ClockThứ Tư, 27/07/2022 05:52

Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022: Cần sự bứt phá

TTH - Thừa Thiên Huế có trên 96% học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT); xếp phổ điểm đứng thứ 29/63 tỉnh, thành. Kết quả này phản ánh những khó khăn và thách thức trong giáo dục đại trà.

Phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đồng đều và thực chất hơnPhổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 rất ấn tượng và có cải thiện ở môn Lịch sử, tiếng AnhBộ GD&ĐT hướng dẫn ba cách tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2022Nhiều tỉnh, thành hoàn tất công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2022Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 trong tháng 7/2022

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm Trường Hai Bà Trưng. Ảnh: MC

Môn lịch sử điểm cao

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cùng phổ điểm các môn thi và một số khối thi, theo đánh giá của một số chuyên gia, không có sự thay đổi lớn so với năm 2021, giữ ở mức ổn định. Nếu như năm trước, toàn tỉnh có 243 thí sinh đạt điểm 10 thì năm nay chỉ có 41; trong đó, 3 điểm 10 môn ngữ văn và 12 điểm 10 môn lịch sử.

Kết quả môn ngữ văn năm nay được đánh giá giữ ổn định như năm ngoái, khi có mức điểm trung bình là 6,51. Những năm trước, môn lịch sử thường có tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình cao thì năm nay được đánh giá là đã khởi sắc khi có đến 12 bài thi đạt điểm 10 và số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình giảm mạnh (chỉ 19,34%). Nhiều giáo viên cho rằng, phổ điểm môn lịch sử “đẹp” do đề thi tương đối dễ. Với 80% câu hỏi cơ bản, đáp án không đánh đố, gây nhiễu, phù hợp với tình hình dịch bệnh và các câu phân hóa cao cũng không khó như năm trước dẫn đến bài thi điểm 10 tăng đột biến.

Về cơ bản, tất cả các môn, phổ điểm đều vẫn giữ ổn định, tỷ lệ điểm 8 vẫn như năm trước. Trong khi đó, môn vật lý năm ngoái “bị kêu đề khó, điểm thấp”, năm nay đề thi đã có sự điều chỉnh, do đó điểm trung bình môn thi khá cao (6,72 điểm).

Ở tổ hợp khoa học tự nhiên, kết quả thi có sự thay đổi đáng kể là bộ môn sinh học. Nếu như năm ngoái môn thi này có “mưa” điểm 10, thì năm nay toàn quốc chỉ có 5 bài đạt mức điểm tối đa. Thừa Thiên Huế không có điểm 10, các bài thi từ điểm 9 trở lên cũng có rất ít thí sinh đạt được. Với các khối thi, về cơ bản phổ điểm năm nay vẫn từ 21-26 nên điểm thi của các khối tuyển sinh không có quá nhiều biến động so với năm ngoái. Tổ hợp nào có môn lịch sử thì điểm sẽ nhỉnh lên một chút. Tổ hợp nào có môn tiếng Anh thì điểm sẽ giảm đi, nhưng không đáng kể.

Phổ điểm năm nay nhìn chung khá đẹp, phân hóa tốt, thuận lợi cho các trường tuyển sinh ĐH. Đối với môn tiếng Anh, nhìn vào phổ điểm có thể thấy, số lượng bài thi thí sinh đạt nhiều trong khoảng 3,2 - 4,0 và trượt thấp dần về chiều điểm cao. Điều này phản ánh đúng thực tế dạy và học ở trường phổ thông, đó là có nhiều học sinh chưa học tốt môn ngoại ngữ, tuy nhiên cũng có không ít bài thi đạt điểm khá giỏi tập trung ở vùng học sinh được đầu tư từ sớm.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chênh lệch giữa các vùng, miền

Đối với nhóm thí sinh thuộc vùng, miền khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… điểm trung bình thấp hơn, nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn. Ở một số môn, kết quả học tập thể hiện trong học bạ khá sát với điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này cho thấy, công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học của các địa phương đã có tiến bộ. Hầu như trường nào cũng có một chiến lược riêng khi thành lập tổ giáo viên hỗ trợ học sinh yếu kém. Trong đó, chú trọng đến dạy phụ đạo, tăng tiết, xây dựng ngân hàng đề, tổ hợp đề sát với năng lực học sinh ở nhiều trường. Thậm chí, các trường THPT còn tổ chức những hội thảo về môn tiếng Anh, lịch sử qua đó chia sẻ những kinh nghiệm để tạo sự hứng thú cho học sinh.

Trong số hơn 400 thí sinh trượt tốt nghiệp, có đến gần 200 em ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Mục tiêu mà ngành giáo dục đặt ra là phấn đấu tăng bậc trong kỳ thi tốt nghiệp, giải pháp cũng đã có nhưng năm nay lại tiếp tục lỗi hẹn. Chất lượng giáo dục đại trà chưa thật sự bứt phá. Giáo dục giữa khu vực miền núi và miền xuôi vẫn còn khoảng cách nhất định; việc xét tốt nghiệp THPT năm nay dựa trên kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi THPT quốc gia theo tỷ lệ 30/70 đã ảnh hưởng lớn đến đối tượng học sinh có học lực yếu, chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp... dẫn đến tình trạng học lệch, học tủ.

Hiệu trưởng ở nhiều trường THPT cho rằng, công tác quản lý dạy, học chưa đồng bộ, chưa đều tay giữa các trường; việc quản lý đánh giá kết quả học tập của học sinh chưa chặt chẽ, chưa thực sự khách quan. Một bộ phận phụ huynh, nhất là những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa chưa thực sự quan tâm đến việc học tập, rèn luyện của con em mà phó thác cho nhà trường nên kết quả học tập còn hạn chế...

Tất nhiên, những chỉ tiêu của kỳ thi THPT quốc gia chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để đánh giá chất lượng giáo dục đại trà của một địa phương. Bởi thực tế, phải xét ở nhiều góc độ khác như, công tác phổ cập giáo dục, ý thức học tập, rèn luyện của học sinh, đổi mới phương pháp giáo dục và các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học...

Mục tiêu của kỳ thi THPT là đáp ứng những yêu cầu cần đạt cho một học sinh ra xã hội. Tuyển sinh đại học là xác định năng lực của một học sinh để vào học một ngành nghề nào đó. Tuy nhiên, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, trên cơ sở tổ chức nghiêm túc cũng như so sánh các kết quả trong quá trình học tập của các em thì đây là một trong những căn cứ để các trường đại học có thể dựa vào như một hình thức tuyển sinh của mình.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới

Trong số 4 môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, có Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Để hạn chế nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, đề thi sẽ có thêm các dạng thức trắc nghiệm mới.

Đề tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới
Tạo nền tảng để bứt phá trong năm 2024

Năm 2023, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Dù vậy, để tạo bứt phá trong năm 2024, nhiều giải pháp cần được đặt ra. Xung quanh vấn đề này, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Tạo nền tảng để bứt phá trong năm 2024

TIN MỚI

Return to top