bàn có 3 mô hình sản xuất NNHC, trong đó có 2 mô hình liên kết với Công ty Quế Lâm để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đó là chăn nuôi heo hữu cơ tại xã Thủy Bằng với quy mô 200 con và trồng lúa gạo đỏ ở xã Hương Phong với diện tích hơn 20ha. Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc phát triển NNHC là nhận thức của người dân còn hạn chế, công sức bỏ ra nhiều, yêu cầu khắt khe về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước, đặc biệt là phải sản xuất liên vùng liên thửa để không tác động đến diện tích sản xuất xung quanh. Trong đó, mối lo lớn nhất của bà con đó là đầu ra cho sản phẩm vì giá sản phẩm NNHC cao hơn so với các sản phẩm truyền thống nên rất khó tiêu thụ.

Liên kết & bao tiêu sản phẩm

Với định hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, trong đó tập trung sản xuất NNHC, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích đất nông nghiệp tại các địa phương mới sáp nhập còn nhiều, UBND TP. Huế vừa ký kết hợp tác đồng hành sản xuất NNHC với Công ty Quế Lâm. Mục đích của hợp đồng ký kết nhằm hỗ trợ và hợp tác, tập huấn cho cán bộ và nông dân nâng cao nhận thức làm NNHC, kinh tế tuần hoàn, quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo TCVN 11041-2:2017: trồng trọt hữu cơ và TCVN 11041-3:2017: chăn nuôi hữu cơ; giới thiệu, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng có hiệu quả các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ vi sinh cao cấp.

Theo đó, thành phố sẽ chọn từ 1-2 HTX (hoặc thôn/tổ dân phố) để xây dựng mô hình sản xuất an toàn về NNHC, bao gồm cả chăn nuôi và trồng trọt để làm điểm tiến tới hình thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tạo điều kiện xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ, chọn các cửa hàng để giới thiệu và bán sản phẩm hữu cơ trên địa bàn thành phố.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế - Võ Lê Nhật, để thực hiện các mô hình sản xuất NNHC, các địa phương, đơn vị, người nông dân phải nâng cao nhận thức, chuyển đổi phương thức canh tác; thay đổi tư duy từ định lượng sản xuất nông nghiệp theo hướng năng suất, sản lượng thành kinh tế nông nghiệp, có nền nông nghiệp xanh, bền vững và giá trị cao. Lợi thế của thành phố trong việc phát triển NNHC đó là Công ty Quế Lâm là đơn vị tiên phong trong sản xuất hữu cơ, có bề dày kinh nghiệm và uy tín trên toàn quốc, đủ thực lực và khả năng để cùng thành phố đổi mới, phát triển bền vững ngành NNHC, tăng giá trị sản phẩm nông sản, hình thành nền nông nghiệp có chuỗi giá trị gia tăng góp phần nâng cao đời sống của người nông dân, bảo vệ môi trường.

Chủ tịch HĐQT Công ty Quế Lâm, ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định, để tiếp sức cho bà con nông dân trên địa bàn TP. Huế sản xuất NNHC, trên cơ sở các vùng sản xuất NNHC tập trung hiện có, đơn vị sẽ phối hợp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu của thành phố. Đồng thời đầu tư đầu vào, cùng nhau xây dựng phát triển thị trường tiêu thụ, cam kết thu mua các sản phẩm NNHC do công ty ký kết với nông dân đảm bảo lợi nhuận của nông dân tham gia nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, an toàn...  

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Động lực phát triển từ các “đại dự án”

Năm 2024, nhiều dự án (DA) trọng điểm dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh. Các DA này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Động lực phát triển từ các “đại dự án”
Return to top