ClockChủ Nhật, 02/01/2022 06:37

Phía tây nhiều mới lạ

TTH - Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy), Hương Hồ và Hương Thọ (thị xã Hương Trà) sáp nhập, đô thị phía tây Huế không chỉ được mở rộng không gian mà còn là cơ hội để kết nối và phát triển văn hóa, du lịch.

Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương đạt giải VàngTheo dòng sông HươngĐồng bộ hạ tầng đô thị Huế

Vùng đất trù phú hai bờ sông Hương

1. Mấy trăm năm trước, vùng đồi phía tây nam Kinh thành Huế được triều Nguyễn “quy hoạch” làm nơi xây dựng lăng mộ của vua chúa. Các thiết chế văn hóa (Văn Thánh, đàn Nam Giao…) của vương triều Nguyễn cũng được hình thành. Thế đất cao ráo, phong cảnh hữu tình và trầm mặc, nơi đây tập trung nhiều chùa chiền, đặc biệt có nhiều ngôi cổ tự. Sự xuất hiện của điện Hòn Chén, nguyên trước đó là ngôi đền thờ nữ thần Ponagar của người Chăm và Đan việnThiên An sau này như một sự bổ sung, góp phần tạo nên một vùng đất tâm linh.

Hơn thế kỷ trước, Nhà máy vôi Long Thọ hay Nhà máy nước Vạn Niên được xây dựng. Người Pháp rất chú trọng đến yếu tố văn hóa khi xây dựng Nhà máy nước Vạn Niên, một công trình kinh tế và dân sinh nơi vùng đồi phía tây. Ông Nguyễn Đắc Xuân rất có lý khi bảo rằng, kiến trúc sư Bossard thiết kế kiến trúc nhà máy nước giống như một lăng cổ hoặc một cái chùa như thế là để cái nhà máy của phương Tây hài hòa với cảnh quan khu vực lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh của phương Đông.

Gần đây, những công trình tôn giáo như Huyền Không Sơn thượng hay văn hóa du lịch như Nhà lưu niệm Lê Bá Đảng được xây dựng cũng chú ý khai thác những yếu tố văn hóa đặc thù. Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) được xây dựng trên một ngọn đồi thuộc làng Kim Sơn (Thủy Bằng). Đến đây, ngoài việc thưởng lãm các tác phẩm đầy cảm hứng của họa sĩ tài danh Lê Bá Đảng, du khách còn được thả hồn vào không gian thiên nhiên thơ mộng. Mọi góc nơi này đều có thể trở thành background sống ảo ưng ý.

2. Khó có thể rạch ròi nhưng riêng sáp nhập 3 xã, phường Thủy Bằng, Hương Thọ và Hương Hồ, Huế đã có thêm 100 cây số vuông vùng đồi, chiếm 2/5 tổng diện tích. Chưa tính các vùng bán sơn địa, như Thủy Biều, Thủy Xuân, An Tây… vốn cũng rất rộng lớn. Huế gần như ôm trọn sông Hương vào lòng. Không như miền biển hay vùng trũng đồng bằng khá đơn điệu, vùng đồi núi phía tây và đầu nguồn sông Hương có địa hình đa dạng với núi rừng, nương đồi, khe suối và cả những thung lũng nhỏ, những làng quê an nhiên như Châu Chữ (Thủy Bằng) hay Chầm (Hương Hồ). Tính chất núi đồi của Huế do thế càng thêm đậm đặc.

Đáng nói là những thiết chế văn hóa và lịch sử mà những vùng đất mới này góp vào cho Huế. Với Thủy Bằng, đó là đồi Thiên An, hồ Thủy Tiên các lăng vua  Khải Định, Thiệu Trị… Hương Thọ có lăng vua Gia Long, Minh Mạng, cụm lăng Chúa Nguyễn, điện Hòn Chén hay hồ Khe Rưng, mang vẻ đẹp hoang sơ, tiềm ẩn với hoa thơm và cỏ lạ. Trong khi Hương Hồ lại gợi nhớ với Huyền Không sơn thượng hay hòn Vượn. Tôi nghĩ, đó là sự bổ sung tuyệt vời và vùng đồi phía tây Huế, không hổ danh khi được ví là một Đà Lạt chốn kinh kỳ.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn đi tìm những trải nghiệm ở nơi này. Sự đa dạng địa hình và phong cảnh hữu tình tạo nên những bất ngờ thú vị. Ví như, dọc đôi bờ sông Hương từ Huế lên Tuần là những làng quê ven sông, bên này Thủy Bằng và bên kia Hương Thọ, vẫn còn đó lũy tre làng, bến nước và cả những con đò ngang. Mấy năm trước, tôi vẫn hay ngồi ở một quán cà phê nhỏ nằm chênh chếch chiếc cầu mới dựng bắc qua sông Hương ở ngã ba Tuần. Chính tại đây, từ rất nhiều góc nhìn khác nhau, không bị che chắn và lấp khuất, tôi như cảm nhận được đầy đủ hơn vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên toàn bích vùng thượng nguồn sông Hương.

