ClockThứ Năm, 08/08/2013 05:46

Phiên tòa dang dở

TTH - Hai đứa vốn là bạn của nhau, ở cùng xóm. Trong một lần đi chơi, hai đứa cãi nhau rồi đánh nhau. Đứa thứ nhất dùng ghế gỗ đánh vào đầu đứa thứ hai, nhưng không gây thương tích. Tức. Đứa thứ hai dùng gậy gỗ đánh lại bạn, gây thương tích phải cấp cứu điều trị tại bệnh viện, nhưng không qua khỏi. Một đứa mất mạng khi tuổi đời còn rất trẻ. Đứa kia thành bị cáo.
Cha nạn nhân để di ảnh con ngay ngắn lên bàn xong, lấy trong túi xách chiếc khăn tang quấn lên đầu. Mẹ nạn nhân và mẹ bị cáo lặng lẽ ngồi cạnh nhau. Xe công an chở bị cáo tới. Lúc từ xe bị dẫn giải xuống, mặt bị cáo đã thất sắc. Những ánh mắt dồn về phía bị cáo ngồi thất thần trên dãy ghế kê sát bức tường phòng xét xử. Cha nạn nhân căm phẫn. Mẹ nạn nhân câm lặng. Mẹ bị cáo bồn chồn, lo lắng. Thỉnh thoảng từng dòng nước mắt lăn xuống làm mặt chị loang lổ.
 
Bị cáo được hội đồng xét xử gọi ra để làm thủ tục kiểm tra căn cước. Công an lại dẫn bị cáo ra sau vành móng ngựa. Bị cáo đứng sững như trời trồng, chốc chốc lại run lên bần bật. Chủ tọa phiên tòa nói “bị cáo bình tĩnh đi”, nhưng tình trạng bị cáo vẫn không khá hơn được. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu đưa đến chiếc ghế và cho phép bị cáo ngồi để trả lời. Tuy nhiên, dường như bị cáo không hiểu những điều người khác đang nói, vẫn đứng như thể chân đã bị chôn xuống đất, đồng thời không trả lời được bất cứ câu hỏi nào của chủ tọa phiên tòa.
 
Trước biểu hiện sức khỏe không bình thường của bị cáo, chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến người đại diện theo pháp luật cho bị hại. Cha nạn nhân bức xúc: “Hắn coi thường pháp luật, đang cố tình làm vậy”. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại thì cho rằng: “Thái độ bị cáo không bình thường, không trả lời được hội đồng xét xử, đề nghị xem xét”. Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa: “Không biết có phải vì bị cáo bị bệnh hay không, chưa hiểu rõ nguyên nhân. Nhưng nếu bị cáo không trả lời thì việc xét xử rất khó khăn, đề nghị hội đồng xét xử xem xét. Chủ tọa phiên tòa công bố hội đồng xét xử sẽ vào hội ý để quyết định có xét xử hay không. Bị cáo lại được dẫn về chỗ ngồi. Được cho phép, mẹ bị cáo đến ngồi trước mặt con, nói chuyện vỗ về, nhưng bị cáo vẫn bất động, không nói câu nào, như không hề nhận ra mẹ.
 
Thấy vậy, cha của bị hại tức giận: “Thằng ni giết người xong, bây chừ giả bộ để trốn tội”. Luật sư: “Tôi quan sát bị cáo từ lúc bước vào đã thất thần, không thể giả vờ được”. Mẹ bị hại: “Hắn mất bình tĩnh. Hắn sợ đến hoảng loạn.” Mẹ bị cáo nhìn mẹ bị hại, ánh mắt đầy hàm ơn vì đã hiểu được nỗi lòng của chị. Chị giãi bày: “Lúc đầu lên thăm con ở trại tạm giam, hắn còn nói chuyện được, những lần sau lên thăm, hắn cứ “ngồi một đống” không nói chi hết. Tui hoang mang lắm. Cứ nghĩ con vì sợ quá mà thành ra…” Chị bỏ dở câu nói, cúi mặt nâng vạt áo lên thấm nước mắt.
 
Hội đồng xét xử lại ra làm việc. Chủ tọa phiên tòa hỏi mẹ bị cáo: “Lần chị thăm bị cáo gần nhất cách đây bao lâu, lúc đó chị thấy tình trạng bị cáo như thế nào?” Đáp: “Tôi vào thăm 20 ngày trước, hắn không nói được chi hết”. Trả lời tòa về câu hỏi, trong thời gian vào trại bị cáo có biểu hiện như thế nào? Cán bộ y tế trại cho biết, lúc đầu bị cáo bình thường, sau đó thường xuyên mất ngủ, ăn ngủ kém. Tòa hỏi “bị cáo có biểu hiện gì về tâm thần không?” thì cán bộ y tế trại cho biết, điều này chưa khẳng định được, bị cáo phải được thăm khám và có kết luận của bác sĩ chuyên ngành.
 
Hội đồng xét xử cho rằng, do sức khỏe bị cáo không bình thường, việc xét xử không đảm bảo nên tuyên bố hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo có biểu hiện tâm thần phải được đưa đi giám định. Sau giám định, bị cáo không bị bệnh, tòa án sẽ tiếp tục xét xử.
 
Mẹ bị cáo ngóng theo chiếc xe vừa chở đứa con về lại trại tạm giam, mất hút sau ngã rẽ, vừa mếu máo: “Bạn bè chơi với nhau ai ngờ một lúc nóng nảy không kiềm chế mà nên chuyện tày trời. Chừ đứa không còn, đứa rơi vô hoàn cảnh thảm thương. Có người nói con tui giả bộ? Giả bộ làm chi, mô có thoát tội được, phải không. Bình thường con tui rất hiền lành, gây ra chuyện, nên sợ quá mà…(chị tránh nói chữ tâm thần).
 
Nếu biết kết cục bi thảm và đau đớn như thế này, liệu bị hại có dùng ghế gỗ để “nói chuyện” với bạn và bị cáo có dùng gậy gỗ để “trả lời”?
Duy Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân
Return to top