ClockThứ Sáu, 30/03/2018 14:40

Phía sau cuộc sống bình yên

TTH - Mới ở rừng, thoắt đã xuống biển, bước chân của các chiến sĩ đặc nhiệm Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh in dấu khắp các nẻo đường, bất chấp gian nan.

BĐBP tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2018Đoàn công tác Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra tại BĐBP Thừa Thiên HuếBộ Tư lệnh BĐBP hỗ trợ 500 triệu đồng khắc phục hậu quả thiên tai.

Kề vai bên đồng đội

Lên rừng, xuống biển

Hỏi bất cứ cán bộ, chiến sĩ đặc nhiệm nào, câu trả lời luôn là: “Khi chúng tôi đi thực hiện nhiệm vụ, ngay cả ruột thịt trong gia đình cũng không biết con, chồng, cha… của mình đi đâu và bao giờ về. Kể cả điện thoại, người thân cũng “quán triệt” là… không gọi, vì sợ ảnh hưởng đến chồng, con đang thực hiện nhiệm vụ”. Bởi nhiệm vụ lần theo dấu vết, ngăn chặn, phòng và chống tội phạm phải đảm bảo tuyệt đối bí mật.

Đã mấy năm trôi qua, nhưng đối với Thượng tá Tôn Thất Nguyên Đạt, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Thiếu tá Bùi Ngọc Sơn và các chiến sĩ đặc nhiệm, những ngày gian nan ăn gió nằm sương, phá vụ án mua bán trái phép vật liệu nổ vẫn còn như in trong trí nhớ. Nắm thông tin có đối tượng là người Quảng Nam đến các xã biên giới huyện A Lưới “gom” thuốc nổ, các chiến sĩ đặc nhiệm bắt đầu hành trình ngày này qua ngày khác bám theo từng bước. Đối tượng rất thủ đoạn, chỉ hoạt động vào ban đêm, tại các xã A Roàng, A Đớt, Hồng Trung... Giữa núi rừng, bóng tối thường rất dày đặc, nếu bám theo quá gần thì dễ bị đối tượng phát hiện, ngược lại dễ mất dấu. Nhiều tháng theo dõi, điều tra, các chiến sĩ biết chắc đầu mối mà đối tượng sẽ đến nhận hàng là tại nhà một người đàn ông địa phương sống trong khu vực cạnh con suối. Việc giao nhận hàng cũng sẽ diễn ra trong đêm, nhưng không biết lúc nào đối tượng sẽ hành động, buộc lòng mỗi ngày khi bóng đêm đã trùm xuống, các anh lại ra bờ suối… nằm chờ.

Đêm lạnh. Hơi đá, hơi nước bốc lên càng lạnh thấu xương. Muỗi và vắt thi nhau hút máu. Nhưng các anh vẫn nằm im không dám động cựa. Bởi trong thanh vắng, chỉ cần một tiếng động khẽ cũng khiến bầy chó nhà đua nhau sủa inh ỏi. Thức trắng. Chịu lạnh. Chịu muỗi, vắt hút máu như thế liền sáu đêm. Đến đêm thứ bảy, đối tượng xuất hiện hành động. Tính toán, nếu bắt ngay tại trận, đối tượng manh động với lượng thuốc nổ lớn sẽ rất nguy hiểm cho những người dân sinh sống xung quanh. Vậy nên, khi bao tải gần 90 kg thuốc nổ được chất lên sau yên xe máy, đối tượng đã ra khỏi khu dân cư, các anh đón đầu, pha đèn pin yêu cầu dừng lại. Đối tượng tông thẳng xe máy vào các chiến sĩ đặc nhiệm, rú ga bỏ chạy. Khi vấp phải chướng ngại vật khiến chiếc xe máy bị ngã, đối tượng vứt lại tang vật, lẩn trốn vào rừng. Lúc đó là 9 giờ đêm. Nhận định đối tượng từ xa tới, không thông thuộc địa hình, không dễ đi xa. Thế nhưng rừng đêm mênh mông, các anh lại phải rọi đèn pin “lật” từng bụi cây, ngọn cỏ. Sau 6 giờ đồng hồ lùng tìm, đến 3 giờ sáng thì tội phạm sa lưới, tra tay vào còng. Phá xong một vụ án, nếu nhận được lệnh, chiến sĩ đặc nhiệm lại ngay lập tức từ rừng xuống biển, tiếp tục âm thầm thực hiện nhiệm vụ mới. Nhiều khi cả tháng mới về nhà.      