Xưa vua Minh Mạng ngự thuyền đi qua, rung động trước vẻ đẹp nơi ngã ba Tuần đã cảm tác: “Một thước nước in trời/ Đò ai chiếc lá khơi/ Non cao xem vòi vọi/ Dòng biếc thấy vơi vơi…”. Lại nghĩ, lần đầu tiên định đô ở vùng đất dọc theo dòng sông Hương, chúa Nguyễn Phúc Lan chắc đã cho người thị sát và ngã ba Tuần này với vị thế và cảnh quan tuyệt vời đã giúp cho vị minh chúa niềm tin khi quyết định chọn Kim Long, cách đó không xa làm thủ phủ xứ Đàng Trong, khởi đầu cho quá trình đô thị hóa trong lịch sử phát triển đi từ Kim Long, Phú Xuân đến Huế. Còn bây giờ, mấy trăm năm sau đó, đô thị hóa đã và đang diễn ra nhưng xem ra vùng đất này vẫn đang là “của để dành” của Huế.

3. Cũng đã có nhiều mô hình và dự án phát triển ở vùng đồi phía tây Huế. Khác lạ và nhiều lắng đọng là các homestay ở vùng thanh trà Thủy Biều hay vùng thượng nguồn sông Hương. Gần đây, cung đường Minh Mạng - Khải Định - Quốc lộ 49 với điểm nhấn mới, như Làng Hành Hương, Trà Đình Vũ Di, Biệt phủ Thảo Nhi, không gian Huế Lotus Homestay và cả Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng nữa… là những bổ sung thú vị bên cạnh Đan viện Thiên An, lăng vua Khải Định, Minh Mạng. 15 năm trước, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (đền Huyền Trân), một địa chỉ du lịch mang chút phiêu bồng có cảnh sắc đậm chất thiền gắn liền với Phật giáo cũng như văn hóa Huế, được xây dựng ở phường An Tây. Cùng với Tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm ở núi Tứ Tượng (Thủy Bằng) trước đó, đền Huyền Trân và rất nhiều ngôi chùa được xây dựng gần đây đã góp phần làm đậm đà hơn giá trị tâm linh.

Mới đây trong khuôn khổ Liên hoan phim lần thứ XXII, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức 2 tour tham quan dành cho đại biểu về tham dự. Một trong số đó là tour “Tìm hiểu dấu ấn triều Nguyễn và nét văn hóa Huế” với 2 điểm đến là lăng vua Gia Long và không gian Huế Lotus Homestay. Lăng vua Gia Long tiêu biểu cho dấu ấn triều Nguyễn, còn không gian Huế Lotus Homestay là biểu tượng nét đẹp văn hóa Huế. Cùng với cơ sở tôn giáo, cảnh quan thiên nhiên, dấu ấn triều Nguyễn cùng những nét mới như Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng hay Huế Lotus Homestay là “đặc sản” của du lịch vùng đồi phía tây này.

Thời tiết tạo nên sự khác biệt khi so sánh với Đà Lạt mù sương và trong sự tương quan này thành phố cao nguyên hấp dẫn hơn nhiều so với vùng đồi phía tây Huế. Bù lại nơi đây có những thiết chế và giá trị văn hóa đặc sắc mà Đà Lạt khó có thể so sánh. Đáng nói là du lịch Huế chưa phát triển và khai thác được những tiềm năng này. Nhiều địa chỉ kể trên chưa được đầu tư để trở thành những điểm đến thực sự và cũng chưa có sự kết nối thành những tour, tuyến du lịch. Không chỉ hạ tầng yếu kém, vùng đồi phía tây Huế vẫn còn thiếu một quy hoạch phát triển rõ ràng.

Ngay từ năm 1999, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản văn hóa và môi trường cảnh quan ở tây nam thành phố Huế. Thành phố Huế được mở rộng hiện nay cần có những điều chỉnh sát thực và hơn thế, cần hướng đến mô hình cả tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, khi đó vùng phía tây Huế được mở rộng bao trùm cả A Lưới, hẳn nhiên còn có quá nhiều mới lạ đáng để khám phá, bảo tồn và phát triển.

Vùng đồi phía tây Huế cũng là thượng nguồn sông Hương. GS. TS. Sator Shigeru (Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng - Đại học Waseda cho rằng: “Đây là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và tinh thần phong phú, bao gồm: sản phẩm nông nghiệp, thế giới tinh thần (quan niệm sống, tôn giáo và tín ngưỡng), thủy lợi, hệ thống quản lý nước và các yếu tố lịch sử, văn hóa...”. Cũng theo GS. TS. Sator Shigeru, cụm lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với lưu vực thượng nguồn sông Hương là một khu vực có giá trị to lớn về nhiều mặt, xứng đáng để được công nhận di sản cảnh quan văn hóa thế giới.

Bài: Đình Nam - Ảnh: Hoàng Hải

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế

TIN MỚI

Return to top