ClockThứ Ba, 08/11/2022 14:45

Phát triển nông nghiệp hữu cơ - xu thế tất yếu - Kỳ 2: Hướng đi bền vững

TTH - Được xem là giải pháp để phát triển, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thế mạnh về du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên Huế, vậy nên, tính bền vững trong phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là yếu tố đặt lên hàng đầu.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ - xu thế tất yếu - Kỳ 1: Tạo đà từ hướng đi đúng

Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Mỹ Hải (phải) tại buổi làm việc với cơ quan chức năng liên quan đến chứng nhận sản phẩm hữu cơ

Nhìn “điểm” để khắc phục

Năm 2017, HTX Phù Bài (xã Thủy Phù - TX. Hương Thủy) kết hợp với Tập đoàn Quế Lâm trồng lúa hữu cơ với tổng diện tích khoảng 70ha. Ông Lê Hữu Trí – Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho hay, khi bắt tay vào làm, Tập đoàn Quế Lâm yêu cầu nông dân thực hiện theo phương thức mạ khay máy cấy. Qua thời gian thực hiện đã xuất hiện nhiều bất cập khiến đến năm 2020, nông dân đã bỏ phương thức gieo cấy trên.

“Về lý thuyết, phương thức mạ khay máy cấy nảy bụi rộng, cho năng suất cao. Tuy nhiên, khi cấy bằng máy, nhiều thửa ruộng mạ không ăn sâu xuống đất như cấy tay nên sau ít ngày, mạ lại trồi lên, buộc nông dân phải cấy lại bằng tay, vừa mất thời gian, tốn kém chi phí lại chậm thời vụ. Mà chậm thời vụ dẫn đến ảnh hưởng năng suất, chất lượng và nguy cơ thiệt hại nặng nếu rơi vào thời điểm bão lũ”, ông Trí nêu thực trạng.

Trồng lúa hữu cơ bằng phương pháp mạ khay máy cấy ở xã Thủy Phù

Bên cạnh thực trạng ông Trí nêu, có thể do kết cấu của máy cấy không phù hợp với địa hình, địa chất các thửa ruộng ở địa phương này (chứ không phải là tất cả), theo tính toán của ông Nguyễn Ngọc Khánh, nông dân tham gia trồng lúa hữu cơ ở HTX nông nghiệp Phù Bài, lúa vô cơ trung bình 1ha cho năng suất từ 70-75 tạ, giá bán từ 600-700 ngàn đồng/tạ. Còn lúa hữu cơ chi phí đầu vào (công, phân bón…) gần gấp đôi, năng suất 50-55 tạ/ha nhưng Tập đoàn Quế Lâm thu mua chỉ từ 750 – 800 ngàn đồng/tạ. Trong khi đó, lúa hữu cơ của HTX nông nghiệp An Lỗ (Phong Điền), HTX nông nghiệp Phú Mỹ (Phú Vang) liên kết với Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt được công ty này thu mua trên 1 triệu đồng/tạ.

“Sau HTX nông nghiệp Phù Bài, trên địa bàn xã Thủy Phù còn có HTX nông nghiệp Thủy Phù cũng liên kết với Tập đoàn Quế Lâm trồng lúa hữu cơ. Tuy nhiên, những bất cập tương tự khiến hiện tại, nông dân nơi đây không còn áp dụng phương thức mạ khay máy cấy vào sản xuất lúa hữu cơ”, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù Lê Hữu Trí thông tin.

Không thể phủ nhận hiệu quả từ các mô hình NNHC trên địa bàn tỉnh của Tập đoàn Quế Lâm đem lại thời gian qua. Minh chứng là hồi đầu năm nay, trong chuyến làm việc với Tập đoàn Quế Lâm ở Huế liên quan đến sản xuất NNHC an toàn bền vững, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đánh giá cao và khuyến khích nhân rộng các mô hình NNHC, chăn nuôi liên kết an toàn sinh học của tập đoàn này.

Hay nói cách khác, bất cập trồng lúa hữu cơ ở xã Thủy Phù không đại diện cho tất cả mô hình NNHC trên toàn tỉnh nói chung, các mô hình hữu cơ liên kết của Tập đoàn Quế Lâm nói riêng, bởi nếu như vậy, không thể có chuyện UBND tỉnh tiếp tục ký kết hợp tác thúc đẩy phát triển NNHC giai đoạn 2022 đến 2025, định hướng đến 2030 với tập đoàn này, cũng như không thể có chuyện các mô hình, diện tích NNHC ở Huế ngày càng phát triển.

Gian nan chứng nhận sản phẩm hữu cơ

Ngoài câu chuyện lúa hữu cơ ở xã Thủy Phù, sản phẩm NNHC trên địa bàn tỉnh đang phải đối diện với khó khăn trong việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ (CNSPHC) – cơ sở giúp người tiêu dùng nhận dạng, tìm kiếm sản phẩm hữu cơ phù hợp với nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho cá nhân, gia đình.

