ClockThứ Năm, 12/04/2012 00:05

Phố đặc sản Huế

TTH - Hơn ba năm trở lại đây, trên 2 tuyến đường Lê Huân và Ông Ích Khiêm, đoạn từ góc Lê Huân đến cửa Quảng Đức mọc lên nhiều cửa hàng bán các loại đặc sản Huế thu hút đông đảo du khách. Ngoài các sản phẩm làm quà tặng như kẹo mè xửng, rượu Minh Mạng, trà Cung đình, áo dài, nón lá, hạt sen, tôm chua, ruốc, mắm, cà muối... một số điểm còn kinh doanh các loại bánh Huế, chè Huế phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát. Những ngày Festival Huế 2012 này, các điểm kinh doanh ở phố đặc sản Huế luôn sôi động và nhộp nhịp khách...

Nói về “lịch sử ra đời” của phố đặc sản Huế, một chủ kinh doanh có “thâm niên” ở đây cho biết, kinh thành Huế là “địa chỉ vàng” của du khách khi đến Huế. Sau khi tham quan Đại Nội, rất nhiều du khách ghé hỏi địa chỉ bán các đặc sản Huế để mua làm quà cho người thân. Thấy đây là nhu cầu chung của nhiều du khách và có thể kinh doanh được nên họ thử bày bán các sản phẩm mè xửng, tôm chua, nón lá... Từ một điểm kinh doanh đầu tiên làm ăn được, nhiều hộ có mặt bằng và điều kiện kinh doanh ở 2 tuyến đường này lần lượt “nhập cuộc”. Ban đầu, các sản phẩm chính chủ yếu là mè xửng, tôm chua, nón lá... dần dần, các điểm kinh doanh bổ sung thêm trà cung đình, hạt sen, ruốc, mắm, áo dài, rượu Minh Mạng... Phố đặc sản Huế ở nội thành ra đời từ đó và làm ăn ngày càng phát đạt.

Sự hình thành và phát triển của phố đặc sản Huế tạo một nét mới trong hoạt động dịch vụ du lịch của tỉnh; đồng thời góp phần đưa các sản phẩm truyền thống của địa phương đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Nếu được quan tâm đầu tư và phát triển đúng hướng, phố đặc sản Huế không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống Huế, mà còn mở ra một loại hình dịch vụ du lịch đầy triển vọng ở khu vực quanh hoàng thành Huế, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho một bộ phận nhân dân Huế.
 
Tuy nhiên để trở thành “địa chỉ tin cậy” của đông đảo du khách khi đến Huế, các chủ kinh doanh ở phố đặc sản Huế còn nhiều việc cần phải làm. Điểm hạn chế chung lâu nay của nhiểu điểm kinh doanh ở phố đặc sản là chưa niêm yết công khai giá các sản phẩm được bày bán. Điều này không chỉ gây tâm lý không tốt cho du khách, mà còn vi phạm qui định của pháp luật. Ngoài ra, tình trạng chèo kéo, giành giật khách của “đội cò” làm “ô nhiễm” môi trường kinh doanh chung. Và để vừa chi “hoa hồng” với mức “cạnh tranh” cho đội ngũ “cò mồi” vừa có lợi nhuận cao, không ít chủ kinh doanh đã đẩy giá sản phẩm bán ra quá cao so với giá gốc và giá bán bình quân chung. Những việc làm trên là nhân tố làm tổn hại đến uy tín và thương hiệu chung phố đặc sản này. Đã hội tụ 2 yếu tố “thiên thời” và “địa lợi”, vấn đề còn lại của các chủ kinh doanh ở đây là làm thế nào để tạo được lòng tin của các “thượng đế”. Vì “nhân hòa” mới là yếu tố bền vững.
 
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top