ClockThứ Tư, 01/07/2020 17:18

Phát triển rừng trồng gỗ lớn từ cây keo

TTH - Dù đã thật sự hiệu quả nhưng trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC vẫn còn trở ngại. Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020, tổng diện tích rừng gỗ lớn (RGL) trên địa bàn tỉnh là 16 ngàn ha, trong khi đó ước thực hiện đến hết năm 2020 chỉ khoảng 8.339,7 ha.

Rừng lại kêu cứuGỡ đầu ra cho gỗ rừng trồngGỗ rừng trồng xuất ngoạiTrồng rừng gỗ lớn: Giá trị tăng cao, đầu ra đảm bảo

Vườn ươm keo lai thân thiện môi trường ở Phú Sơn (TX. Hương Thủy)

Trở ngại

Hơn 20 năm trồng rừng kinh tế, ông Trần Đình Thao (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) là một trong những hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn (RGL), có chứng chỉ FSC.

Cách đây 4 năm, từ sự vận động của chính quyền địa phương, các ban ngành, ông Thao mạnh dạn chuyển đổi 3 ha rừng gỗ nhỏ sang RGL, có chứng chỉ FSC. Mới đây, các diện tích rừng của ông Thao đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả.

Ông Thao nhẩm tính, mỗi chu kỳ trồng RGL có chứng chỉ FSC thường có thời gian kéo dài trên 10 năm, mỗi ha đạt sản lượng trên 250 tấn sản phẩm, giá trị 250 triệu đồng. Trong khi đó, trồng rừng gỗ nhỏ chỉ 4 năm, hoặc có thể 5 năm, cho thu hoạch, sản lượng chỉ đạt bình quân 85 tấn sản phẩm/ha, có giá trị từ 80-100 triệu đồng/ha.

Chủ tịch Hội Chủ rừng và Phát triển bền vững tỉnh, ông Võ Văn Dự đánh giá, hoạt động trồng RGL bước đầu đã và đang nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế rừng; đồng thời gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước tiếp cận phương pháp sử dụng đất rừng một cách hiệu quả, bền vững.

Theo ông Dự, trồng RGL do mới triển khai thực hiện nên các chủ rừng chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích thực tế mang lại. Đời sống người dân ở các xã miền núi còn nhiều khó khăn, thường mong muốn kinh doanh rừng trồng với chu kỳ ngắn ngày, sớm có thu nhập.

Để trồng rừng cung cấp gỗ lớn cần có giải pháp kỹ thuật trồng, chọn giống phù hợp, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng theo yêu cầu thâm canh cao hơn. Do vậy, một bộ phận chủ rừng khi tham gia trồng rừng thâm canh gỗ lớn còn bỡ ngỡ, chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật nên bị động trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với chủ rừng là các đơn vị lâm nghiệp có diện tích đất trồng rừng chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn. Việc chăn thả gia súc, gia cầm không kiểm soát đã ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng và phát triển các diện tích rừng mới trồng. Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt, kéo dài gây khó khăn cho hoạt động trồng rừng...

Những trở ngại đã ảnh hưởng đến kế hoạch, mục tiêu phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC. Theo kế hoạch đến cuối năm 2020, diện tích rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC toàn tỉnh 9.000 ha, đến nay mới chỉ đạt 7.768,3 ha. Kế hoạch giai đoạn 2017-2020, tổng diện tích RGL trên địa bàn tỉnh là 16 ngàn ha, trong khi đó ước thực hiện đến hết năm 2020 chỉ khoảng 8.339,7 ha.

Cây keo chủ lực

Phó Giám đốc Sở NNvà PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn chia sẻ, các giải pháp vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia trồng RGL; chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho người dân theo quy trình RGL... là những việc làm được ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tích cực triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển trồng RGL, có chứng chỉ FSC.

Cây giống được xác định là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định thành công mô hình trồng RGL. Trong đó, cây keo là sự lựa chọn phù hợp cho mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, có chứng chỉ FSC.

Ông Tuấn đánh giá, keo là cây chủ lực có vai trò quan trọng trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc và góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt đối với khu vực nông thôn, miền núi. Rừng trồng keo gỗ nhỏ sau 5-6 năm có thể thu hoạch 150 - 200 m3/ha, giá trị ước khoảng 80-100 triệu đồng/ha. Đối với rừng trồng cung cấp gỗ lớn với chu kỳ dài từ 10-12 năm có thể đạt khoảng 250 m3/ha, giá trị ước khoảng 250 triệu/ha, tăng gấp 2,5 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ.

Ưu điểm của rừng keo là cho thu hoạch sản phẩm nhanh, giải quyết khó khăn kịp thời trước mắt về nhu cầu kinh tế cho các hộ dân. Do đó, trồng rừng keo vẫn là lựa chọn hàng đầu trong hoạt động trồng rừng kinh tế, mang lại thu nhập, phù hợp với đại bộ phận người trồng rừng. Trồng rừng keo cung cấp gỗ lớn còn là giải pháp phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng rừng trồng; tăng khả năng hấp thụ các bon, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó biến đổi khí hậu.

 

Nhu cầu tiêu thụ gỗ keo phục vụ cho các nhà máy chế biến lâm sản hiện nay trên địa bàn tỉnh rất lớn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 240 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến lâm sản; trong đó có 230 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ nhỏ lẻ, cưa xẻ hàng gia dụng phục vụ nhu cầu tại chỗ tại các địa phương và 10 cơ sở chế biến dăm gỗ, viên nén, ván okal... có tổng công suất trên 800 ngàn tấn/năm. Trong khi đó, diện tích rừng trồng thuần keo ước khoảng 84.495,7 ha, chiếm hơn 72,2% diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh; sản lượng hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tổng vốn dự kiến thực hiện gần 470 tỷ đồng

Việc xây dựng kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn bằng các loài keo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh là cần thiết để tiếp tục thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng. Tổng diện tích thực hiện kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn bằng các loài keo giai đoạn 2021-2025 là 9.459,0 ha; tổng vốn dự kiến thực hiện gần 470 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Động lực phát triển từ các “đại dự án”

Năm 2024, nhiều dự án (DA) trọng điểm dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh. Các DA này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Động lực phát triển từ các “đại dự án”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top