ClockThứ Sáu, 04/02/2022 14:30
XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THỪA THIÊN HUẾ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:

Phát triển xanh, tăng trưởng xanh

TTH - Thừa Thiên Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, Kinh đô của đất nước dưới thời Quang Trung và triều Nguyễn. Mật độ dày đặc các di tích, lễ hội và làng nghề làm cho không gian Huế sống động như một bảo tàng.

Thừa Thiên Huế còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Vịnh Lăng Cô là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á. Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Cảnh Dương - Chân Mây - Lăng Cô là khu du lịch trọng điểm quốc gia. Huế là đô thị du lịch quốc gia.

Phát huy tối đa những khác biệt, đặc thù riêng

Từ thuở Kinh đô, xứ Huế là nơi hội tụ hiền tài, tạo cho Huế nét kiêu sa của đất kinh kỳ, dáng vóc kinh thành hùng vĩ của một thủ đô. Huế không chỉ được nhắc đến là Cố đô mà còn nghĩ về một xứ sở thơ ca, vùng đất thiên nhiên hòa quyện. Thiên nhiên ban tặng cho Huế những giá trị mà càng nghĩ, càng nhìn thì càng thấy, càng thấm vì giá trị đó không đong đếm được. Hiếm có thành phố nào nằm bên sông, dựa vào núi và hướng ra biển. Giá trị địa thế đã được khẳng định, tạo cho Huế luôn là vùng đất tiềm năng, có thể luôn luôn mới, mãi giữ được ký ức một thời vàng son, có thể hội nhập trong một tâm thế một thuở kinh kỳ.

Chủ trương xây dựng tiêu chí và chính sách đặc thù là để công nhận tỉnh Thừa Thiên Huế là đô thị di sản, thành phố trực thuộc Trung ương. Chuyển thành thành phố trực thuộc Trung ương là con đường phù hợp nhất tạo điều kiện để Thừa Thiên Huế khai thác tiềm năng, thế mạnh cho phát triển bền vững; đồng thời, để bảo vệ, giữ gìn được quần thể di sản có quy mô lớn nhất, toàn vẹn và điển hình nhất của đất nước; giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc trong hội nhập toàn cầu.

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thể hiện rõ nét quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, trong đó, phát triển văn hóa là nền tảng, là động lực của phát triển, đặc biệt, trong bối cảnh phát triển đô thị với tốc độ nhanh như hiện nay.

Vai trò thành phố trực thuộc Trung ương tạo vị thế xứng đáng trong mối quan hệ liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên Huế có điều kiện cùng với Đà Nẵng, Hội An đảm nhiệm vai trò vùng đô thị - cực tăng trưởng của khu vực; tạo động lực phát triển bền vững cho miền Trung và Tây Nguyên, phát huy truyền thống kết nghĩa Huế - Sài Gòn - Hà Nội, nâng cao vai trò các danh hiệu được các tổ chức quốc tế và ASEAN tôn vinh.

Xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương mở đường thu hút nguồn lực cho bảo tồn và phát huy những giá trị vô giá của di sản Cố đô Huế và tạo sức mạnh động viên to lớn cho toàn Đảng bộ, Nhân dân Thừa Thiên Huế trong chặng đường phát triển tiếp theo.

Hướng tới xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài điều chỉnh những tiêu chuẩn đối với đô thị di sản trong phân loại đô thị thì Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh nhà cần tập trung nâng cao chất lượng nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, phát huy tối đa những khác biệt, đặc thù riêng.

Đối với Huế, việc tìm ra mô hình, các giải pháp phù hợp để xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế hết sức khó khăn nhưng cần thiết, nhằm tạo nên những đột phá - hình ảnh một đô thị hiện đại xứng tầm khu vực và trên thế giới - mang đậm nét truyền thống và đặc trưng của một đô thị trung tâm lớn của miền Trung.

Cố đô của các nước đều có mô hình tương tự Huế. Thừa Thiên Huế, gồm đô thị di sản Huế sẽ phát triển không giống như các thành phố khác với những tòa nhà cao tầng, khu công nghiệp dày đặc, mật độ dân cư đô thị đông đúc, mà theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung, hạn chế việc can thiệp, ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan truyền thống.

Phát triển đô thị hướng tới vùng đô thị, xây dựng Thừa Thiên Huế theo mô hình tập hợp đô thị văn hóa được cấu thành bởi đô thị hạt nhân Huế - đô thị văn hóa - lịch sử và các thị trấn sinh thái thân thiện với môi trường được phát triển bền vững trong mối quan hệ đô thị - nông thôn - thiên nhiên. Thành phố tương lai hình thành bởi nhiều cấu trúc đô thị nhỏ dạng thị trấn, tạo ra sự phát triển chuyển tiếp giữa các làng mạc và phố xá, bảo tồn được thiên nhiên. Hình thành kết nối xanh giữa các đô thị sẽ là đặc trưng của đô thị Thừa Thiên Huế.

Kết nối xanh để tạo tăng trưởng xanh

Kết nối xanh không đơn thuần là tạo mảng xanh giữa các đô thị mà là sự kết nối giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái thâm trầm của Cố đô với sôi nổi của đổi mới; phát triển trong kết nối các giá trị sinh thái thiên nhiên và nhân văn là nền tảng phát triển bền vững.

Với 4.902km2, quy mô quá lớn nếu trở thành đô thị toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong diện tích này có gần 2.000km2 là rừng, có thể ví như lâm viên trong đô thị. Thừa Thiên Huế còn có hệ đầm phá rộng hơn 22.000ha, lớn nhất Đông Nam Á đảm đương vai trò công viên đầm phá quốc gia; diện tích mặt nước và cây xanh rộng lớn sẽ tạo rừng trong phố, vườn trong nhà là đặc trưng, khác biệt để xây dựng đô thị Huế theo mô hình đô thị sinh thái và thân thiện với môi trường.

Với lợi thế phát triển và đặc thù, Thừa Thiên Huế cần những khích lệ và “cú huých” mạnh mẽ về mô hình đô thị cũng như kinh tế để xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia và quốc tế, xứng đáng là “đô thị sinh thái, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường và thông minh” của Việt Nam.

Bài: Phan Ngọc Thọ

Ảnh: Tuấn Kiệt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng trưởng xanh, đi nhanh để chiếm ưu thế

Với xu thế phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đều đặt ra mục tiêu phải sản xuất xanh, tuần hoàn để tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh, đi nhanh để chiếm ưu thế
Thu hút đầu tư “xanh”

Tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất sau Hội nghị COP26 khi Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từ đây, câu chuyện thu hút đầu tư theo hướng “xanh hóa” cũng được chú trọng hơn.

Thu hút đầu tư “xanh”
Nhìn lại thế giới 2023: Chìa khóa tăng trưởng xanh

Chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của nguyên vật liệu và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, đang là xu thế chung của toàn cầu. Đây được xem là cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Nhìn lại thế giới 2023 Chìa khóa tăng trưởng xanh
Phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Chiều 22/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Hue Innovation Day 2023, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học: “Thừa Thiên Huế - Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu
Hướng đến tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh là vấn đề được đặt ra trên phạm vi toàn cầu, nhất là với Việt Nam khi đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy và nguy cơ ngày càng gia tăng về khí hậu và môi trường.

Hướng đến tăng trưởng xanh
Return to top