Dầu lạc hữu cơ Mỹ Á tham gia chứng nhận hữu cơ của HTX Nông nghiệp Mỹ Hải

Qua tìm hiểu, có 2 phương thức CNSPHC: thuê các tổ chức chứng nhận bên thứ 3 trong và ngoài nước đánh giá, chứng nhận và chứng nhận hữu cơ theo Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (Participatory Guarantee System - PGS).

Ở phương thức đầu, chi phí bỏ ra rất cao, khoảng 10 triệu đồng/ha. Và thực tế, điều này bất khả thi đối với các mô hình hữu cơ quy mô nông hộ, tổ, nhóm mà chỉ phù hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn, hướng đến thị trường xuất khẩu. Còn phương thức thứ 2 (PGS), nhiều ý kiến đánh giá là một cơ chế đảm bảo chất lượng với chi phí thấp, giúp bảo đảm chất lượng nông sản, tạo lòng tin với người tiêu dùng. 

Theo ông Hồ Đăng Khoa – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản & thủy sản (Sở NN&PTNT), PGS là một hệ thống, mà ở đó có sự tham gia của các bên liên quan vào đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm hướng vào thị trường địa phương. Người sản xuất được xác nhận tuân thủ dựa vào sự tham gia tích cực của các bên liên quan bao gồm cả người sản xuất và người tiêu dùng trong hệ thống. Chi phí chứng nhận thấp PGS, thậm chí không tốn chi phí phù hợp với quy mô sản xuất hữu cơ nông hộ, tổ, nhóm.

“Theo Điều 17, Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về NNHC là khuyến khích nông dân, tổ chức cá nhân tham gia Hệ thống bảo đảm cùng tham gia PGS. Tuy nhiên, vướng mắc theo Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan không có hướng dẫn cách thức tổ chức, xây dựng hệ thống PGS cũng như phương thức chứng nhận PGS. Điều này đã gây lúng túng cho việc hình thành PGS tại các địa phương”, ông Hồ Đăng Khoa nêu thực trạng.

Hướng đi bền vững

Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã thành lập liên nhóm PGS tại 3 huyện Phú Lộc, Quảng Điền và Phú Vang từ Dự án VIE/433. Nhưng những sản phẩm hữu cơ trên được bán tương đương giá nông sản thông thường do chưa được chứng nhận, trong khi, các doanh nghiệp lại yêu cầu có chứng nhận sản phẩm hữu cơ để tiêu thụ trên thị trường hiệu quả hơn.

Như vậy, vấn đề đặt ra là cần thành lập Ban điều phối PGS cấp tỉnh tại Thừa Thiên Huế để chịu trách nhiệm thẩm định, chứng nhận PGS các sản phẩm nông sản hữu cơ theo TCVN 11041-2017; qua đó, góp phần giải quyết vấn đề chứng nhận hữu cơ ở quy mô nông hộ, tổ, nhóm; kết nối doanh nghiệp, chuỗi ngành hàng tiêu thụ, xây dựng mô hình liên kết; tìm kiếm hỗ trợ từ các dự án trong và ngoài nước, từ doanh nghiệp để có thêm nguồn lực phát triển, lan tỏa mạnh hơn phong trào sản xuất NNHC, nông nghiệp tuần hoàn.

Ngoài ra, để NNHC phát triển bền vững, đạt hiệu quả như mong muốn, các cấp, các ngành cũng cần phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan, chẳng hạn như Trường đại  học Nông Lâm – ĐH Huế xây dựng Đề án nông nghiệp hữu cơ đoạn 2022-2026 và định hướng đến 2030 nhằm có những giải pháp tháo gỡ bất cập, đáp ứng được mục tiêu phát triển nền NNHC có giá trị gia tăng cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Bên cạnh tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm, mô hình NNHC, một biện pháp được xem là mấu chốt để các sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng rộng rãi, đó là nhất thiết phải nhân rộng các cửa hàng bày bán sản phẩm hữu cơ kết hợp với các sản phẩm OCOP, nhất là ở khu vưc thành phố và đặt ở những địa điểm giao thông thuận tiện, dễ tiếp cận.

Xác định phát triển NNHC vừa là xu hướng, vừa là giải pháp để phát triển, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thế mạnh về du lịch, dịch vụ, cùng với những giải pháp trên, cần sự tiếp tục vào cuộc của Hội Nông dân tỉnh, ngành NN&PTNT trong hỗ trợ, phối hợp với Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh để lan tỏa phong trào sản xuất NNHC và đạt chuẩn NNHC trên địa bàn tỉnh bền vững; tập hợp các hộ dân sản xuất kinh doanh giỏi, tổ, nhóm, HTX để liên kết sản xuất, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ.

Bài, ảnh: Hàn Đăng Khoa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Return to top