ClockThứ Ba, 11/05/2021 08:38

Phổ cập giáo dục tiểu học: Về đích nhưng vẫn còn gian nan

TTH - Mất 17 năm phấn đấu, phổ cập giáo dục tiểu học Thừa Thiên Huế mức độ 3 đã về đích. Song, giữ vững và không “đánh rơi” lại là một chuyện khác, nhất là khi áp dục chương trình giáo dục phổ thông.

Thừa Thiên Huế được công nhân đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3

Học sinh Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP. Huế) với giờ học bảo vệ môi trường

Cách tiếp cận phù hợp

Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, sự “chậm trễ” của Thừa Thiên Huế trong phổ cập giáo dục tiểu học do địa hình trải dài. Một số vùng có địa bàn chia cắt, vùng tái định cư chưa ổn định về đời sống khiến khó khăn trong huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số. Đời sống của một bộ phận Nhân dân còn nghèo, nhất là bà con dân tộc, vùng tái định cư nên công tác phổ cập giáo dục tiểu học gian nan.

Nỗ lực được ghi nhận khi Thừa Thiên Huế có nhiều cách làm phù hợp. Đầu tiên là phải kể đến việc tính toán mạng lưới trường lớp phù hợp so với đơn vị hành chính phường, xã. Cụ thể, toàn tỉnh có 195 trường/145 đơn vị xã, phường, thị trấn có trường tiểu học được xem là con số khá lý tưởng. Các địa phương không sáp nhập các điểm trường một cách cơ học. Chẳng hạn, ở Phong Điền vẫn tồn tại hai điểm trường lẻ, bởi tâm tư của phụ huynh muốn giữ lại trường để các em không đi học quá xa.

Ngay ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới không có tình trạng học sinh tiểu học bỏ học khi các điểm trường được sáp nhập và đầu tư xây dựng hợp lý. Riêng trên 900 học sinh khuyết tật được học hòa nhập ở các trường tiểu học được xem là một điển hình khi đảm bảo tốt nhất quyền được học tập cho học sinh yếu thế. Với cách tiếp cận như vậy, trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 ở Thừa Thiên Huế đạt tỷ lệ 99,99%; trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 97,41%, số còn lại đang học tiểu học.

So với mặt bằng chung của cả nước, cơ sở vật chất trường, lớp ở Thừa Thiên Huế được đánh giá rất tốt. Toàn tỉnh có 170 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt 87,18%. Mạng lưới trường, lớp phát triển theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá. Đáng nói, các trường đều “liệu cơm, gắp mắm”, tập trung cho học sinh. Vẫn còn nhiều trường ban giám hiệu chưa đủ phòng làm việc, nhà vệ sinh giáo viên chưa có kinh phí cải tạo nhưng lại đủ phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh cũng như phương tiện, thiết bị cần thiết để phục vụ hoạt động dạy và học.

Đội ngũ giáo viên ở Thừa Thiên Huế được đánh giá khá chuẩn. Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo: 5.159/5.159 (100%); giáo viên đạt trình độ trên chuẩn đào tạo là 5.096/5.159 (98,78%). Tuyển dụng đủ giáo viên cho những vùng sâu, vùng xa và cho lớp học 2 buổi/ ngày. Nhất là, đội ngũ giáo viên tiếng Anh và tin học đều đủ và đạt chuẩn. Đây là sự đón đầu khá tốt khi sắp đến các môn tin học được đưa vào môn bắt buộc.

Sau hai ngày kiểm tra thực tế tại 9 đơn vị cấp huyện, 18 đơn vị cấp xã; 18 trường tiểu học và 36 hộ gia đình, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, đây là địa phương có cách tiếp cận nhân văn trong hành trình phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học mức 3.  Các tiêu chí đều đạt rất cao, nhưng quan trọng là không sắp xếp, bố trí hay thực hiện một cách máy móc mà tùy vào tình hình thực tế của các địa phương để có sự đầu tư, điều chỉnh phù hợp.

Vẫn còn nhiều điều phải làm

Sau 17 năm phấn đấu, đây là thời điểm nước rút để Thừa Thiên Huế phải “về đích” để hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học mức 3. Theo ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, với sự công nhận này, giáo dục tiểu học Thừa Thiên Huế sẽ được đầu tư thỏa đáng để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Có khá nhiều vấn đề đặt ra khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Yêu cầu bắt buộc là học sinh học hai buổi/ngày, tuy nhiên, đa số các trường học trên địa bàn tỉnh mới đáp ứng tiêu chí này cho học sinh lớp 1. Chưa kể, 2 môn ngoại ngữ và tin học phải có phòng thực hành; các môn mỹ thuật, âm nhạc cũng phải có phòng học chức năng. Nhiều phòng học ở các trường có máy vi tính nhưng không sử dụng được.

Giải pháp tình thế được đề xuất trong thời điểm này là cần huy động nguồn lực, trong đó phải kể đến đa dạng xã hội hóa giáo dục phủ hợp nhằm mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng trường lớp ở các địa phương. Hoặc, chí ít trong thời điểm này, các trường phải điều chỉnh, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để lớp nào cũng có đủ các thiết bị dạy và học.

Theo kiến nghị của Đoàn công tác thuộc Bộ GD&ĐT, số phòng học tạm bợ, bán kiến cố, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… cũng cần được đầu tư để rút dần khoảng cách vùng, miền cho học sinh. Cần tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để các em đảm bảo sức khỏe học hai buổi/ngày.

 Vấn đề đội ngũ giáo viên trong thời điểm này cũng đã được tính đến. Theo chuẩn mới, giáo viên tiểu học phải có bằng đại học, thế nên, toàn tỉnh vẫn còn trên 1.500 giáo viên cần được đào tạo để đạt chuẩn. Thực tế, tỷ lệ giáo viên ở Thừa Thiên Huế hiện nay là 1,5 giáo viên/lớp học là khá chuẩn nên khả năng tuyển thêm giáo viên mới là rất ít. Quan điểm của người đứng đầu ngành giáo dục là sẽ ghi nhận về sự cống hiến của đội ngũ giáo viên này và tiếp tục đào tạo để họ đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu dạy học hiện nay.

Giáo dục tiểu học mức độ 3 của Thừa Thiên Huế sẽ vững như “kiềng ba chân” nếu tiếp tục nhận được sự quan tâm, cộng hưởng của các cấp chính quyền và người dân. Điều đó sẽ giúp bậc học tiểu học dễ dàng tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất người học.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

Từ ngày 5/3 đến 15/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các trường học có bán trú thuộc 25 xã nghèo.

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo
Hàn Quốc: Hơn 150 trường tiểu học không có học sinh lớp 1

Bộ Giáo dục Hàn Quốc mới đây cho biết tổng cộng 157 trường tiểu học trên khắp cả nước sẽ không có học sinh lớp 1 nào nhập học vào tháng 3 này, do số lượng học sinh mới dự kiến sẽ thấp kỷ lục trong năm học sắp tới.

Hàn Quốc Hơn 150 trường tiểu học không có học sinh lớp 1
Giáo dục văn hóa địa phương cho học sinh

Tết cổ truyền là dịp để mọi người tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là dịp các trường học tổ chức những hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để giáo dục văn hóa địa phương cho học sinh.

Giáo dục văn hóa địa phương cho học sinh
Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

Để tăng cơ hội cho trẻ em ở vùng khó khăn được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện.

Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

TIN MỚI

Return to top