Thầm lặng

Lực lượng đặc nhiệm là “mũi nhọn” chuyên trách ngăn chặn, phòng ngừa và chống tội phạm. Phòng còn quan trọng hơn cả chống, vậy nên chiến sĩ đặc nhiệm thường xuyên xa nhà, vác ba lô hết địa bàn này đến địa bàn khác. Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm đã từng cùng đồng đội trong tổ công tác “nằm” tại xã Phong Hải (Phong Điền) liền mấy tháng để thực hiện nhiệm vụ điều tra, ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên sử dụng cỏ mỹ (1 loại ma túy) đang có nguy cơ “lây lan” khắp cả vùng Ngũ Điền. Trong những ngày “lần từng nhà, rà từng ngõ…”, nhiều đối tượng nghiện được các anh thuyết phục, vận động tự nguyện đi cai nghiện, đồng thời các anh cũng thông báo cho gia đình, địa phương quản lý, giúp đỡ họ để ngăn chặn nguy cơ tái nghiện.

Điều khiến Thượng tá Dũng day dứt nhất là trường hợp một sinh viên đại học vốn thông minh và năng động nhưng sa vào con đường nghiện ngập nên bị nhà trường cho thôi học. Gần gũi tâm tình, động viên, thanh niên này đồng ý cai nghiện. Có lần lên cơn, tự chìa tay ra cầu cứu các anh trói lại giúp. Lúc thanh niên này tự nguyện vào trại cai nghiện 6 tháng, các anh đã rất vui. Thế nhưng, lòng chùng xuống trĩu nặng khi về với đời sống bên ngoài, thanh niên đó lại không đủ nghị lực để dứt bỏ, không thắng nổi cám dỗ chết người.

Nỗi trăn trở không nguôi đã thúc giục những bước chân của các anh mòn dấu trên khắp mọi nẻo đường để truy bắt tội phạm gieo rắc cái chết trắng. Hiếm hoi những giây phút hạnh phúc giản dị, được quây quần bên gia đình. Có những cha mẹ già yếu, ốm đau thiếu bàn tay chăm sóc của đứa con trai. Có những người vợ trong mưa bão, chông chênh, thiếu bờ vai mạnh mẽ của chồng... Có những nỗi nhớ đành “cất giữ” lại, chỉ biết lặng lẽ đợi chờ. Và biết bao hy sinh thầm lặng khác để những bàn tay, bờ vai ấy vững vàng gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà thiêng liêng, giữ gìn bình yên cho cuộc sống.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Bình yên ngồi xuống

Tôi ân cần dẫn bạn đến những quán cà phê vườn thoáng đãng giữa lòng Cố đô. Thương hiệu của Huế là thành phố xanh, là thành phố sống chậm nên thiếu gì nơi chốn để bạn trải nghiệm một nếp sống thong dong.

Bình yên ngồi xuống
Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Với chủ đề "Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", Tháng Thanh niên năm 2024 là dịp để tuổi trẻ toàn tỉnh phát huy vai trò xung kích, tình nguyện góp sức cùng hệ thống chính trị xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
KỶ NIỆM 45 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17/2/1979 - 17/2/2024)
Không thể quên những người đã vì biên cương bình yên

Cách đây 45 năm, quân và dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhắc lại cuộc chiến là cách tri ân những thế hệ cha anh đã đổ xương máu để biên cương bình yên và cũng là thêm một lần nhắc nhớ về một Việt Nam có chủ quyền và luôn hướng tới một tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác để cùng nhau phát triển.

Không thể quên những người đã vì biên cương bình yên
Return to top